Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) theo tinh thần Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) 'Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới'. Đáng chú ý công tác thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo VSATTP đã huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe của nhân dân.
Trong đó, các ngành Y tế, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Cục Quản lý thị trường đã tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo VSATTP các hoạt động từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến đến kinh doanh thực phẩm. Ngành Y tế đã chú trọng đến các đối tượng là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… để kiểm tra, phát hiện các hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng hoặc không chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo VSATTP trong chế biến, kinh doanh thực phẩm. Với chức năng đảm bảo VSATTP đối với các sản phẩm trong lĩnh vực nông, lâm sản, thủy sản, hoạt động kiểm tra, giám sát của ngành NN và PTNT được tập trung vào các đối tượng chủ cơ sở, trang trại chăn nuôi, trồng trọt, các hộ giết mổ gia súc, gia cầm, thu gom, sơ chế, sản xuất, bảo quản thủy sản, kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc thú y. Nội dung thanh tra, kiểm tra được ngành Nông nghiệp tập trung vào việc kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản; giám sát, kiểm tra chất cấm, dư lượng các chất độc hại trong chăn nuôi… tại các trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm và vật tư nông nghiệp. Cùng với việc kiểm tra, phát hiện, uốn nắn các hành vi vi phạm, công tác kiểm tra, giám sát của ngành Nông nghiệp còn góp phần tuyên truyền các quy định của Nhà nước tới các chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, nâng cao ý thức chấp hành của các cơ sở, góp phần tích cực trong công tác quản lý chất lượng ATTP đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ người tiêu dùng. Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Cục Quản lý thị trường Nam Định đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và tiêu hủy các loại tang vật vi phạm là thực phẩm giả, kém chất lượng, không đảm bảo ATTP theo quy định.
Ngoài thanh tra, kiểm tra theo chuyên môn của từng đơn vị, hàng năm, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh tổ chức đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra 3 đợt cao điểm vào các dịp Tết Nguyên đán, tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến đầu năm 2021, toàn tỉnh thành lập 5.509 đoàn liên ngành, chuyên ngành ATTP; tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát trên 80 nghìn lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể; phát hiện trên 15 nghìn cơ sở vi phạm; xử lý vi phạm trên 6.000 cơ sở, phạt tiền gần 4,5 tỷ đồng. Trong đó buộc đóng cửa 51 cơ sở; 66 cơ sở đình chỉ lưu hành sản phẩm; 425 cơ sở buộc tiêu hủy sản phẩm và chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra, khởi tố hình sự 5 cơ sở. Qua đó đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ việc sản xuất, cung ứng và vận chuyển thực phẩm bẩn từ nguồn, hạn chế tối đa đưa ra thị trường. Tiêu biểu là những vụ việc mới nhất, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh phát hiện gần 500kg thực phẩm đông lạnh; hơn 100kg bánh kẹo, mứt hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ đang cất trữ tại tổng kho bán lẻ trên đường Phan Bội Châu, phố Bắc Ninh, chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Nam Định chuẩn bị cung ứng ra thị trường. Cá biệt các đơn vị chức năng còn phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vận chuyển, buôn bán số lượng lớn phụ phẩm gia súc, gia cầm đã trong giai đoạn phân hủy bốc mùi hôi thối…
Trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 23 vụ ngộ độc thực phẩm với 541 người mắc, 382 người nhập viện điều trị, không có tử vong; không xảy ra ngộ độc thực phẩm quy mô lớn, ảnh hưởng đến các sự kiện chính trị lớn của tỉnh và của quốc gia tổ chức trên địa bàn. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra một sự cố vi phạm VSATTP là sản phẩm Pate Minh chay do Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (Hà Nội) sản xuất.
Vi phạm về VSATTP có đặc thù là rất dễ tái phát, lây lan nhanh nếu lực lượng chức năng không kiên quyết và thường xuyên kiểm soát, hệ quả để lại rất lớn, thậm chí nguy hại đến tính mạng người dân, sự an toàn của cộng đồng. Do đó công tác thanh tra, kiểm tra phải được quan tâm duy trì thường xuyên. Để nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo VSATTP, các ngành chức năng cần hoàn thiện, đổi mới, hướng dẫn, tăng cường công tác hậu kiểm ATTP; tổ chức kiểm tra công tác quản lý ATTP tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc thực hành đảm bảo VSATTP. Trước mắt, tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống các văn bản quy định của Trung ương, kết hợp với tình hình thực tế của tỉnh và các huyện, xã, tổng hợp đề xuất xây dựng những quy chế, quy trình xử lý vi phạm chặt chẽ, có tính răn đe đối với những vi phạm. Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác quản lý; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu kiểm tra về ATTP. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực phân tích, thử nghiệm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra; cải tiến rút ngắn thời gian cấp phép để các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh được ký cam kết đảm bảo ATTP. Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể và nhân dân trong việc bảo đảm chất lượng VSATTP; có chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm sạch trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương