Tăng giới hạn tín dụng tối đa để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại (NHTM) chia sẻ: Sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng thêm hạn mức tín dụng đến hết năm 2022, room tín dụng được cấp thêm sẽ được hướng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN.
Chia sẻ về việc Vietcombank được NHNN tăng giới hạn tín dụng tối đa, đại diện Vietcombank cho biết: Vietcombank được NHNN chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến 31/12/2022. Như vậy, trong suốt cả năm 2022, Vietcombank đã được tăng tín dụng ở mức 17,7% so với số dư cuối kỳ vào thời điểm 31/12/2021.
Còn lãnh đạo VIB xác nhận tỷ lệ điều chiều chỉnh room là 3%; Agribank và VPBank cũng lần lượt xác nhận được điều chỉnh 3,5% và 0,7%; SHB là 3,2%, mức điều chỉnh tại LienVietPostBank là dươí1%; TPBank là 1,2%...
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết: “Việc được nâng thêm room tín dụng 3% đối với VIB một mặt cũng là xuất phát từ nhu cầu của ngân hàng, mặt khác còn là đáp ứng cho nền kinh tế, thực hiện các chính sách vĩ mô của Chính phủ, NHNN”.
Theo ông Hàn Ngọc Vũ, nếu như năm 2019, VIB được NHNN cấp room tăng trưởng tín dụng là 34%, thời điểm đó, VIB tăng trưởng hết sức thận trọng, dùng hết room tín dụng 34% mà vẫn đảm bảo chỉ số an toàn của ngân hàng. “Các năm tiếp theo, đương nhiên không có tỷ lệ room cao như vậy nhưng cũng không ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của VIB cũng như sự thỏa mãn của ngân hàng đối với cả khách hàng bởi VIB có nhiều cách điều chỉnh nguồn lực của mình để phân bổ nguồn lực vào đâu cho hợp lý”, ông Hàn Ngọc Vũ cho biết.
Mặc dù được cấp room tín dụng là 3% từ nay tới cuối năm nhưng không vì hạn chế room tín dụng, VIB lại có xu hướng nâng lãi suất cho vay. Đối với lĩnh vực ngân hàng, VIB không chỉ dồn lực cho tăng trưởng tín dụng mà còn phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng và tham gia phân phối bảo hiểm.
Tương tự, đại diện ngân hàng Sacombank cho hay: Room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ và NHNN. Còn với bất động sản, việc cho vay sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước. Với việc cấp thêm hạn mức tín dụng nhiều nhất trong đợt này với mức 4% giúp Sacombank nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên 11%. Như vậy, từ nay đến cuối năm, Sacombank sẽ còn khoảng 15.000 tỷ đồng để cung ứng ra nền kinh tế.
Năm 2022 là lần đầu tiên NHNN công bố nới hạn mức tín dụng cho tổ chức tín dụng (TCTD) vì thông thường các năm trước, NHNN thường có 1 - 2 đợt nới room trong năm, sau khi đã giao mức trần cho từng đơn vị vào đầu năm.
Theo lãnh đạo NHNN, việc điều chỉnh room tín dụng được căn cứ trên kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các TCTD trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01. “Về mức độ tăng thêm không đồng đều, chủ yếu do hồi đầu năm, một số ngân hàng đã được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao thì nay mức độ cấp thêm sẽ ít hơn so với các ngân hàng còn lại”, đại diện NHNN cho biết.
Đề cập về room tín dụng, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng: Trong bối cảnh lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, nếu có thể kiểm soát giá xăng dầu và giá thịt lợn thì có thể tự tin kiểm soát được lạm phát dưới 4%. Do vậy Việt Nam không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi.
Theo ông Cấn Văn Lực, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay hoàn toàn trong khả năng kiểm soát. Tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động trong thị trường 1 theo tính toán sơ bộ đến thời điểm hiện nay là 92%, vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay 25,2% và ngưỡng cho phép của NHNN bắt đầu từ ngày 1/10 năm nay là 34%, tức là vẫn trong tầm kiểm soát. Đồng thời, dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đang mạnh hơn đặc biệt là trong 3 tháng gần đây. Tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung dài hạn hiện nay đã khác, không còn ở tỷ lệ 20 - 80% như trước đây, mà đã cải thiện hơn rất nhiều.
“NHNN có thể yên tâm hơn khi xem xét nới room tín dụng. Nếu chờ đợi đến quý 4/2022 mới nới room là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. Nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng tăng lên", ông Cấn Văn Lực chia sẻ.
Theo các ngân hàng, việc nới room tín dụng chỉ với một số ngân hàng nên vẫn chưa thể giúp các doanh nghiệp và người dân hết "khát vốn". Tính đến ngày 26/8, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức 14%. Nhiều tháng qua, các ngân hàng đều trong tình trạng hết hạn mức tín dụng, chỉ có thể giải ngân cho vay trên cơ sở thu nợ cũ.