Tạo sức hút du lịch từ văn hóa truyền thống

Diễn ra đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2022 đã thu hút lượng khách nhiều hơn mong đợi. Với điểm nhấn là các sản phẩm quà tặng mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội, lễ hội là minh chứng sống động cho quá trình hồi phục du lịch của Thủ đô, cũng như sức hút của yếu tố văn hóa truyền thống trong phát triển du lịch.

Khách du lịch trải nghiệm tại không gian Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2022 bên hồ Hoàn Kiếm.

Ngay khi các tiết mục khai mạc Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội diễn ra, đông đảo người dân Thủ đô và du khách đã đổ đến những không gian khác nhau như: Vườn hoa Lý Thái Tổ, nhà bát giác, các tuyến phố Lê Thạch, Lê Lai... để tham quan, trải nghiệm các hoạt động của lễ hội. Mỗi gian hàng của các làng nghề truyền thống, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm quà tặng lưu niệm, các doanh nghiệp du lịch… đều được thiết kế như một gói quà, tạo ấn tượng độc đáo với khách tham quan ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo, với nhiều sản phẩm quà tặng du lịch. Lễ hội trở thành đợt ra quân quy mô nhất từ trước đến nay của những “làng nghề quà tặng”, từ tò he Phượng Dực, khảm trai Chuyên Mỹ, gốm Bát Tràng… cho đến quạt Chàng Sơn, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái… Bên cạnh các sản phẩm theo mẫu mã truyền thống, còn có rất nhiều sản phẩm được thiết kế mới để phục vụ nhu cầu làm quà tặng của khách. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu (làng nghề tò he Phượng Dực, đồng thời là người khôi phục con giống bột Hà Nội) cho biết: “Những nghệ nhân làng nghề truyền thống rất vui khi được đem sản phẩm của làng mình đến với lễ hội. Trong dịp này, ngoài những sản phẩm con giống bột, chúng tôi còn giới thiệu đến các vị khách sản phẩm du lịch trải nghiệm khi về làng nghề tò he”. Trong ba ngày diễn ra lễ hội, các sân khấu còn có những diễn đàn để các nghệ nhân gốm Bát Tràng, tò he Phượng Dực, quạt Chàng Sơn… chia sẻ những câu chuyện nghề nghiệp, những nét độc đáo của sản phẩm làng nghề.

Ban tổ chức còn đem đến cho khách tham quan một quà tặng độc đáo khác là rất nhiều không gian check-in độc đáo. Đó là hình ảnh cầu Long Biên với thông điệp “Hà Nội, đến để yêu”, là mô hình những nếp nhà phố cổ Hà Nội, những chiếc xích lô thân thuộc hay những góc check-in được tạo ra từ những sản phẩm làng nghề… Ngoài ra, còn rất nhiều không gian vui chơi, giải trí, trò chơi dân gian, trò chơi hiện đại và các màn biểu diễn nghệ thuật trải rộng tại nhiều khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm. Được tổ chức đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên lễ hội đã thu hút lượng khách vượt dự kiến. Nhiều thời điểm, khách du lịch phải xếp hàng chờ đợi mới đến lượt chụp ảnh ở một số khu vực. Anh Lê Hoàng Nam, khách du lịch từ tỉnh Ninh Bình cho biết: “Tôi không ngờ khi đến Hà Nội trong dịp này được tham gia một không gian đậm đặc chất văn hóa truyền thống, sôi động như Lễ hội tặng quà du lịch Hà Nội. Các hoạt động vui chơi, giải trí thu hút rất đông người tham gia, điều đó cho thấy cuộc sống đã gần như trở lại bình thường”.

Nhằm tăng tốc đà phục hồi du lịch Thủ đô, chuẩn bị đón SEA Games 31, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện để xúc tiến du lịch, trong đó, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2022 là một điểm nhấn. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Lễ hội là dịp để mọi người hiểu rõ hơn về những giá trị ấy, nhất là ở khía cạnh một món quà trong du lịch. Điều này vừa đem lại lợi ích cho sản xuất ở làng nghề, hay các doanh nghiệp sản xuất quà tặng; vừa kích thích nhu cầu khám phá du lịch làng nghề trên địa bàn Thủ đô”.

Chỉ sau Lễ hội quà tặng du lịch ít ngày, từ 19 đến 23/5, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục tổ chức Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội. Sự kiện diễn ra vào thời điểm các môn thi đấu thể thao tại SEA Games 31 bước vào giai đoạn cuối. Địa điểm diễn ra sự kiện là phố Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm. Đây cũng chính là sự kiện mà ngành du lịch Thủ đô hướng tới nhằm thu hút các vị khách du lịch là vận động viên, quan khách, khán giả quốc tế đến với SEA Games 31. Ngoài những sự kiện này, hàng loạt hoạt động du lịch di sản, du lịch văn hóa của Thủ đô được giới thiệu, khai thác trong dịp cuối tháng 4, đầu tháng 5 như: Tua đạp xe về làng cổ Bát Tràng, tua đêm Hoàng thành Thăng Long, khai trương phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây…

Hà Nội vốn có thế mạnh về du lịch văn hóa, du lịch di sản. Bằng những sự kiện, hoạt động liên tiếp được tổ chức, thành phố tiếp tục đẩy mạnh khai thác “mỏ vàng” này trong giai đoạn phục hồi du lịch sau Covid-19.

Giang Nam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/tao-suc-hut-du-lich-tu-van-hoa-truyen-thong-695572/