Tặng những người thầy không thể nhận hoa

Thế là đã làm nghề mắt được hai mươi năm. Mười năm còn lại chắc sẽ nhanh lắm, nhắm mắt thường mơ về quá khứ, mở mắt đã thấy thực tại hiển hiện. Thảng thốt nhận thấy các bậc thầy dìu dắt vào nghề cho mình ngày xưa phần lớn đã về trời, cha mẹ ta cũng vậy.

Học con chữ, cái nghề buổi đầu khó nhọc lắm. Thế rồi thánh thót nó cũng ngấm dần vào đầu óc thành kiến thức, len lỏi vào chân tay con mắt thành kỹ năng. Cốt cách con người, y đức của người thầy thuốc, tinh thần vượt khó để hoàn thiện bản thân, sự đón nhận hy sinh thiệt thòi vì bệnh nhân và học trò... cũng là thứ nên học từ lớp người xưa. Tất cả chúng ta đều có sự thẩm thấu nhất định từ các bậc thầy thành cái “tôi” bây giờ, dù muốn hay không, vô hình hay cảm nhận được. Gần đến ngày 20/11 nhớ thương cha, biết ơn các thầy lắm lắm!

Thuở học viên còn thưa thớt (khóa chúng tôi có 42 người), nội trú chỉ có vài người nên chúng tôi thỏa sức tung hoành trong bệnh viện. Bệnh viện toàn người hiền và yêu quí học viên. Không cứ gì bậc giáo sư. Anh Tiến, bác Duyệt dạy chúng tôi tỉ mỉ cách đo nhãn áp, sao cho tròn cho nét, mẹo mực sao cho đo được những trường hợp khó. Cô Tâm cho tôi mân mê máy đo thị trường Landold trên bệnh nhân. Nếu đến viện được vào chủ nhật chị Hạnh, chị Hồng Khoa Đông y còn tạo điều kiện cho chúng tôi có cơ hội nhiều hơn trong thực hành tiêm mắt, tiêm ngoài da, tiêm trong kết mạc, tiêm tách dính. Anh Thắng, cô Ngọc hay cho tôi thử vài phát laser cho có “khái niệm”. Bố tôi vào các buổi chiều muộn hay dạy tôi soi đáy mắt sao cho không làm khổ bệnh nhân mà vẫn tầm soát được tổn thương. Cách tháo lắp mắt giả của ông cũng là thứ mà không ai dạy và cũng ít người muốn học.

Bao nhiêu người đã truyền nghề cho chúng tôi mà chúng tôi chẳng thể gọi là thầy. Mong nhiều người có thể đọc được những dòng này để biết là chúng tôi hàm ơn họ biết bao.

Tôi có dịp được ngắm nhìn những “bàn tay vàng” của bác Biền, cô Thanh, cô Thư, cô Mai thời đấy. BS. Lã Huy Biền có bàn tay thô ráp nhưng thật khéo léo, cẩn trọng và không thừa động tác. Có lẽ nhờ bản lĩnh trận mạc của người lính ngày xưa, tôi không thấy bác run hay bối rối bao giờ, ca thứ nhất đến ca thứ mười đều mượt mà như nhau. Bác làm được nhiều loại phẫu thuật khác nhau, nụ cười trên miệng, hay trêu đùa tôi vì biết tôi là con ông Sinh.

Học khó nhất, học mãi vẫn thấy khó nhưng luôn thấy thú vị là những giờ giảng của thầy Tiến (GS. Hà Huy Tiến). Khúc xạ, lác luôn làm học viên đau đầu, khó nhớ, học rồi lại quên. Chỉ có thầy Tiến thấy là đơn giản, nhớ nhiều, biết hết (chúng tôi cảm nhận vậy). Tật khúc xạ nhờ có thầy mà đã sáng như thắp đuốc trong đầu. Ngày đó tôi đã biết lác rất khó và có môn học riêng - strabology hay lác học là do vậy. Độ lác tiên phát, thứ phát chúng tôi được học từ ngày đó. Thầy Tiến khi đó đã là giáo sư cùng với thầy Dẫn, thầy Duy Hòa, thầy Tân... đã nghỉ mổ xẻ chỉ còn hội chẩn giảng bài và quản lý khoa phòng. Ai cũng giản dị, sẵn sàng giảng dạy, truyền thụ. Học viên lười biếng hay dốt tí có thể bị mắng nhưng hàm lượng giáo dục vẫn rất cao nên người bị mắng không cảm thấy bị tổn thương...

Xin có vài dòng tưởng nhớ các thầy, các bậc tiền nhân thay cho bó hoa và cái ôm thật chặt...

BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tang-nhung-nguoi-thay-khong-the-nhan-hoa-n183061.html