Tạo nền tảng cho TTCK phát triển

Dù mới chỉ hình thành và phát triển được 20 năm nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) đã đóng vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng bên cạnh kênh tín dụng. Trao đổi với ĐTTC nhân kỷ niệm 20 năm thành lập (28-11-1996 - 28-11-2016) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, Chủ tịch UBCKNN VŨ BẰNG (ảnh) khẳng định TTCK đã vượt qua các thách thức, khó khăn và tạo dựng được một nền tảng cơ bản, đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trong 20 năm đã qua của TTCK, thời điểm nào ông cho là khó khăn nhất?

Ông VŨ BẰNG: - Cái khó nhất ban đầu là từ cán bộ đến nhân viên hầu như không biết gì, trong khi yếu tố thị trường còn rất sơ khai. Trước năm 2000, việc cổ phần hóa hầu như chỉ thực hiện đối với doanh nghiệp nhỏ và không ai quan tâm đến niêm yết trên TTCK. Việc tạo hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Khi chúng tôi xuống làm việc với doanh nghiệp họ từ chối ngay vì ngại phải công bố thông tin, phải minh bạch.

Giai đoạn thứ hai là thời kỳ TTCK bùng nổ năm 2006 khi dòng tiền đổ vào chứng khoán rất lớn. Lúc đó, một báo cáo của Merrill Lynch còn khuyên nhà đầu tư nước ngoài muốn có tiền nên đầu tư vào TTCK Việt Nam. TTCK tăng nóng cộng với tín dụng ra nhiều, lãi suất giảm, bất động sản tăng, sản xuất mở mang, đã kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng ngay sau đó khiến lạm phát tăng cao. Đã có những cảnh báo về tín hiệu của khủng hoảng. Đến đầu năm 2007, dòng tiền sụt giảm, nước ngoài rút vốn, TTCK lao dốc.

Năm 2009, sau khi thành công trong việc chống lạm phát, thị trường lại sụt giảm mạnh do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng với các chính sách kích cầu ngăn chặn suy giảm kinh tế, sang năm 2010 thị trường đã có sự hồi phục mạnh, dòng vốn gián tiếp nước ngoài quay trở lại, kèm theo đó giá bất động sản tăng. Tuy nhiên, do chính sách tiền tệ nới lỏng, cùng với chương trình kích cầu đã khiến lạm phát tăng cao lên mức 11,75%, buộc chúng ta phải áp dụng giải pháp kiềm chế lạm phát, trong đó có việc thắt chặt tiền tệ, ngừng gói kích cầu và hạn chế dòng tiền vào chứng khoán, bất động sản. Kết quả lạm phát năm 2012 giảm còn 6,8% và năm 2013 còn 6,04%. Ngược lại, TTCK sụt giảm mạnh, VN Index giảm từ trên 600 điểm xuống còn trên 300 điểm. Đó là khoảng thời gian việc điều hành, quản lý TTCK gặp nhiều khó khăn.

- 20 năm cùng thăng trầm của TTCK, đâu là thời điểm ông nhớ nhất và điều gì làm ông tâm đắc nhất?

TTCK đã góp phần thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn bảo đảm tính công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Tôi tin tưởng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh, xứng tầm với vai trò và vị thế trong nền kinh tế, trở thành kênh huy động vốn chủ đạo, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Cuối năm 2007, trước bối cảnh dấu hiệu khủng hoảng tài chính toàn cầu, TTCK, thị trường bất động sản phát triển hết sức nóng, lạm phát tăng cao, Bộ Tài chính chỉ đạo UBCKNN xây dựng đề án chống khủng hoảng, đồng thời xây dựng một báo cáo về đầu tư gián tiếp nước ngoài trình Chính phủ. Thời điểm đó chúng tôi cho rằng nhận định của các chuyên gia nói vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài gây ra hiện tượng đầu cơ, nguy cơ tạo ra đổ vỡ khi rút vốn ở Việt Nam là chưa chính xác. Cuối cùng, Chính phủ quyết định chưa cần thiết phải áp dụng các giải pháp kiểm soát vốn nước ngoài. Đây là quyết định rất quan trọng vì vào thời điểm đó, các tín hiệu kinh tế trong và ngoài nước rất khó khăn, nếu thắt chặt sẽ càng thúc đẩy việc dòng vốn đảo chiều và đổ vỡ TTCK.

Còn điều tôi tâm đắc nhất là TTCK Việt Nam đã vượt qua các thách thức và thực sự trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK tới nay ước đạt trên 2 triệu tỷ đồng, đóng góp bình quân 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; huy động gần 17 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp. Quy mô TTCK tăng trưởng mạnh, từ mốc sơ khởi chỉ có 2 công ty niêm yết, đến nay đã có hơn 1.000 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch, mức vốn hóa TTCK tính chung cả cổ phiếu và dư nợ trái phiếu đã đạt 63% GDP. Cùng với đó, hệ thống các tổ chức trung gian, giao dịch TTCK ngày càng hoàn thiện và phát triển, đã thu hút đông đảo nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Các chuẩn mực về quản trị công ty, công bố thông tin đã từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.

- Ở chặng đường sắp tới, ông có kỳ vọng gì?

- Bối cảnh quốc tế đang có những thay đổi lớn, phức tạp và khó lường trên nhiều phương diện. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và khó khăn sau khủng hoảng toàn cầu, nợ công và nợ khu vực tư nhân của nhiều nước ở mức rất cao, chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, chính sách kinh tế tại các nước có sự phân hóa, thiếu sự tương đồng và hiệu quả chưa cao... Trong nước, nền kinh tế chưa lấy lại được đà tăng trưởng trước đây, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều việc cần cải thiện... Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam đang nỗ lực vượt qua những thách thức, với một loạt giải pháp, quyết tâm của Chính phủ trong việc thay đổi cơ chế và cách quản lý theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng phù hợp cam kết hội nhập cũng như tình hình mới của đất nước. Hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, vì vậy nhu cầu về vốn đầu tư xã hội trong thời gian tới rất lớn.

Bên cạnh đó, sự hội nhập ngày càng sâu và toàn diện của nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, làm tăng nhu cầu đầu tư không chỉ từ phía nhà đầu tư và các tổ chức phát hành trong nước. Các nhà đầu tư quốc tế đang đánh giá cao triển vọng, sự năng động của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh quyết tâm cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, các điều kiện đầu tư, phát triển nền hành chính kiến tạo, phục vụ của Chính phủ đang được triển khai mạnh mẽ. Cùng với đó là các giải pháp quyết liệt đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên TTCK, thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, quy mô thị trường sẽ tăng trưởng mạnh. Đây chính là những yếu tố, tiền đề quan trọng và là cơ hội để TTCK tiếp tục vững bước và phát triển.

- Xin cảm ơn ông.

Ngọc Quang (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161126/tao-nen-tang-cho-ttck-phat-trien.aspx