Tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế những tháng cuối năm

BBK -Kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn những tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở các lĩnh vực. Song để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%, những tháng cuối năm tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành những mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Các lĩnh vực kinh tế có nhiều chuyển biến

Trong tháng 9, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung chăm sóc lúa vụ mùa và trồng các cây trồng khác; diện tích cấy lúa đạt 98% kế hoạch; cây ngô đã trồng đạt 88% kế hoạch. Đàn vật nuôi phát triển ổn định, tỉnh triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm soát tốt công tác giết mổ và kiểm dịch vận chuyển.

Đến ngày 15/9/2023 toàn tỉnh trồng được 4.450ha rừng đạt 110% kế hoạch. Trong xây dựng nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 12,38 tiêu chí/xã, dự ước đến hết năm 2023 tỉnh có thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022.(Trong ảnh: Hoạt động sản xuất, chế biến khoáng sản tại Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn)

Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022.(Trong ảnh: Hoạt động sản xuất, chế biến khoáng sản tại Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn)

Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.210 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch năm 2023, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 10/9/2023 đạt 868/2.850 tỷ đồng, đạt hơn 30% kế hoạch vốn năm 2023. Giải ngân vốn chương trình MTQG năm 2023 được 208/1.106 tỷ đồng, đạt 38%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng được 520,6 tỷ đồng, đạt 63,3% dự toán Trung ương giao, đạt 52,2% dự toán tỉnh giao.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.504 tỷ đồng, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 92,6% kế hoạch năm 2023. Trong 9 tháng, tổng lượng khách du lịch đạt 661.572 lượt khách, đạt 85% kế hoạch năm; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 462,7 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch năm.

Trong 9 tháng, cả tỉnh có 85 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.660 tỷ đồng (tăng 01 doanh nghiệp và 750 tỷ đồng vốn đăng ký so với cùng kỳ). Có 52 HTX thành lập mới, hiện toàn tỉnh có 385 HTX với tổng vốn điều lệ là 560 tỷ đồng và 3.713 thành viên; có 02 Liên hiệp HTX với 18 thành viên là các HTX, tổng số vốn hoạt động của liên hiệp HTX là 12 tỷ đồng. Các lĩnh vực về tài chính, tiền tệ được quản lý, điều hành chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả theo đúng quy định…

Nhận diện những khó khăn, thách thức

Ông Nguyễn Công Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nguyên nhân công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình MTQG còn chậm là do một số văn bản hướng dẫn chưa ban hành kịp thời, nhất là thực hiện các chương trình MTQG; chương trình MTQG có nhiều tiểu dự án nên các chủ đầu tư không tạm ứng được sau khi ký hợp đồng và cũng không thanh toán ngay sau khi có khối lượng thực hiện; việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác còn qua nhiều thủ tục, dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh chưa đạt so với kịch bản đề ra, thu nội địa mới đạt 50,9% kế hoạch. Nguyên nhân thu ngân sách đạt thấp do kinh tế phục hồi chậm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động cầm chừng. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt thấp, giảm khá cao so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là do sụt giảm lượng xuất khẩu hàng hóa, nguyên nhân do kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu nhập khẩu ở các quốc gia giảm. Số lượng doanh nghiệp, HTX ngừng hoạt động còn cao, công tác thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách đăng ký mới…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước đạt 6.504 tỷ đồng, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước đạt 6.504 tỷ đồng, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế

Theo đồng chí Đinh Quang Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Để có thể cán đích tăng trưởng kinh tế năm 2023 trên 7% theo kế hoạch, UBND tỉnh đã ban hành các phương án, kịch bản tăng trưởng, kế hoạch phát triển kinh tế, tập trung vào những ngành, lĩnh vực có khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh hơn bù đắp lại cho các ngành khó đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình MTQG.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đôn đốc các dự án, nhà máy công nghiệp đi vào hoạt động, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp để sớm có quỹ đất sạch phục vụ thu hút các dự án đầu tư; chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Cùng với đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách. Quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Xây dựng chính sách hỗ trợ thực hiện mô hình thí điểm phát triển “Điểm du lịch” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2023-2026. Tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch gắn với phát huy các di sản văn hóa truyền thống của tỉnh…

Bằng các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023./.

Quý Đôn

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/tap-trung-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-nhung-thang-cuoi-nam-post56038.html