Tăng lương cơ sở: Nửa mừng, nửa lo

Từ hôm nay (1-7), mức lương cơ sở chưa bị bãi bỏ mà được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức. Người hưởng lương mừng vì thu nhập tăng đáng kể, nhưng bên cạnh đó cũng còn không ít nỗi lo.

Tăng lương nhưng giá hàng hóa vẫn bình ổn là mong đợi của nhiều người (ảnh mang tính chất minh họa).

Tăng lương nhưng giá hàng hóa vẫn bình ổn là mong đợi của nhiều người (ảnh mang tính chất minh họa).

Qua 19 lần tăng lương cơ sở, đây là lần điều chỉnh có mức tăng cao nhất từ trước đến nay mà cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được hưởng. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc cải thiện đời sống của người hưởng lương, cũng như đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác gắn với lương cơ sở.

Với sự điều chỉnh lần này, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương thêm 30%; người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được tăng thêm 15%. Đương nhiên người hưởng lương mừng vì thu nhập tăng đáng kể, nhưng cùng với đó là không ít nỗi lo. Nhiều người chung băn khoăn liệu có tiếp diễn “điệp khúc” lương tăng thì giá cũng tăng như những lần trước. Giá tăng, sức mua của đồng tiền giảm, việc tăng lương vì thế nhiều khi chỉ còn là hình thức nhằm bù trượt giá.

Chị Phạm Thu Nga, công chức một đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, chia sẻ: Là người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được tăng lương chúng tôi rất mừng. Nhưng tôi cũng lo sẽ diễn ra tình trạng như những lần tăng lương trước, giữa tháng mới nhận lương mới mà đầu tháng đi chợ đã thấy mặt hàng gì cũng tăng giá. Thắc mắc với người bán hàng thì nhận được câu trả lời là lương tăng giá cũng phải tăng.

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc, ở tổ 7, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), cán bộ hưởng lương hưu, thì bảo: Chúng tôi không có khoản thu nhập gì ngoài lương hưu, bởi thế tăng thêm được vài trăm nghìn đồng cũng mừng. Nhưng lương vừa tăng ra chợ con cá, mớ rau cũng tăng theo thì đâu lại hoàn đó.

Cùng với nỗi lo tăng giá, thuế thu nhập cá nhân đang bộc lộ bất cập cũng khiến người hưởng lương là cán bộ, công chức, viên chức băn khoăn. Hiện, mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc. Trong bối cảnh tăng lương, nếu giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh, một phần không nhỏ thu nhập từ việc tăng lương của người hưởng lương lại “quay về” ngân sách vì phải nộp thuế. Điều này sẽ khiến cho việc tăng lương có thể chỉ là tăng số tiền trong tài khoản chứ không phải là nâng cao mức sống của người lao động.

Chị Dương Thu Hường, viên chức ngành Giáo dục TP. Thái Nguyên, cho biết: Từ 1-7, lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên có thể tôi sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân. Tôi cho rằng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế cần nâng lên, từ 11 triệu đồng có thể lên 14 triệu đồng; mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng có thể lên 6 triệu đồng. Như vậy việc tăng lương mới thật sự có ý nghĩa.

Không riêng chị Hường mà nhiều ý kiến đều cho rằng mức giảm trừ gia cảnh áp dụng từ ngày 1/7/2020 đến nay đối với người nộp thuế và người phụ thuộc không còn phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế Bộ Tài chính vẫn thực hành theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Muốn thay đổi mức giảm trừ gia cảnh phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, mà theo lộ trình thì năm 2025 mới sửa Luật.

Từ thực tế trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng bài toán đặt ra trong thời điểm hiện nay đối với Chính phủ là phải có những cải cách, chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, vi mô kiểm soát được giá cả, để tăng lương thực sự cải thiện đời sống của người lao động.

Các cơ quan chức năng cũng cần cân nhắc để sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tiễn, bởi nếu thu nhập không phù hợp với các mức thuế tương tự thì chính sách thuế có thể trở thành gánh nặng, kéo lùi đời sống của người dân.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202407/tang-luong-co-so-nua-mung-nua-lo-9ec026f/