Tạo thuận lợi cho người dân khi sắp xếp đơn vị hành chính
Hiện Đồng Nai đã hoàn thành việc sắp xếp 22 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã tại 4 huyện, thành phố gồm: huyện Tân Phú, huyện Vĩnh Cửu, thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh theo Nghị quyết số 1194-NQ/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025 (gọi tắt là Nghị quyết 1194).
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc sắp xếp ĐVHC cấp xã nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Việc này liên quan trực tiếp đến đời sống của nhiều người nên ngoài mong muốn được tạo thuận lợi khi điều chỉnh các giấy tờ liên quan do thay đổi địa giới hành chính, người dân kỳ vọng việc sắp xếp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển trên địa bàn mạnh hơn, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nhanh và toàn diện hơn…
Tinh gọn đi đôi với hiệu quả
Sau sắp xếp ĐVHC cấp xã, Đồng Nai giảm 11 ĐVHC cấp xã gồm 4 xã, 7 phường (từ 170 đơn vị còn 159 đơn vị). Việc sắp xếp không đơn thuần làm theo kiểu sáp nhập cơ học mà hướng đến các mục tiêu tinh gọn, cơ cấu lại bộ máy và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức… để phục vụ người dân tốt hơn.
Phát biểu tại Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Đồng Nai (giai đoạn 2023-2025) vào ngày 22-10, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm tới việc bố trí vị trí việc làm, tinh giản biên chế và giải quyết các chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp, sáp nhập. Chống chạy chức, tham nhũng, tiêu cực và không để phát sinh đơn thư tố cáo, khiếu nại liên quan đến công tác cán bộ. Đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Việc sử dụng, bảo quản tài liệu, sổ sách tài chính, kế toán, hồ sơ lưu trữ đúng quy định, không được làm mất, thất lạc tài liệu khi thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp xã. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp tiến hành giao dịch ở các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp, chuyển đổi các loại giấy tờ cho nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo thẩm quyền…
Bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí cao việc triển khai thực hiện Nghị quyết 1194, ông Nguyễn Văn Thôi (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) bộc bạch: “Lúc đầu khi nghe thông tin sẽ điều chỉnh một phần phường Tân Phong để nhập vào phường Trung Dũng tôi thấy hơi ngại vì không muốn có thay đổi gì. Khi tìm hiểu và nghe chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về vấn đề này tôi thấy yên tâm hơn. Tôi ủng hộ việc sắp xếp ĐVHC vì sẽ giúp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tại các cấp cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính. Từ đó, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội…” - ông Thôi nói.
Còn ông Nguyễn Thùy Huy (phường Xuân An, thành phố Long Khánh) cho biết, hiện nay, nhiều thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến nên việc nhập phường cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến việc làm các thủ tục hành chính.
“Chỉ mong là khi sắp xếp lại ĐVHC, đội ngũ cán bộ được tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn trước đây. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thì người dân cần phải điều chỉnh các giấy tờ nhân thân cho phù hợp. Mong được cơ quan chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ nhanh chóng để người dân không gặp khó khăn khi thực hiện các giao dịch” - ông Huy kiến nghị.
Nghị quyết số 1194/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025, có hiệu lực từ ngày 1-11-2024. Theo đó, sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tỉnh Đồng Nai có 11 ĐVHC cấp huyện (gồm 9 huyện và 2 thành phố); 159 ĐVHC cấp xã (gồm 117 xã, 33 phường và 9 thị trấn, giảm 11 ĐVHC cấp xã).
Đối với huyện Tân Phú, nhập toàn bộ xã Phú Trung vào xã Phú Sơn. Điều chỉnh một phần xã Núi Tượng để nhập vào xã Phú Lập. Nhập toàn bộ xã Núi Tượng sau khi điều chỉnh theo quy định vào xã Nam Cát Tiên. Sau khi sắp xếp, huyện Tân Phú có 16 ĐVHC cấp xã (gồm 15 xã và 1 thị trấn).
Đối với huyện Vĩnh Cửu, nhập toàn bộ xã Hiếu Liêm vào xã Trị An. Nhập toàn bộ xã Bình Hòa vào xã Tân Bình. Sau khi sắp xếp, huyện Vĩnh Cửu có 10 ĐVHC cấp xã (gồm 9 xã và 1 thị trấn).
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Đỗ Chánh Quang cho biết, sự đồng thuận từ hệ thống chính trị đến người dân là động lực và giải pháp để thực hiện tốt việc sắp xếp ĐVHC. Khi thực hiện Nghị quyết 1194, thành phố Long Khánh giảm 2 ĐVHC cấp xã (giảm 2 phường), hiện còn 13 ĐVHC cấp xã (9 phường và 4 xã). Cụ thể, nhập toàn bộ phường Xuân Trung và toàn bộ phường Xuân Thanh vào phường Xuân An.
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là địa bàn các ĐVHC cấp xã trong diện sắp xếp, điều chỉnh, đã tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. “Thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo thuận lợi tối đa để người dân yên tâm khi thực hiện các thủ tục hành chính” - ông Quang nói.
Thành phố Biên Hòa là địa phương có nhiều ĐVHC cấp xã được điều chỉnh theo Nghị quyết 1194. Theo đó, thành phố giảm từ 30 ĐVHC cấp xã xuống còn 25 (gồm 24 phường, 1 xã), giảm 5 phường. Cụ thể, phường Hòa Bình và một phần khu phố 10 của phường Tân Phong nhập vào phường Quang Vinh, tên mới là phường Quang Vinh; các phường: Thanh Bình, Quyết Thắng và một phần khu phố 10 của phường Tân Phong nhập vào phường Trung Dũng, tên mới là phường Trung Dũng; phường Tân Tiến nhập vào phường Tân Mai, lấy tên mới là phường Tân Mai; phường Tam Hòa nhập vào phường Bình Đa, tên mới là phường Bình Đa.
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, thành phố tiếp tục bám sát hướng dẫn của Sở Nội vụ, quan tâm, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với những trường hợp cán bộ, công chức dôi dư do thực hiện Nghị quyết 1194. Xây dựng phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp khi tiến hành giao dịch ở các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp, chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan…
Khi sắp xếp lại ĐVHC, công dân có sự thay đổi về nơi sinh, quê quán, hộ khẩu thường trú, tạm trú… Liên quan đến việc điều chỉnh giấy tờ tùy thân, đại diện Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết, hiện tại Công an tỉnh đang triển khai điều chỉnh trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật các thay đổi. Sau khi hoàn tất sẽ hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi các giấy tờ liên quan.
Vẫn được sử dụng thông tin, giấy tờ còn hạn để giải quyết thủ tục hành chính
Điều 21 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã quy định về chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã như sau:
- Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo ĐVHC cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
- UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp ĐVHC chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC.