Tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó với biến đổi khí hậu

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều phương án tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ của quốc tế trong các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu; đề xuất các hướng tài trợ để huy động tối đa sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong việc thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Triển khai tốt việc thu gom rác, góp phần bảo vệ môi trường, làm cho thành phố Đông Hà ngày càng xanh, sạch, đẹp - Ảnh: P.V

Triển khai tốt việc thu gom rác, góp phần bảo vệ môi trường, làm cho thành phố Đông Hà ngày càng xanh, sạch, đẹp - Ảnh: P.V

Đến nay, nhiều dự án, chương trình đã và đang triển khai tại Quảng Trị mang lại hiệu quả tích cực. Đơn cử như dự án “Trồng rừng chống xói mòn trên vùng cát ven biển tỉnh Quảng Trị”, thời gian thực hiện từ năm 2016-2020, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và ngân sách tỉnh.

Kết quả đã tổ chức thực hiện việc trồng 60 ha rừng trên đất cát ven biển xã Hải Ba (huyện Hải Lăng), xã Gio Hải (huyện Gio Linh); xây dựng 2 pa nô tuyên truyền bảo vệ rừng. Dự án “Xây dựng mô hình rừng ngập mặn tỉnh Quảng Trị”, thời gian thực hiện từ năm 2017-2021, nguồn vốn của Công ty TNHH Dữ liệu Doanh nghiệp Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức Global Civic Sharing (GCS) Hàn Quốc. Dự án đã tiến hành trồng 1 ha rừng ngập mặn (cây bần chua) tại cù lao Bắc Phước (xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong); xây dựng 1 pa nô tuyên truyền bảo vệ rừng.

Từ năm 2015-2020, từ nguồn kinh phí hỗ trợ thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện dự án “Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn liền với sinh kế bền vững tại khu vực hạ lưu sông Bến Hải, sông Thạch Hãn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” với diện tích 60 ha rừng ngập mặn, tổ chức tập huấn và truyền thông nâng cao nhận thức về rừng ngập mặn cho cộng đồng dân cư ven biển.

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt cho cộng đồng” (ZFRA) - Chương trình hợp tác đa ngành tập trung tìm kiếm những giải pháp thiết thực nhằm giúp các cộng đồng ở các quốc gia phát triển và đang phát triển tăng cường khả năng chống chịu với lũ lụt, được tài trợ bởi Tập đoàn Zurich, phối hợp thực hiện tại Việt Nam bởi tổ chức Plan và Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội - Quốc tế (ISET-International).

Tại tỉnh Quảng Trị, dự án đang làm việc tại 18 cộng đồng thuộc 6 xã, phường: Hướng Hiệp, Mò Ó (Đakrông); Triệu Độ, Triệu Long (Triệu Phong); phường Đông Lễ, Đông Lương (TP. Đông Hà). Theo ước tính, có gần 64.000 người tại tỉnh Quảng Trị sẽ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ dự án.

Tại khu vực Trung Trường Sơn, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam ) đã hỗ trợ thành lập một hệ thống hành lang đa dạng sinh học bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Hoạt động này đem lại lợi ích sinh kế quan trọng cho cộng đồng địa phương nhằm phát triển kinh tế khu vực và hỗ trợ kế hoạch quản lý khu vực, đồng thời thực hiện khung chính sách của trung ương và địa phương để đạt được sự ổn định bền vững của dịch vụ hệ sinh thái.

Trong đó, nhiều dự án đã và đang triển khai tại Quảng Trị mang lại hiệu quả tích cực như: Dự án Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ, Dự án Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng, Dự án Thành phố xanh, Dự án IKEA mây tre keo bền vững...

Ngày 10/7/2023, tại TP. Đông Hà, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào) nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; xúc tiến xây dựng cơ chế hợp tác, phối hợp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giữa ba tỉnh Quảng Trị - Savannakhet - Salavan phục vụ phát triển KT-XH khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp xúc, làm việc với các tổ chức trong nước và quốc tế tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu...

Mới đây, UBND tỉnh phối hợp với WWF - Việt Nam tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển bền vững gắn với cải thiện sinh kế cho người dân.

Theo đó, UBND tỉnh và WWF - Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác 5 năm (10/2023-10/2028) hướng tới mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Lĩnh vực hợp tác của hai bên sẽ tập trung vào việc quản lý và phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học và các loài động, thực vật hoang dã; năng lượng bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu; bảo tồn biển và giảm rác thải nhựa; thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững và bảo vệ tài nguyên nước và các hệ sinh thái nước ngọt...

Các chương trình, dự án do WWF - Việt Nam tài trợ triển khai tại tỉnh Quảng Trị theo thỏa thuận hợp tác quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển bền vững gắn với cải thiện sinh kế cho người dân như: Dự án “Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng tự nhiên” với mục tiêu tổng quát là góp phần giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do khí hậu của rừng tự nhiên bị tác động nghiêm trọng trong hành lang đa dạng sinh học ở tỉnh Quảng Trị; cải thiện sinh kế địa phương thông qua mô hình sản xuất cà phê nông - lâm kết hợp bền vững...

Thời gian thực hiện dự án từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2027. Dự án mây tre keo bền vững - giai đoạn 7.2 với mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh chuỗi cung ứng bền vững, trao quyền cho cộng đồng, cải thiện khả năng phục hồi rừng và đa dạng sinh học... Thời gian thực hiện dự án từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2025.

Dự án Tăng cường vai trò các cộng đồng và tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn tại Trung Trường Sơn giai đoạn 2 với mục tiêu tổng quát là đến năm 2028, các cộng đồng và tổ chức xã hội sẽ quản lý bền vững 11.000 - 12.000 ha rừng theo mô hình CFM tại các tỉnh ưu tiên thuộc Trung Trường Sơn, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và ổn định sinh kế của các cộng đồng thông qua việc tham gia tích cực vào các quá trình ra quyết định và được hưởng các lợi ích được chia sẻ công bằng từ việc quản lý tài nguyên rừng tự nhiên. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 7/2024 đến tháng 6/2028.

Chương trình Thành phố xanh quốc tế (OPCC) với mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam thông qua việc tăng cường giảm phát thải khí nhà kính và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0; nâng cao tính chống chịu của cộng đồng. Thời gian thực hiện chương trình từ tháng 1/2024 đến tháng 12/2024.

Chương trình hành động vì khí hậu đóng góp vào quá trình thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 (Net - Zero) của Việt Nam ở cấp quốc gia và cấp địa phương với mục tiêu tổng quát là hành động vì khí hậu nhằm hỗ trợ và đồng hành với Chính phủ và địa phương thực hiện NDC và lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0. Thời gian thực hiện chương trình từ năm 2023 đến năm 2024. Chương trình thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm đô thị bền vững. Thời gian thực hiện chương trình từ năm 2023 đến năm 2024....

Hải An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/tang-cuong-hop-tac-quoc-te-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau/181069.htm