Tăng lợi ích kinh tế cho người trồng cam
Hiền Lương
BPO - Với những điều kiện thuận lợi, Bình Phước thích hợp phát triển các loại cây ăn trái, trong đó có cây cam. Hiện trên địa bàn tỉnh, cam có nhiều loại, nhưng được trồng nhiều nhất là cam sành và cam xoàn.
Cây cho trái quanh năm
Toàn tỉnh hiện có gần 454 ha cam, sản lượng đạt hơn 4.000 tấn. Theo tính toán của nhà vườn, khi cam cho trái ổn định từ năm thứ ba trở đi, nếu giá ở mức 15-18 ngàn đồng/kg, nông dân thu nhập từ 400-450 triệu đồng/ha/năm, gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng khác.
Gia đình ông Đoàn Văn Tảo ở khu phố Phước Bình, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài có 200 cây cam xoàn 5 năm tuổi. Năm nay, trung bình mỗi cây cho thu 200kg trái, cả vườn thu được khoảng 40 tấn cam. Giá cam xoàn bán tại vườn dao động từ 18-25 ngàn đồng/kg, tuy thấp hơn mọi năm nhưng người trồng vẫn có lời. “Cây cam khỏe, ít bị bệnh. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân, xịt thuốc kịp thời thì cây cho năng suất rất cao. Nhìn chung, trồng cây có múi nông dân phải siêng năng, có kỹ thuật tốt” - ông Tảo chia sẻ.
Ông Tảo cho biết thêm, cam xoàn cũng như nhiều loại cây trồng khác, quá trình sinh trưởng sẽ gặp không ít vấn đề về sâu bệnh hại, như: sâu đục cành, sâu vẽ bùa, ruồi vàng chích trái hay bệnh vàng lá, thối rễ, thối trái và nứt trái trên cây. Đặc biệt ở giai đoạn ra bông, đậu trái thường gặp bọ trĩ, nhện đỏ, bệnh vàng lá, nếu chăm sóc không tốt, cây suy sẽ không phục hồi được.
Cam xoàn là loại cây dễ trồng, có khả năng chống chịu khá tốt với bệnh vàng lá greening và một số dịch bệnh khác. Trái cam xoàn có múi màu vàng nhạt, vị ngọt đậm, ít hạt, mọng nước. Cây ra trái quanh năm giúp tăng lợi ích kinh tế cho người trồng. Song vào mùa mưa, vườn cam xoàn rất dễ bị sâu bệnh hại tấn công. Do vậy, để cây cam nói chung và cam xoàn nói riêng phát triển mạnh hơn, tương xứng với tiềm năng đất đai, điều kiện sinh thái thì nông dân cần chú ý kỹ thuật chăm sóc.
Đưa cam không hạt về Bình Phước
Cuối năm 2021, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển các giống cam sạch bệnh, không hạt, năng suất, chất lượng cao tại tỉnh Bình Phước”. Ngay sau khi được tuyển chọn, TS Lê Quốc Hùng, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài đã tiến hành hoàn thiện đề tài. Theo đó, đã đánh giá, tuyển chọn các giống cam sạch bệnh, không hạt, năng suất, chất lượng cao được Viện Di truyền nông nghiệp nghiên cứu thành công làm cơ sở cho sự hình thành đề tài; đồng thời, lựa chọn địa điểm khảo nghiệm, thực hiện.
Cuối năm 2022, có 5 giống cam nhập nội không hạt được trồng thử nghiệm tại trang trại của ông Nguyễn Thanh Tâm, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài. Theo ông Tâm, hiện các giống cam này đang phát triển tốt trên đất Bình Phước, còn về năng suất và chất lượng trái phải có thời gian để kiểm chứng. “Việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật đã giúp cây cam trong giai đoạn kiến thiết cơ bản sinh trưởng tốt, hạn chế được sâu, bệnh. Theo kế hoạch, các giống cam này trồng 1 năm sẽ cho trái bói” - ông Tâm cho biết.
Theo GS, TS Phạm Xuân Hội, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, 5 giống cam được trồng tại Bình Phước là những giống cam nhập nội, không hạt, có độ ngọt thanh, không chua, khác với các vị cam trên thị trường. Giống cam này được viện nghiên cứu và trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc, năng suất đạt từ 20-30 tấn/ha đối với cây 5 năm trở lên.
Hy vọng các giống cam này sẽ phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Phước. Từ đó, giúp nông dân thay đổi các giống cam kém hiệu quả chuyển sang trồng những giống cam mới đạt năng suất, chất lượng cao hơn.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/148192/tang-loi-ich-kinh-te-cho-nguoi-trong-cam