Tăng trưởng xanh: Con đường đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số

Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong tương lai, nền kinh tế Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào mô hình phát triển truyền thống vốn tiêu tốn nhiều tài nguyên, phát thải cao và thiếu bền vững. Chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình tăng trưởng xanh được xem là con đường tất yếu, không chỉ giúp duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao, mà còn đảm bảo sự phát triển dài hạn và bền vững.

Phát triển kinh tế xanh thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Phát triển kinh tế xanh thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Yêu cầu cấp thiết chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Trong nhiều năm qua, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt được mức tăng trưởng hai con số một cách bền vững, nền kinh tế không thể tiếp tục dựa vào các mô hình phát triển truyền thống vốn dựa trên lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên và phát thải cao.

Chỉ ra những hạn chế của mô hình cũ, GS,TS. Đinh Đức Trường (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng một trong những thách thức lớn mà Việt Nam đang đối mặt là sự suy giảm năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Trong nhiều năm, nền kinh tế chủ yếu dựa vào tăng đầu tư vốn và tận dụng lao động giá rẻ thay vì đổi mới công nghệ và sáng tạo. Điều này khiến năng suất lao động thấp và không đủ sức bảo đảm sự tăng trưởng ổn định về lâu dài. Thêm vào đó, việc đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng và kém thân thiện với môi trường đã tạo ra các hệ lụy đối với chất lượng tăng trưởng.

Tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đặt ra mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon.

Một thách thức khác là vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ về an ninh lương thực, suy thoái hệ sinh thái, khan hiếm nguồn nước và áp lực lớn đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên. “Biến đổi khí hậu đang đặt ra yêu cầu cấp bách về chính sách thích ứng để bảo vệ nền kinh tế và môi trường. Nếu thiếu các giải pháp hiệu quả, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy giảm tăng trưởng, đồng thời phát sinh thêm chi phí phát triển” - ông Trường nhấn mạnh.

Cùng với đó, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - lưu ý thêm rằng sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra áp lực lớn đối với nền kinh tế. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chủ lực đều đặt ra yêu cầu cao về giảm phát thải carbon, sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất bền vững. Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn mới này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó giữ được thị phần xuất khẩu. Ngược lại, nếu vượt qua được rào cản xanh, đây sẽ là cơ hội để chuyển đổi, nâng cao giá trị gia tăng và đón đầu xu hướng tiêu dùng bền vững toàn cầu.

Từ những lý do trên, các chuyên gia khẳng định: nếu tiếp tục duy trì mô hình phát triển truyền thống, Việt Nam sẽ khó đạt được tăng trưởng cao và ổn định trong dài hạn. Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số, cần có sự chuyển dịch quyết liệt sang mô hình kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Gỡ rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh

Mặc dù phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu, song theo GS,TS. Đinh Đức Trường, để hiện thực hóa chiến lược này, Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản. Trước tiên là vấn đề thiếu hụt nguồn lực tài chính. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, Việt Nam cần khoảng 4–5 tỷ USD mỗi năm để thực hiện các mục tiêu giảm phát thải và thúc đẩy kinh tế xanh. Đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, trong khi khả năng huy động từ khu vực tư nhân và vốn quốc tế còn gặp nhiều trở ngại.

Khó khăn tiếp theo là việc chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống sang mô hình sản xuất bền vững. Các lĩnh vực như chế biến chế tạo, dệt may, nông nghiệp hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, nhưng để chuyển đổi sang mô hình xanh đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về vốn, công nghệ, nhân lực và thông tin. Điều này khiến không ít doanh nghiệp e ngại trước chi phí đầu tư ban đầu cho các công nghệ xanh, dù về dài hạn mang lại lợi ích lớn.

Đặc biệt, theo PGS,TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), một trong những điểm nghẽn lớn nhất là sự thiếu đồng bộ trong hệ thống chính sách. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, nhưng các chính sách này còn rời rạc, thiếu liên kết giữa các ngành, lĩnh vực. Thiếu các cơ chế ưu đãi rõ ràng, thiếu quy định cụ thể về định mức phát thải hay tiêu chí hỗ trợ tài chính đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai các giải pháp xanh.

Từ thực tế trên, để thúc đẩy tăng trưởng xanh và hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn, các chuyên gia cho rằng, trước hết Việt Nam cần đẩy mạnh huy động nguồn lực tài chính. Một trong những yếu tố then chốt để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh là đảm bảo đủ nguồn lực tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ sạch và mô hình kinh tế tuần hoàn.

Do đó, Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp, bao gồm phát triển các công cụ tài chính như trái phiếu xanh, các quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo và các dự án bảo vệ môi trường. Đồng thời, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn vay quốc tế cũng là kênh quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng xanh hóa. Trong đó, cần áp dụng các ưu đãi về thuế, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch, năng lượng tái tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, cơ chế khuyến khích đầu tư...

Ngoài ra, để thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế nhằm mở rộng tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ tiên tiến và các mô hình phát triển bền vững.

Đồng thời, qua đó, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong triển khai chiến lược tăng trưởng xanh và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế xanh./.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tang-truong-xanh-con-duong-dat-muc-tieu-tang-truong-hai-con-so-41530.html