Tàu Titan nổ tung và thảm họa hàng hải 111 năm trước

2 vụ tai nạn cùng trong 1 tháng là vụ tàu Andrianna (ngày 14/6) chở hàng trăm người di cư tuyệt vọng trên Địa Trung Hải và tàu Titan (ngày 18/6) với 5 triệu phú tham quan xác con tàu Titanic đã gây sự chú ý khác nhau. Cùng dịp này, truyền thông thế giới đã quay trở lại thời điểm 111 năm trước với vụ tai nạn thảm khốc của con tàu Titanic, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.

Một mảnh vỡ của tàu Titan.

Một mảnh vỡ của tàu Titan.

Vụ nổ tàu lặn Titan và câu chuyện thoát chết của ông Guillen

Trong vụ tai nạn ngày 18/6/2023, trên tàu lặn Titan có: Stockton Rush - Giám đốc điều hành và người sáng lập OceanGate, cũng là người cầm lái tàu; Hamis Harding - doanh nhân người Anh, Chủ tịch của Action Aviation có trụ sở tại Dubai và là một nhà thám hiểm; Paul Henri Nargeolet - Giám đốc nghiên cứu dưới nước của RMS Titanic Inc. - một công ty có trụ sở tại Mỹ sở hữu các quyền đối với xác tàu Titanic; và cuối cùng là Shazad Dawood cùng con trai 19 tuổi Suleman Dawood (quốc tịch Anh), là con cháu của một trong những gia đình giàu có nhất Pakistan.

Các hành khách xấu số kể trên đã trả 250.000 USD mỗi người cho chuyến phiêu lưu mạo hiểm đi xuống độ sâu hàng nghìn mét dưới mặt nước để khám phá xác con tàu Titanic. Một chiến dịch tìm kiếm quốc tế, bao gồm cả Mỹ và Canada, đã được triển khai. Cho tới ngày 22/6, các mảnh vỡ được tìm thấy cho thấy tàu lặn Titan đã nổ tung.

Thân thế 5 người thiệt mạng trên tàu lặn Titan gồm:

- Shahzada Dawood (48 tuổi) - Phó Chủ tịch Tập đoàn Engro - một trong những tập đoàn lớn nhất của Pakistan cùng với con trai của ông, Suleman (19 tuổi). Cả 2 đều mang quốc tịch Anh. Shahzada có bằng Cử nhân Luật của Đại học Buckingham (Vương quốc Anh) và bằng Thạc sĩ Khoa học về tiếp thị dệt may toàn cầu của Đại học Philadelphia (Mỹ). Cha của Shahzada, ông Hussain Dawood, thường được báo chí địa phương xếp vào danh sách những người giàu nhất Pakistan.

-Hamish Harding (58 tuổi), tỷ phú người Anh, nổi tiếng là một nhà thám hiểm với 3 kỷ lục Guinness thế giới. Ông Hamish là Chủ tịch của Hãng máy bay Action Aviation. Ông Hamish cũng là người đã lập kỷ lục Guinness thế giới về hành trình bay vòng quanh Trái đất nhanh nhất bằng máy bay qua Bắc và Nam Cực vào năm 2019.

- Paul Henri Nargeolet (77 tuổi), cựu thợ lặn đã phục vụ 25 năm trong Hải quân Pháp, Giám đốc nghiên cứu dưới nước tại một công ty sở hữu quyền đối với xác tàu Titanic.

- Stockton Rush (62 tuổi), Giám đốc điều hành của OceanGate Expeditions, người đã trở thành phi công vận tải phản lực trẻ nhất được xếp hạng trên toàn cầu vào năm 1981 ở tuổi 19.

Tàu lặn Titan, dài khoảng 6,7m, nặng 10.432kg, có thể lặn sâu tới 4.000m, do công ty du lịch dưới nước Oceangate Expeditions vận hành. Theo thiết kế, tàu có đủ dưỡng khí trong 96 giờ cho nhóm 5 người. Cựu sĩ quan tàu ngầm hạt nhân Mỹ David Corley cho rằng, vụ nổ trên tàu lặn Titan diễn ra nhanh tới mức không người nào trên tàu kịp nhận biết thảm họa sắp xảy ra. Còn theo ông Rick Murcar - Giám đốc đào tạo quốc tế thuộc Hiệp hội thợ lặn hang động quốc gia Mỹ thì thân tàu Titan làm bằng sợi carbon sẽ nổ tung trong một phần nghìn giây với áp lực khủng khiếp dưới đáy đại dương. Aileen Maria Marty, cựu sĩ quan hải quân Mỹ - giáo sư Đại học Quốc tế Florida cũng nói rằng: "Tất cả mọi thứ tan tành trước khi những người trên tàu nhận biết được vấn đề".

Việc mạo hiểm tham quan xác con tàu Titanic huyền thoại dưới đáy đại dương từng được thực hiện nhiều lần. Michael Guillen - nhà vật lý người Mỹ cho biết, ông đã trải qua cảm giác kinh hoàng khi tàu lặn chở ông bị mắc kẹt trong lúc tham quan xác tàu Titanic vào năm 2000. Lúc đó ông là biên tập viên khoa học của mạng tin tức ABC (Mỹ) đã xuống một chiếc tàu lặn nhỏ của Nga, được hạ từ tàu nghiên cứu Akademik Mstislav.

Guillen kể: "Lúc tham quan mũi tàu Titanic, mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Sau đó, thủy thủ đoàn quyết định đi tới phần đuôi tàu nằm cách đó một quãng. Khi lướt qua khu vực được gọi là “cánh đồng của các mảnh vỡ”, chúng tôi bị cuốn vào một dòng nước ngầm chảy rất nhanh. Vì vậy, tàu bị mắc kẹt ở phần chân vịt. Đột nhiên, có một vụ va chạm. Những mảnh rỉ sét của tàu Titanic bắt đầu rơi xuống đầu chúng tôi. Tôi đã nói lời vĩnh biệt ".

Tuy nhiên, lái tàu - người từng là phi công lái máy bay chiến đấu MIG của Nga đã cố điều khiển con tàu thoát khỏi chỗ kẹt. "Nó giống như bạn cố đẩy chiếc xe đang mắc kẹt trong bùn, bạn cố tiến, lùi rồi lại lùi, tiến, chỉ để cố gắng thoát ra. Chúng tôi bị mắc kẹt giữa cái chết và sự sống. Phải mất hơn 2 giờ tàu mới thoát hiểm và trở lại mặt nước. Chúng tôi đã thoát chết một cách bí hiểm” - ông Guillen nhớ lại.

Titan là một tàu lặn dài gần 7m, nặng hơn 9 tấn.

Titan là một tàu lặn dài gần 7m, nặng hơn 9 tấn.

Thảm kịch ám ảnh

Ngày 15/4/1912, con tàu Titanic huyền thoại đã chìm xuống đáy Đại Tây Dương sau khi đâm vào tảng băng trôi và trở thành vụ tai nạn hàng hải lớn nhất lịch sử. Titanic là con tàu vượt đại dương lớn nhất thế giới lúc đi vào hoạt động năm 1910. Nó được thiết kế bởi Công ty White Star Line (Vương quốc Anh) và là con tàu biển lớn nhất, sang trọng nhất vào thời điểm bấy giờ với sức chứa gần 4.000 người. Lúc ấy, Titanic được gọi là "kình ngư bất khả chiến bại" trên đại dương.

Titanic cũng là con tàu xa hoa lộng lẫy tột bậc với bể bơi trên boong, thang máy, phòng tập thể dục, thư viện... Các phòng hạng nhất được ốp bằng những thanh gỗ chạm khắc tỉ mỉ, đồ đạc nội thất đắt tiền và các trang trí sang trọng khác.

Thế nhưng ngay từ chuyến đi đầu tiên, Titanic đã chìm. Lần chuẩn bị khởi hành của Titanic xuất phát từ Belfast, Bắc Ireland vào ngày 2/4/1912. Đến đêm 14 rạng sáng ngày 15/4/1912, tàu đã đâm phải một núi băng và chìm dần xuống đáy đại dương, lấy đi sinh mạng của 1.517 trong tổng số 2.229 hành khách và thủy thủ đoàn.

Lý do vì sao Titanic bị chìm và trách nhiệm thuộc về ai vẫn luôn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tới nay người ta vẫn chấp nhận giả thiết “thủ phạm” là do tảng băng trôi khổng lồ. Tuy nhiên, tới đây câu hỏi tiếp theo lại được đặt ra: Dù nguyên nhân trực tiếp khiến Titanic chìm là do đâm vào băng nhưng vì sao nó lại đâm vào “hố tử thần” này? Thuyết âm mưu còn cho rằng đây là một kế hoạch mưu sát hoàn hảo liên quan đến bảo hiểm.

Năm 1997, bộ phim "Titanic" của đạo diễn James Cameron công chiếu đã khiến cả thế giới một lần nữa nhớ tới thảm họa. Bộ phim với cuộc tình lãng mạn giữa Jack (Leonardo DiCaprio) và Rose (Kate Winslet) đã giữ vị trí có doanh thu cao nhất mọi thời đại suốt 12 năm. "Titanic" đã khiến cả thế giới một lần nữa cảm thương trước thảm kịch đau buồn. Bên cạnh đó, bộ phim bom tấn của Cameron đã khiến các dịch vụ du lịch thám hiểm, quan sát xác của tàu Titanic tăng đột biến; trong đó có vụ tàu lặn Titan gặp thảm họa vào ngày 18/6 vừa qua.

Người ta đã “lần giở” lại những giờ cuối cùng của Titanic trước khi nó chìm xuống đáy biển.

- Đêm 14/4/1912, tức là 4 ngày sau khi rời cảng Southampton ở nước Anh, hoa tiêu tàu Titanic phát hiện băng trôi phía trước mũi tàu.

- 23h40’ đêm đó, Titanic va chạm mạnh với tảng băng trôi khổng lồ. Nước biển tràn vào từ vết thủng sau cú va chạm.

-0h30’ ngày 15/4/1912, thuyền trưởng Edward J.Smith ra lệnh hạ các tàu cứu hộ để sơ tán hành khách cũng như thủy thủ đoàn. 10 phút sau khi lệnh được đưa ra, chiếc tàu cứu hộ đầu tiên được thả xuống biển. Trẻ em và phụ nữ được ưu tiên sơ tán trước.

- 2h10’, điện trên tàu Titanic phụt tắt. Lúc này, phần mũi của con tàu đã chìm xuống dưới mặt nước biển, trong khi phần đuôi tàu lại dần nhô cao. Khoảng 18/20 tàu cứu hộ khi đó đã được thả xuống biển. Chỉ 7 phút sau, con tàu nặng 52.310 tấn bắt đầu bị gãy đôi.

- 2h19’, sau khi bị tách hoàn toàn khỏi phần đuôi, phần mũi của tàu Titanic bắt đầu chìm xuống. Phần đuôi tàu Titanic chúc thẳng xuống đáy biển vào khoảng 2h20’. Còn phần mũi tàu chạm tới đáy biển lúc 2h22’.

Bé gái nhỏ tuổi nhất thoát chết

Vụ đắm du thuyền sang trọng Titanic cách đây 111 năm vẫn được coi là tai nạn hàng hải bi thảm nhất mọi thời đại. Hơn 1.500 người thiệt mạng nhưng cũng có hơn 700 sống sót. Trong số đó, người nhỏ tuổi nhất được ghi nhận là Eva Hart, người Anh, 7 tuổi, cùng cha mẹ đi trên con tàu Titanic ở khoang hạng hai. Cha của Hart, ông Benjamin, đã tìm cách đưa vợ con lên xuồng cứu sinh số 14 và họ được tàu Carpathia cứu vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, ông Benjamin đã không sống sót qua thảm kịch.

Trong suốt cuộc đời, Hart luôn bị những cơn ác mộng ám ảnh. Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông sau này, bà kể bản thân không thể nào quên “những tiếng la hét thất thanh khủng khiếp” của những người trên tàu Titanic vào lúc xảy ra thảm họa.

Về sau, Hart trở thành một trong những người tích cực vận động Chính phủ Anh ban hành những quy định chặt chẽ hơn về an toàn hàng hải và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trên tàu biển. Bà cũng thường xuyên chỉ trích White Star Line, công ty vận tải sở hữu tàu Titanic vì đã không cung cấp đủ xuồng cứu sinh cho chuyến đi định mệnh. Bà cáo buộc những người trục vớt con tàu đắm là “những kẻ săn kho báu, kền kền, cướp biển và kẻ trộm mộ".

Bà Hart qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 14/2/1996.

Bản nhạc cuối cùng và cái chết của thuyền trưởng

Một trong những hình ảnh sống động nhất trong nhiều bộ phim "Titanic" của đạo diễn Cameron là hình ảnh ban nhạc chơi nhạc khi tàu chìm. Câu chuyện kể rằng các nhạc công biểu diễn một bản nhạc Jazz ở trên boong để khiến mọi người không hoảng sợ cho dù cái chết chắc chắn sẽ đến. Không ai trong số những nhạc công còn sống sót và họ đã được tôn vinh như những anh hùng.

Simon McCallum - nhân viên quản lý dữ liệu ở Viện Phim Anh (BFI), nói: "Chúng ta không bao giờ biết được sự thực khi cả 7 nhạc công đều đã thiệt mạng, nhưng bản nhạc đó tạo nên một hình ảnh lãng mạn trong phim". Trong khi đó, Paul Louden-Brown, thuộc Hội lịch sử Titanic cho rằng cảnh chơi nhạc đã có trong một bộ phim về Titanic năm 1958, hấp dẫn đến nỗi Cameron đã quyết định lặp lại nó trong bộ phim của mình.

Về cái chết của thuyền trưởng tàu Titanic, Smith, ít ai biết về những khoảnh khắc cuối cùng của ông nhưng ông vẫn được nhớ về như một người anh hùng, dù ông bỏ qua lời cảnh báo và không giảm tốc độ con tàu khi được báo tin có băng trên hải lộ.

Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng thuyền trưởng Smith phải là người chịu trách nhiệm về thảm họa khi đã không ra lệnh rời tàu khiến nhiều hành khách không nhận ra rằng Titanic gặp nguy hiểm; cũng không có kế hoạch sơ tán một cách trật tự, không hệ thống thông báo chung, không diễn tập với thuyền cứu sinh.

Sau này, ngày càng có thêm những giả thiết, những câu chuyện về thảm họa Titanic. Mà cũng chính vì thế sự tò mò càng tăng. Người may mắn còn sống kể lại những gì họ chứng kiến nhưng cũng chỉ ở một góc nhìn giới hạn mang tính chủ quan. Còn sự thật thế nào đã bị chôn vùi dưới đáy đại dương sâu thẳm. Trong đó việc đánh giá thế nào về thuyền trưởng Smith cũng không bao giờ có được sự thống nhất, dù rằng ông đã chết cùng con tàu.

Chuyện tình “đốn tim” nhân loại

Trong bộ phim "Titanic" của đạo diễn Cameron, chuyện tình của Jack và Rose được so sánh với tình yêu của Romeo và Juliette từng được William Shakespeare tái hiện 600 năm trước. Trong "Titanic", cuộc tình được lấy cảm hứng từ một cặp đôi già đã hy sinh mạng sống của mình cho người khác. Hai ông bà nằm ôm nhau trên giường, lặng lẽ nhìn dòng nước biển băng giá tràn vào cabin, từ từ dâng lên xung quanh họ. Ông siết chặt tay bà và nhẹ nhàng hôn lên má. Họ chờ đợi số phận ập tới.

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Isidor Straus (67 tuổi) và vợ là bà Ida Straus (63 tuổi) khi đó đã cùng nhau ra đi theo một cách khác. Họ từ chối lên thuyền cứu hộ để nhường suất cho phụ nữ và trẻ em. Sau đó, ông ôm lấy bà trên mạn thuyền và bị sóng cuốn xuống biển sâu. Như đạo diễn Cameron từng miêu tả, họ đã chết trong tình yêu cũng giống như họ từng sống với nó.

Câu chuyện dưới đây là những gì được coi là sự thật đã xảy ra vào đêm định mệnh đó, đêm 14/4/1912.

Theo lời kể của nhân chứng còn sống vào thời điểm đó, bà Ida mặc một chiếc áo khoác lông chồn dài để chống chọi với nhiệt độ băng giá ngoài trời, bước lên xuồng cứu sinh. Nhưng khi viên sĩ quan ra hiệu cho ông Isidor lên thuyền thì ông lắc đầu.

"Ông Isidor nói: “Không, tôi sẽ không lên xuồng cho đến khi mọi phụ nữ và trẻ em đều có cơ hội trốn thoát” - chắt của cặp vợ chồng, giáo sư, nhà sử học Straus Paul Kurzman, chia sẻ với tờ Country Living.

Viên sĩ quan nói: Ông Straus, chúng tôi biết ông là ai, vì thế ông sẽ có một chỗ trên thuyền cứu sinh. Nhưng ông Isidor vẫn chọn ở lại boong tàu.

Bà Ida trèo ra khỏi thuyền cứu sinh và quay sang nói với người chồng yêu dấu: "Chúng ta đã sống một cuộc đời tuyệt vời cùng nhau trong 40 năm và có với nhau 6 đứa con xinh đẹp. Nếu anh không lên thuyền thì em cũng sẽ ở lại cùng anh".

Bà cẩn thận cởi chiếc áo khoác lông chồn của mình và đưa cho người giúp việc Ellen Bird. "Tôi không cần nó nữa" - bà nói. "Hãy mang theo thứ này khi cô lên thuyền cứu sinh để giữ ấm cho đến khi cô được cứu".

Sau đó, ông Isidor đã vòng tay ôm lấy bà. "Một con sóng lớn tràn qua mạn trái của con tàu và cuốn cả hai người xuống biển. Đó là lần cuối cùng người ta nhìn thấy họ còn sống" - theo ông Kurzman.

Vậy, đôi vợ chồng già trong thảm họa Titanic là ai?

Ông Isidor sinh ở Bavaria (Đức), năm 1845. Ông di cư đến Georgia, Mỹ cùng gia đình vào giữa những năm 1850 rồi dừng chân ở New York khi ông được giới thiệu với bà Ida. Năm 1871, ở tuổi 26, Isidor cầu hôn Ida, 22 tuổi.

Ông Isidor là chủ sở hữu của thương hiệu bán lẻ Macy's và được bầu vào Hạ viện năm 1894.

Năm 1912, sau khi tham gia một số hoạt động xã hội ở châu Âu, hai vợ chồng đặt vé về nhà trên con tàu RMS Olympic, nhưng chuyến đi bị trì hoãn. Vì vậy họ đã lên tàu Titanic. Họ được sắp xếp ở trong một căn hộ đầy đủ tiện nghi trên boong C. Cô giúp việc Ellen Bird ở trong một cabin nhỏ hơn đối diện hành lang. Trước khi thảm kịch xảy ra, họ tay trong tay đi dạo trên boong sau đó trở về phòng của mình.

Thi thể của bà Ida không được tìm thấy, nhưng thi thể của ông Isidor đã được trục vớt trên biển và đưa về New York. Vào ngày 12/5/2012, hơn 6.000 người đã tham dự lễ tưởng niệm Ida và Isidor tại Carnegie Hall. Một công viên tưởng niệm mang tên Straus đã được xây dựng dành riêng cho cặp đôi, ở gần ngôi nhà của họ trên phố 106. Bia tưởng niệm ghi dòng chữ: “Dòng nước không thể dập tắt được tình yêu. Lũ lụt cũng không thể nhấn chìm nó”.

"Đây là một câu chuyện tình yêu" - ông Kurzman, chắt của cặp đôi nhận định. "Và tôi hy vọng rằng trong thời điểm mà thế giới này cần thêm một chút tình yêu, thêm một chút cảm hứng, câu chuyện của cụ Ida và cụ Isidor Straus sẽ mang đến cho người ta niềm hy vọng".

Mũi tàu Titanic, chụp năm 1986. Ảnh: Anne Bernas.

Xác tàu Titanic được đưa vào Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa dưới nước, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày nó chìm xuống Đại Tây Dương. Mục đích của Công ước (ra đời năm 2001) là ngăn chặn những hoạt động thám hiểm phi khoa học hoặc phi đạo đức. Tính tới thời điểm đó đã có hơn 700 người lặn xuống vị trí đắm của Titanic, nơi nằm cách bờ biển Canada khoảng 4km. Bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO nhận xét rằng vụ đắm tàu Titanic là một sự kiện hằn sâu vào ký ức của nhân loại. Vì thế bảo vệ xác Titanic, nơi hơn 1.500 người mất mạng, là việc quan trọng. “Hàng nghìn xác tàu khác cũng cần được bảo vệ. Chúng ta không chấp nhận hành vi cướρ đoạt các di sản văn hóa trên mặt đất và cũng sẽ không dung thứ hành vi cướρ đoạt di sản văn hóa dưới nước” - bà Bokova nói.

Titanic chỉ là một trong nhiều xác tàu đắm nằm dưới đáy biển sâu của Đại Tây Dương. Tuy nhiên, người ta thường bị thu hút bởi Titanic hết lần này đến lần khác. Thảm kịch lịch sử đã truyền cảm hứng cho tiểu thuyết, phim ảnh và ngành du lịch phát triển mạnh dưới hình thức các bảo tàng và triển lãm thu hút hàng trăm nghìn du khách mỗi năm. Nhiều doanh nhân giàu có đã có những chuyến đi để xem tận mắt chiếc tàu đắm. Chi phí và rủi ro cực độ không khiến họ chùn bước khi chỉ có vài phút để nhìn xuyên qua vùng nước đen tại một xác tàu đắm đang phân hủy. Nói như giáo sư Brent McKenzie (Đại học Guelph, Canada) thì “thảm họa xảy ra đã hơn một thế kỷ có nghĩa là không còn có thể có chuyện tương tự. Vì thế nó trở nên khó hiểu và khiến thế hệ tương lai nuôi khát vọng khám phá”.

PHAN QUANG VŨ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tau-titan-no-tung-va-tham-hoa-hang-hai-111-nam-truoc-5722779.html