Tạo đột phá trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án công nghiệp ở huyện Sông Lô
Nhằm tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển, huyện Sông Lô được tỉnh quan tâm đầu tư, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Tuy nhiên, quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT- GPMB), các dự án gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Để tháo gỡ, chính quyền huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, công tác tuyên truyền được coi là giải pháp then chốt, từ đó mang lại hiệu quả cao trong thực hiện GPMB thời gian qua.
Hiện nay, huyện Sông Lô đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển công nghiệp với mục tiêu đón đầu, thu hút các doanh nghiệp (DN) vào huyện, tạo việc làm mới và nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong đó 2 dự án KCN lớn là KCN Sông Lô I và Sông Lô II có vai trò chiến lược đối với quá trình phát triển KT-XH của huyện.
KCN Sông Lô I được quy hoạch với diện tích trên 177 ha tại 3 xã Đồng Thịnh, Tứ Yên và Đức Bác, nằm gần đường ĐT 306 và tuyến nhánh đi đường từ trung tâm huyện đi nút giao đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đã được điều chỉnh quy hoạch chi tiết và giao cho Công ty TNHH đầu tư phát triển hạ tầng Sông Lô triển khai với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.254 tỷ đồng.
KCN Sông Lô II, có diện tích quy hoạch trên 170 ha, tại 2 xã Yên Thạch và Đồng Thịnh, đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật của Thủ tướng Chính phủ với tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng
Sau giai đoạn khởi đầu khó khăn, công tác BT-GPMB tại các dự án trên đã có những chuyển biến rõ nét, kết quả đạt vượt dự kiến.
Đồng chí Lê Duy Thủy, thành viên tổ BT- GPMB, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng (QLDAĐT&XD) huyện Sông Lô chia sẻ: Với đặc thù là huyện miền núi, kinh tế thuần nông, diện tích trong diện thu hồi chủ yếu là đất nông nghiệp, giá trị đền bù khá thấp; lợi ích kinh tế đem lại chưa đảm bảo đủ điều kiện cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp, dẫn đến tiến độ thực hiện GPMB ban đầu khá chậm.
Sau khi Nghị quyết số 01/2021 của HĐND tỉnh về một số biện pháp đặc thù để bảo đảm công tác GPMB kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 được thông qua, giá trị đền bù được nâng lên đáng kể.
Để tạo ra sự chuyển biến, các thành viên của tổ đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó cốt lõi là đổi mới phương pháp tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân với chủ trương mới của tỉnh.
Các thành viên của tổ đã tích cực phối hợp với chính quyền các xã, đưa nội dung của những cơ chế chính sách mới về hỗ trợ đền bù GPMB vào từng cuộc họp dân.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thành viên của tổ sẵn sàng làm thêm giờ, thậm chí làm việc cả ngày nghỉ, linh hoạt chia nhỏ các cuộc họp dân, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thạch Nguyễn Trọng Nguyên cho biết: Xã Yên Thạch có hơn 90 ha cần thực hiện GPMB cho các dự án công nghiệp, trong đó trên 80 ha là diện tích đất nông nghiệp.
Ruộng đất đa phần là manh mún, một vụ lúa, một vụ cá, bờ cõi không rõ ràng, nếu không có sự đồng thuận từ người dân thì việc quy chủ là vô cùng khó.
Được sự hỗ trợ từ các thành viên của tổ BT- GPMB, Ban QLDAĐT&XD huyện Sông Lô, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể trong xã vận động đến từng hộ dân. Đến nay, hơn 90% diện tích đất nông nghiệp cần phải thu hồi trên địa bàn xã đã được chi trả đền bù.
Theo Ban QLDAĐT&XD huyện Sông Lô, đến nay, tại KCN Sông Lô I đã thông báo thu hồi đất và triển khai họp đến từng hộ của các thôn (3 xã Đồng Thịnh, Đức Bác, Tứ Yên); tổng diện tích quy chủ tại thực địa đạt 64,28 ha/177,7 ha; kiểm kê xong, lên phương án cho 502 ngôi/516 ngôi mộ, trong đó đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ di chuyển mồ mả được 215 ngôi/516 ngôi.
Tại KCN Sông Lô II: Tổng diện tích quy chủ tại thực địa đạt 100%; đã kiểm kê, đối chiếu vào biên bản được 87,29%; tổng diện tích đã chi trả bồi thường là 119,51 ha; chi trả bồi thường mồ mả xong cho 443/750 ngôi tại 2 xã Yên Thạch, Đồng Thịnh.
Hiện Ban đang tiếp tục rà soát kiểm kê diện tích đất nông nghiệp còn lại và kiểm kê phần tài sản cây cối, lán trại trên đất nông nghiệp.
Thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án công nghiệp, chính quyền huyện Sông Lô sẽ tiếp tục vận dụng các giải pháp tuyên truyền theo hướng đổi mới, sáng tạo để người dân đồng tình, ủng hộ chủ trương của tỉnh.
Đồng thời, đẩy nhanh quá xây dựng khu đất tái định cư, tích cực giải quyết các vướng mắc của người dân liên quan đến vấn đề đền bù, GPMB, đưa ra những giải pháp phù hợp đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đầu tư hạ tầng, đẩy nhanh quá trình xây dựng, sớm hoàn thiện hạ tầng các KCN, CCN, sẵn sàng chào đón các DN đến đầu tư, thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển nhanh và bền vững.