Tập trung khắc phục hậu quả bão số 6, chủ động ứng phó mưa, lũ lớn
Ngày 24-9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tiếp tục họp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 6 và ứng phó mưa, lũ lớn tại các tỉnh Trung Trung Bộ.
Bộ đội Biên phòng tuyến biển đang tích cực tìm kiếm 2 ngư dân bị mất tích do tàu va chạm trên đường vào cảng Đề Gi (tỉnh Bình Định). Ảnh: TTXVN
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đêm 23-9, bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam. Hôm nay, 24-9, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với đới gió Đông trên cao nên đêm nay và ngày mai (25-9), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 70-120mm, có nơi cao hơn 150mm.
Kết hợp với lượng mưa lớn xảy ra trước đó, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng thấp, ven sông và khu đô thị...
Hà Nội từ đêm nay đến ngày 26-9, có mưa vừa, mưa to và dông; lượng mưa cả đợt tại khu vực trung tâm và các huyện phía Bắc thành phố 50-100mm, có nơi lớn hơn, các huyện phía Tây và phía Nam 70-120mm, có nơi lớn hơn. Mặc dù thời tiết Hà Nội dịu mát nhưng, người dân lưu ý biện pháp phòng tránh lốc, sét, gió giật mạnh thường xuất hiện trong mưa dông.
Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, tính đến 17h30 ngày 24-9, thiên tai đã làm 2 người ở tỉnh Quảng Ngãi bị thương nhẹ, tốc mái, hư hỏng 29 ngôi nhà của dân và 1 điểm trường tại các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Liên quan 1 tàu cá có 3 ngư dân bị chìm, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, nguyên nhân là do tàu này va chạm với tàu khác trên đường vào cảng Đề Gi (tỉnh Bình Định) tối 23-9. Một ngư dân đã được cứu. Hôm nay, cơ quan tìm kiếm cứu nạn đã huy động lực lượng và 8 tàu, thuyền tìm kiếm 2 ngư dân còn lại bị mất tích trên biển nhưng chưa có kết quả.
Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành đề nghị cơ quan tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm 2 ngư dân mất tích trên biển.
Các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở bị hư hỏng, vệ sinh môi trường, khẩn trương rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; đồng thời, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân, bảo đảm an toàn về người và tài sản, an toàn phòng, chống dịch Covid-19...