Tăng cường giải pháp cảnh báo, kiềm chế phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật
Năm 2024, lực lượng công an toàn tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội và phương án nhằm làm giảm nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Mặc dù trên địa bàn không phát sinh tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo băng nhóm, nhưng tội phạm về trật tự xã hội tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tình hình này đặt ra nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm trong thời gian tới.
Theo tổng hợp của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2024 đến nay, tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 318 vụ, làm chết 12 người, bị thương 59 người, thiệt hại tài sản 12,8 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 3,2%, số người bị thương giảm 54 người, thiệt hại tài sản tăng 3,9 tỉ đồng.
Nổi lên là tội phạm giết người với 10 vụ, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân của tội phạm này chuyêủ́ xuất phát từ mâu thuẫn về tình cảm, vay nợ cùng những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày... nên rất khó phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn. Tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc tăng đột biến với 53 vụ, tăng 31 vụ so với cùng kỳ.
Tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, đáng chú ý là nhiều đối tượng có độ tuổi dưới 18, sử dụng chất nổ để giải quyết mâu thuẫn, điều khiển phương tiện chạy tốc độ cao mang theo hung khí nguy hiểm gây rối trật tự công cộng.
Điển hình như: 4 đối tượng có hộ khẩu thường trú tại huyện Hướng Hóa sử dụng chất nổ gây hủy hoại tài sản nhà dân xảy ra tại Hướng Hóa vào ngày 21/8/2024; cố ý gây thương tích xảy ra ngày 8/8/2024 giữa 2 nhóm thanh niên gồm 21 đối tượng có hộ khẩu thường trú tại TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong, Hải Lăng, sử dụng dao, rựa, vỏ chai bia để rượt đuổi, đánh nhau trên các tuyến đường của TP. Đông Hà, hậu quả làm 2 người bị thương.
Hay vụ giải quyết mâu thuẫn xảy ra vào ngày 8/9/2024 giữa 2 nhóm thanh niên gồm 17 đối tượng có hộ khẩu thường trú tại TP. Đông Hà, đã sử dụng ba chĩa, dao, gậy tre, rựa, vỏ chai bia rượt đuổi, đánh nhau làm 2 người bị thương.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ở lứa tuổi này, các đối tượng có tâm lý nhẹ dạ, bốc đồng, thiếu nhận thức về pháp luật; bị ảnh hưởng bởi các nội dung xấu trên các trang mạng xã hội.
Trong số các loại tội phạm liên quan đến trật tự xã hội, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng giảm 7 vụ, 11 đối tượng so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực, quyết liệt của lực lượng công an trong phối hợp triển khai thực hiện các phương án, biện pháp về kiềm chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
Lãnh đạo Công an tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai tổ tuần tra vũ trang phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh; ra quân trấn áp tội phạm đường phố và các loại tội phạm hoạt động ban đêm như trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản.
Thông qua các đợt ra quân này đã huy động lực lượng, phương tiện phối hợp phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh.
Trước bối cảnh hiện nay, hoạt động tội phạm ngày càng phức tạp và manh động, đòi hỏi công tác phòng ngừa, đấu tranh càng quyết liệt hơn.
Cùng với triển khai đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, công an các đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và tình hình thực tiễn địa bàn để nghiên cứu xây dựng kế hoạch, giải pháp về đổi mới công tác tuyên truyền, cảnh báo tội phạm đến từng khu vực dân cư, từng nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm đối tượng có nguy cơ bị xâm hại như trẻ em, người dưới 18 tuổi ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn xã hội, địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, người dưới 18 tuổi sau khi chấp hành án phạt tù có thời hạn.
Tăng cường công tác tuyên truyền kết hợp nhiều hình thức đa dạng, tận dụng ưu thế phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để thông tin đầy đủ về phương thức, thủ đoạn hoạt động, hậu quả của tội phạm và vi phạm pháp luật.
Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các bài đăng có nội dung tuyên truyền theo hướng “kích thích tội phạm”, “hướng dẫn che giấu hành vi vi phạm pháp luật”.
Từ đó giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân và quần chúng nhân dân nhận biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh và kịp thời tố giác tội phạm, từng bước góp phần kiềm chế tội phạm phát sinh trong thời gian tới.