Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

Mưa lớn, sạt lở đất từ ngày 2 đến ngày 10/8, tại khu vực vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên khiến 15 người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng. Các địa phương đang tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp dân sớm ổn định cuộc sống.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Nông khơi thông tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ. Ảnh: Quang Thạo

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Nông khơi thông tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ. Ảnh: Quang Thạo

Mưa lũ gây thiệt hại cho nhiều địa phương

Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Tuyên Quang, Đắk Nông đã khiến 12 người chết, 3 người mất tích, 5 người bị thương; 59 nhà sập, 676 nhà bị hư hại; 803ha lúa, hoa màu và 19ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 1.422 con gia cầm, 28 con gia súc bị chết, cuốn trôi. Ngoài ra, mưa lũ làm 163 công trình thủy lợi, nước sạch, kè; 19 điểm trường học; 1 cơ sở y tế bị sạt lở, hư hỏng.

Mưa lũ và sạt lở đất cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống giao thông của nhiều địa phương. Thống kê cho thấy, có 224 điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ: 4H, 279D, 32, 6, 70. Trong đó, đến ngày 10/8, quốc lộ 279D, quốc lộ 32 trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Yên Bái chưa thông xe. Ngoài ra, còn có 229 điểm sạt lở trên các tuyến tỉnh lộ, giao thông địa phương; 1 cột 35KV gãy đổ gây mất điện diện rộng tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).

Trên địa bàn biên giới, mưa lũ khiến nhiều vị trí bị sạt lở gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại cũng như tâm lý của người dân. Tại bon Bu Krắc và bon Bu Prăng 1A, xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, ngày 1/8, đã xuất hiện vết nứt gãy có tổng chiều dài khoảng 200m. Những ngày tiếp theo, các vết nứt tiếp tục mở rộng, kéo dài và xuất hiện thêm nhiều vết nứt xung quanh khu vực. Đến ngày 7/8, diễn biến các vết nứt gãy phức tạp, tổng chiều dài các vết nứt khoảng 540m, các đường nứt trên địa bàn bon Bu Krắc đã kéo dài đến bon Bu Prăng 1A, cách chân đập thủy lợi Đắc Ké khoảng 300m; gây mất ổn định kết cầu hạ tầng giao thông, nhà cửa, ảnh hưởng lớn đến hoạt động tham gia giao thông tại khu vực, an toàn tính mạng và tài sản các hộ dân xung quanh.

BĐBP Đắk Nông đã phối hợp với địa phương, lực lượng chức năng tuyên truyền, hỗ trợ di dời 68 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ngày 8/8, Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông đã về xã biên giới Quảng Trực, trực tiếp thăm hỏi, động viên và trao tặng cho người dân 68 phần quà, gồm các nhu yếu phẩm như: Bột giặt, xà bông, dầu ăn, nước mắm, gạo, đồ hộp, mì tôm..., góp phần giúp người dân địa phương nhanh chóng vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống.

Còn tại Điện Biên, mưa lũ đã làm 150 nhà dân bị ảnh hưởng, nhiều hộ trong số này đã phải di dời khẩn cấp tới nơi ở mới an toàn; gần 40.000ha lúa và rau màu bị ngập lụt, vùi lấp, trong đó có khoảng 500ha lúa bị hư hỏng hoàn toàn; hơn 4,5ha thủy sản bị cuốn trôi; các tuyến quốc lộ 4H, tỉnh lộ 144 và nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã bị sụt, sạt nhiều điểm, gây ách tắc giao thông tại nhiều vị trí. BĐBP Điện Biên điều 30 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng chức năng tham gia khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn giao thông.

Địa phương giáp Điện Biên là Lai Châu cũng chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ. Tại địa bàn các xã Tung Qua Lìn, Mù Sang, Pa Vây Sử, Vàng Ma Chải, Ma Ly Pho, Huổi Luông, huyện Phong Thổ và xã Mường Tè, Pa Ủ, huyện Mường Tè, mưa lớn kéo dài gây sạt lở khoảng 230m3 đất đá, làm ách tắc cục bộ một số điểm giao thông đường liên thôn, xã, tỉnh lộ 132, quốc lộ 12. BĐBP Lai Châu đã điều 23 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với địa phương di dời 1 hộ dân, hướng dẫn, phân luồng giao thông và giúp người dân khắc phục hậu quả.

Cũng chịu ảnh hưởng của mưa lớn, xã địa bàn xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La bị ngập úng khoảng một số diện tích trồng lúa, sập đổ 6m tường và 1 cột điện cao thế. BĐBP Sơn La điều 23 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với địa phương giúp dân khắc phục hậu quả.

Tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét

Trước tình trạng sạt lở đất, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của nhân dân, nhiều tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây tâm lý bất an trong nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 8/8/2023 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Nhà, BĐBP Điện Biên cùng Dân quân xã Na Tông khắc phục sự cố sạt trượt đất, đá trên tuyến đường ra biên giới. Ảnh: Anh Dũng

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Nhà, BĐBP Điện Biên cùng Dân quân xã Na Tông khắc phục sự cố sạt trượt đất, đá trên tuyến đường ra biên giới. Ảnh: Anh Dũng

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. Cụ thể, đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.

Tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét... Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại, đặc biệt cần chú ý có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng; khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tap-trung-ung-pho-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-post464785.html