Tạo hiệu quả cho liên kết vùng
Một trong những vấn đề mà nhiều hội thảo khoa học liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường nhắc đến là tạo hiệu quả trong liên kết vùng.
Liên kết vùng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Liên kết vùng giúp tăng cường lợi thế cạnh tranh và tạo điều kiện phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng.
Thời gian qua, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long dần mở rộng và đa dạng hóa các loại hình hợp tác, liên kết sản xuất-kinh doanh, tiêu thụ; gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; gắn sản xuất với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương với nhau.
Các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp ban hành nhiều chủ trương, quy hoạch, kế hoạch, chương trình để thực thi các định hướng, giải pháp liên kết vùng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, phát triển nhiều mô hình liên kết vùng, liên kết tiểu vùng phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều địa phương đã tổ chức các diễn đàn liên kết vùng như “Mekong Connect” năm 2024; Liên kết phát triển du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 3 - năm 2024…
Theo một số chuyên gia, nhìn chung, các mô hình này khá đa dạng, đưa ra nhiều hướng tiếp cận mới về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững toàn vùng. Mặc dù vậy, có thể nhận thấy, cụm từ “liên kết vùng” tại Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang khiến không ít bộ, ngành, chính quyền địa phương, các chuyên gia băn khoăn. Tại các hội thảo, không ít ý kiến thẳng thắn cho rằng kinh tế của vùng tuy tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững do nhiều nguyên nhân, trong đó có hoạt động liên kết vùng chưa hiệu quả.
Lấy thí dụ, có nhiều lợi thế về nông nghiệp, nhưng liên kết vùng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản còn yếu. Liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản cũng bộc lộ nhiều bất cập, lỏng lẻo, các địa phương chưa liên kết với nhau, dẫn tới mỗi nơi phát triển một kiểu, chính sách cũng khác nhau. Các địa phương đưa ra những nội dung liên kết rộng, bao trùm các lĩnh vực mà không có trọng tâm. Các hình thức liên kết chủ yếu vẫn trong lĩnh vực kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, quản lý tài nguyên, phòng tránh thiên tai…
Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” chỉ rõ: Liên kết vùng phải trở thành quan điểm chỉ đạo, chiến lược dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.
Ngày 18/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW. Tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 974/QÐ-TTg thành lập Hội đồng Ðiều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề liên kết vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc dù vậy, với những thách thức đặt ra trong vùng, cần có cơ chế, chính sách và những giải pháp kịp thời nhằm đẩy mạnh tính liên kết. Các bộ, ngành và địa phương trong vùng cần tăng cường phối hợp trong việc ban hành các chủ trương, chính sách để thể chế hóa, đưa Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống nhanh và hiệu quả hơn; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách về liên kết vùng, nêu rõ phương thức liên kết; nội dung liên kết; cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của tổ chức điều phối vùng.
Cần có chiến lược chung trong liên kết phát triển theo ngành cho toàn vùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong đầu tư và thu hút đầu tư; có bộ phận, cán bộ chuyên trách, cơ sở dữ liệu cấp vùng để đánh giá, giám sát, dự báo và lập quy hoạch, kế hoạch của vùng…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-hieu-qua-cho-lien-ket-vung-post856221.html