Tăng cường trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế

Hoạt động trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách mang tính nhân văn của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng ở địa phương. Ảnh: NGỌC QUỲNH

Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng ở địa phương. Ảnh: NGỌC QUỲNH

Thời gian qua, các cơ quan, ban ngành chức năng không ngừng nỗ lực để đưa công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) đi vào cuộc sống.

Giúp người dân tiếp cận thông tin

Theo Sở Tư pháp, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh nhiệm vụ thực hiện thường xuyên của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (viết tắt là Trung tâm TGPL tỉnh), công tác phối hợp liên ngành về TGPL cũng đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhất là sau khi thực hiện Thông tư liên tịch 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, TAND tối cao, Viện KSND tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng ở địa phương, các thành viên của hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng, tạo điều kiện cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, các đương sự hoặc người thân của họ dễ dàng tiếp cận thông tin về TGPL.

Đồng thời, Trung tâm TGPL tỉnh ký hợp đồng với các luật sư tham gia TGPL khi đương sự tiến hành tố tụng. Tại cơ quan tiếp công dân, trại tạm giam, nhà tạm giữ, UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã lắp đặt bảng thông tin, danh sách luật sư, số điện thoại của các luật sư TGPL, trợ giúp viên pháp lý… để đảm bảo quyền được TGPL của người dân ngay từ ban đầu.

Năm 2024, Trung tâm TGPL tỉnh thụ lý 321 vụ/321 người (tăng 30 vụ so với cùng kỳ), trong đó trợ giúp bằng hình thức tham gia tố tụng 315 vụ, đại diện ngoài tố tụng 6 vụ. Đồng thời, trung tâm cũng đã tổ chức 7 đợt hỗ trợ thông tin, thực hiện TGPL; cấp phát 48.000 tờ gấp pháp luật; 1.700 quyển sổ tay TGPL; 4.000 quyển cẩm nang các quy định pháp luật về chính sách hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trung tâm đã biên soạn và xuất bản 27.000 tờ gấp pháp luật; 2.000 quyển sổ tay quy định về chính sách pháp luật hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng yếu thế; tổ chức 14 hội nghị tập huấn về TGPL; phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin đại chúng về hoạt động TGPL, nhất là ở 20 thôn, buôn đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Cùng với đó, công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng được tăng cường, đảm bảo công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng đạt hiệu quả. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã gửi thông tin, thông báo TGPL và hướng dẫn người được TGPL đến Trung tâm TGPL tỉnh với 241 vụ việc/321 vụ việc được thụ lý.

UBND tỉnh cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp 01/QCPHSTP-TAND ngày 25/7/2023 giữa Sở Tư pháp và TAND tỉnh về người thực hiện TGPL trực tại TAND và Kế hoạch phối hợp 59/KHPH-STP-CAT ngày 25/6/2024 giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự. Đồng thời cập nhật đầy đủ các vụ việc TGPL tiếp nhận; số hồ sơ vụ việc TGPL hoàn thành trong kỳ báo cáo lên hệ thống quản lý chất lượng vụ việc TGPL…

Anh L.L.T là người đồng bào DTTS ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) phạm tội trong một vụ án hủy hoại rừng xã Phú Mỡ thổ lộ: Cuộc sống gia đình quá khó khăn, bản thân tôi hiểu biết về pháp luật hạn chế, không nhận thức việc phát dọn cây rừng để trồng keo, trồng lúa là vi phạm pháp luật. Trong vụ án này, tôi được trợ giúp viên Trung tâm TGPL tỉnh bào chữa miễn phí và được TAND huyện cho hưởng mức án treo thay cho hình phạt tù.

Nâng cao hiệu quả

Thực tế cho thấy, thời gian qua, dù các cơ quan chức năng rất nỗ lực trong công tác TGPL, nhưng hiện nay vẫn còn không ít người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội vẫn chưa biết nhiều đến quyền lợi được TGPL miễn phí; sự hiểu biết về TGPL của người được TGPL còn hạn chế, nhất là người nghèo, đồng bào DTTS...

Chính vì vậy, công tác này rất cần được các cấp, ngành chức năng, địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các đối tượng thuộc diện được TGPL trên địa bàn tỉnh biết và tiếp cận được dịch vụ TGPL miễn phí...

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động TGPL trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Nguyễn Thị Khánh Duy cho biết: Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, triển khai hiệu quả các văn bản pháp luật về công tác TGPL, trọng tâm là Luật TGPL năm 2017. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Thông tư liên tịch 10/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện KSND tối cao, TAND tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng.

Bên cạnh đó, trung tâm duy trì tốt công tác tiếp công dân, tư vấn, giải đáp các vấn đề về pháp luật tại trụ sở, fanpage và đường dây nóng của trung tâm, bảo đảm 100% các vụ việc TGPL khi có yêu cầu đều được TGPL…

Theo Luật TGPL năm 2017, người được TGPL bao gồm trường hợp sau: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo. Người thuộc một trong các trường hợp có khó khăn về tài chính như: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

NGỌC DUNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/164/326087/tang-cuong-tro-giup-phap-ly-cho-cac-doi-tuong-yeu-the.html