Tăng cường kiểm soát, bình ổn thị trường hàng hóa

– Thời điểm này, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng. Trước tình hình đó, các ngành, lực lượng chức năng của tỉnh đã và đang tăng cường các hoạt động nhằm kiểm soát chặt chẽ giá bán hàng hóa trên thị trường; xử lý nghiêm những trường hợp tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý.

Lực lượng QLTT kiểm tra giá niêm yết trên sản phẩm tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố

Theo rà soát của Sở Công Thương về giá cả hàng hóa trên thị trường nội tỉnh trong tháng 8/2023, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có 5 nhóm hàng tăng giá. Cụ thể, nhóm lương thực tăng 0,63% so với tháng trước (giá gạo tăng 0,74%, các mặt hàng lương thực chế biến tăng 0,32%); nhóm thực phẩm tăng 1,4%. Đặc biệt, giá thịt lợn tăng 3,89%, giá thịt bò tăng tăng 0,29%, thịt gia cầm tăng 0,27%; giá thịt chế biến tăng 2,0%, … Ngoài ra, giá các loại rau củ quả vào thời điểm này cũng đều tăng từ 2 đến 5% tùy loại so với tháng trước.
Trước thực tế đó, thực hiện chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, Sở Công Thương đã cập nhật kịp thời diễn biến giá cả thị trường, nắm rõ cung – cầu hàng hóa, từ đó xây dựng kế hoạch nhằm bình ổn thị trường.

Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Từ tháng 8/2023 đến nay, sở đã tổ chức 4 buổi làm việc với 20 doanh nghiệp, đơn vị phân phối hàng hóa bán lẻ lớn trên địa bàn tỉnh để nắm rõ về tình hình nguồn cung – cầu, giá cả một số mặt hàng. Qua các buổi làm việc, từ thông tin của các doanh nghiệp, sở đã tổ chức kết nối 8 doanh nghiệp, đơn vị phân phối hàng hóa bán lẻ lớn của tỉnh với một số doanh nghiệp phân phối ở Hà Nội, Lâm Đồng, Thái Nguyên… để thực hiện ký kết nguồn hàng hóa nhập vào tỉnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Ngoài ra, sở cũng làm việc với 4 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, 2 đại diện hệ thống cửa hàng tiện lợi… để trao đổi về việc tổ chức đợt giảm giá, đợt khuyến mại nhằm giảm áp lực của việc tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu. Cùng đó, Sở Công Thương đang phối hợp với cơ quan thuế, tài chính, quản lý thị trường (QLTT)… tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh… nhằm ngăn chặn và kịp thời phát hiện những hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung – cầu để găm hàng, tăng giá, nhất là vào thời điểm những tháng cuối năm, qua đó góp phần tích cực trong ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Đội QLTT số 5 kiểm tra việc niêm yết giá bán hàng hóa tại cơ sở kinh doanh bánh kẹo trên địa bàn huyện Bình Gia

Cùng với đó, để kiểm soát giá cả hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ giữa tháng 8/2023 đến nay, lãnh đạo Cục QLTT đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường theo chuyên đề trọng điểm. Theo đó, các đội QLTT phụ trách địa bàn các huyện, thành phố đã đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán tại các chợ, các cửa hàng tự chọn… trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu của Cục QLTT tỉnh, chỉ trong một thời gian ngắn ra quân (từ ngày 15/8/2023 đến ngày 10/9/2023), lực lượng QLTT đã kiểm tra 75 cơ sở kinh doanh. Qua đó, phát hiện, xử phạt 32 cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định về giá (không niêm yết giá, bán giá cao hơn giá của nhà sản xuất,…). Cùng với đó, lực lượng QLTT còn tổ chức tuyên truyền và thực hiện vận động 609 cơ sở kinh doanh ký cam kết không tăng giá bán hàng hóa, bán hàng đúng giá niêm yết của nhà sản xuất; tuyên truyền, vận động 37 cơ sở kinh doanh lớn (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi Vinmart+…) ký cam kết thực hiện bán hàng giảm giá; ký kết với 25 ban quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh về việc cùng thực hiện giám sát hoạt động kinh doanh, bán hàng đúng giá niêm yết tại các chợ;…

“Để kiểm soát giá cả hàng hóa, ngoài kiểm tra công khai việc chấp hành các quy định về giá của các cơ sở kinh doanh tại các chợ, các cửa hàng tự chọn, siêu thị…, lực lượng QLTT tỉnh cũng tập trung làm việc, vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tham gia công tác bình ổn giá các loại hàng hóa.”

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh

Ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Winmart+ tại Lạng Sơn cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 27 cửa hàng tiện lợi Winmart+ được mở ở 11 huyện, thành phố. Thời gian này, trước việc giá cả hàng hóa tăng, qua làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh, hệ thống Winmart+ chi nhánh tỉnh Lạng Sơn đã cam kết hỗ trợ người tiêu dùng qua việc mỗi tháng Winmart+ sẽ tổ chức 3 đợt khuyến mại, giảm giá một số mặt hàng, trong đó, những mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến… Winmart+ sẽ giảm từ 5 – 10% (tùy mặt hàng) nhằm bình ổn giá cả thị trường, đồng thời thu hút người tiêu dùng đến mua sắm tại Winmart+.

Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Winmart+ Lạng Sơn

Theo dự báo của ngành công thương tỉnh, từ thời điểm này đến cuối năm, nhu cầu về mua sắm hàng hóa sẽ tăng, tình hình giá cả hàng hóa sẽ có những biến động bất thường. Hy vọng với những giải pháp của ngành công thương, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan QLTT, giá bán hàng hóa trên thị trường tỉnh sẽ được bình ổn.

TRÍ DŨNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tieu-diem/610820-tang-cuong-kiem-soat-binh-on-thi-truong-hang-hoa.html