Tăng cường công tác kiểm tra, áp dụng các kiến thức pháp luật vào thực tế
Chiều 01.08, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc làm trưởng đoàn đã đến khảo sát, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại trường Đại học Sài Gòn.
Căn cứ vào các kế hoạch của Bộ GD&ĐT, thực hiện công văn số 3729/BGDĐT-PC ngày 22/7/2024 của Bộ GD&ĐT về kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP và Nghị định số 143/2013/NĐ-CP, Đoàn kiểm tra làm việc với Trường ĐH Sài Gòn với mục đích ghi nhận những kết quả thực hiện, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc cũng như những góp ý của trường để báo cáo về Bộ GD&ĐT cũng như Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương theo quy định.
Báo cáo kết quả triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn TS. Võ Văn Thật –cho biết: Trường Đại học Sài Gòn đã xây dựng, ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và lồng ghép triển khai hoạt động PBGDPL. Trường luôn đặt nhiệm vụ PBGDPL là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác giáo dục của nhà trường. Trường đã tiến hành kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ làm công tác Thanh tra- Pháp chế theo đúng hướng dẫn của Bộ giáo dục đào tạo, đồng thời triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Nhà trường”; 100% sinh viên không thuộc chuyên ngành Luật được học môn Pháp luật đại cương; đội ngũ giảng dạy pháp luật trong nhà trường có trình độ thạc sĩ trở lên và đúng chuyên ngành…ông Thật, Phó hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.
Việc bố trí nguồn lực, kinh phí và các điều kiện khác cũng được trường quan tâm và thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ, cụ thể: Khoa Luật được phân công giảng dạy và lồng ghép công tác PBGDPL trong chương trình chính khóa cũng như các chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các chương trình gameshow, hội thảo, cuộc thi về tìm hiểu pháp luật…phù hợp từng đối tượng sinh viên, giảng viên, chuyên viên.
TS. Võ Văn Thật chia sẻ, công tác PBGDPL của trường có nhiều kết quả tích cực là nhờ các nội dung hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo rõ ràng, cụ thể nên công tác triển khai thực hiện được dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời có sự chỉ đạo sâu sát từ các cấp nên công tác phối hợp giữa Nhà trường và các cơ quan chức năng, các đơn vị phối hợp được thực hiện hiệu quả; đặc biệt là sự đồng lòng, chung tay, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị trong Trường và thái độ học tập sôi nổi, nghiêm túc với tinh thần “Thượng tôn pháp luật" của học sinh sinh viên Trường đã giúp công tác PBGDPL trong Nhà trường đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Trường cũng gặp khó khăn, cụ thể là một số học phần hiện chưa có giáo trình riêng, tài liệu học tập tập trung. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ phân công các giảng viên có chuyên môn tiếp tục nỗ lực để biên soạn các học liệu như: Giáo trình pháp luật đại cương (đang thực hiện, dự kiến 8/2024 sẽ nghiệm thu); Giáo trình Học phần pháp luật kinh doanh; biên soạn “tài liệu học tập học phần Pháp luật du lịch” phục vụ cho quá trình giảng dạy và học của sinh viên.
TS Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn cho biết thêm, với yêu cầu nguồn GV bộ môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, nếu mở ngành thì cũng phải 4 năm nữa mới đào tạo xong. Do đó, trước mắt Nhà trường sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT TPHCM để đào tạo thêm kiến thức cho giáo viên đang dạy bộ môn Giáo dục Công dân có thể đảm đương giảng dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề xuất, Trường ĐH Sài Gòn phải làm việc với Sở GD&ĐT và UBND TPHCM để đặt hàng, cấp kinh phí đào tạo giáo viên bộ môn Giáo dục Công dân. Đồng thời, đảm bảo đào tạo đủ số lượng và chất lượng giáo viên cho bộ môn Giáo dục kinh tế và pháp luật vì môn này đã đào tạo 2 năm nay.
Đóng góp ý kiến về những kết quả đạt được, bà Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật (Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp) đánh giá cao những nội dung pháp luật mà Nhà trường truyền tải đến sinh viên. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào truyền tải pháp luật cho sinh viên mà không phải trường nào cũng làm được, đây là cách làm hay có thể lan tỏa tới nhiều trường khác.
TS Mai Thị Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GD&ĐT (Đứng bìa phải) cùng các thành viên Đoàn kiểm tra
Trong buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác và đại diện nhà Trường cũng có nhiều ý kiến góp ý, trao đổi về các nội dung kiểm tra, khảo sát, kiến nghị nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường cũng như ý kiến sửa đổi Nghị định số 84/2020/NĐ-CP và Nghị định 143/2013/NĐ-CP.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá cao việc nghiêm túc triển khai tuyên truyền phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của TP đến cán bộ, viên chức, người lao động và học viên trong nhà trường. Thứ trưởng mong muốn Trường ĐH Sài Gòn tiếp tục quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn lực thực hiện tốt công tác PBGDPL và tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên việc áp dụng các kiến thức pháp luật vào thực tế tại nhà trường.