Tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động

Trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng giảm dần qua mỗi năm. Đặc biệt, trong năm 2021, toàn tỉnh có 1 vụ TNLĐ dẫn đến chết người, giảm 3 vụ so với năm trước.

Khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ năm 2021. Ảnh: Minh Quang

Khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ năm 2021. Ảnh: Minh Quang

Công ty TNHH Great Global International (KCN Gián Khẩu) là một trong những đơn vị luôn quan tâm và dành sự đầu tư đúng mức cho công tác ATVSLĐ. Ông Lê Đại Dương, Trưởng Ban ATVSLĐ của Công ty cho biết: Với phương châm "sức khỏe người lao động chính là tài sản của doanh nghiệp", những năm qua, doanh nghiệp luôn quan tâm và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo đó, hàng năm, công ty đều dành hàng trăm triệu đồng để tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho các vệ sinh viên, để chính họ là kênh tuyên truyền hiệu quả những kiến thức về ATVSLĐ đến tận người lao động; tổ chức huấn luyện nội bộ công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho đội PCCC cơ sở; đầu tư xây dựng hệ thống chữa cháy tự động tại xưởng…; sắp xếp, bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý, cải tiến quy trình, hướng dẫn công việc, thực hiện sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm giảm thiểu tối đa các yếu tố mất an toàn.

Công ty cũng tích cực cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động như: lắp quạt thông gió, hút bụi, giảm nguồn gây ồn, định kỳ bảo dưỡng máy…, góp phần tạo nên môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Công tác khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động cũng được tiến hành mỗi năm 2 lần, qua đó, dựa vào kết quả khám bệnh mà có sự phân công công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động. Với những hoạt động tích cực này, thời gian qua, Công ty đã không để xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào.

Cùng với sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp trong việc thực thi nghiêm các quy định về ATVSLĐ, các cơ quan chuyên môn còn tích cực hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp về việc xác định, lựa chọn công nghệ, máy móc thiết bị tương thích với công việc theo tiêu chuẩn đảm bảo ATVSLĐ. Đồng thời, tăng cường lực lượng thanh tra lao động, lực lượng PCCC cả về số lượng, trang thiết bị phương tiện nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, đẩy lùi nguy cơ cháy nổ và bệnh nghề nghiệp; tuyên truyền giáo dục, huấn luyện nâng cao năng lực của các cấp, các ngành; tăng cường thanh, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và có khen thưởng kịp thời các đơn vị làm tốt...

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực ATVSLĐ, Sở Lao động, TBXH đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn để các đơn vị đủ năng lực tự kiểm tra, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Nhờ đó, nhận thức của các doanh nghiệp sản xuất đã có sự thay đổi rõ rệt, đầu tư tương xứng cho công tác an toàn lao động. Các doanh nghiệp đã chủ động kiểm tra, phát hiện các rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn để có biện pháp khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao sức khỏe cho người lao động.

Tuy nhiên, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra 90 vụ TNLĐ, làm 90 người bị nạn (tăng 39 vụ so với năm 2020). Trong đó, có có 01 vụ TNLĐ làm chết 01 người, giảm 03 vụ TNLĐ chết người so với năm 2020.Mặc dù có giảm về số vụ tai nạn lao động chết người, tuy nhiên theo nhìn nhận của ngành chức năng thì việc giảm thiểu TNLĐ vẫn chưa thực sự bền vững. Không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động mà còn là sự thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2021, tổng chi phí cho TNLĐ gồm: cấp cứu, điều trị, trả lương trong ngày nghỉ, bồi thường, trợ cấp… vào khoảng trên 2,7 tỷ đồng, mất trên 1000 ngày công lao động.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, TBXH cho biết: Qua các vụ TNLĐ đã xảy ra cho thấy, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức của người lao động và chủ sử dụng lao động về vấn đề ATVSLĐ còn hạn chế. Trong Luật Lao động quy định rất rõ doanh nghiệp phải đầu tư bảo hộ lao động cho người lao động. Thế nhưng, do nhận thức chưa đúng mức về lĩnh vực bảo hộ lao động nên có doanh nghiệp đầu tư không thích đáng cho công tác này. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một bộ phận chủ doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về ATVSLĐ nhưng lại cố tình không thực hiện đúng các hướng dẫn của pháp luật; có những doanh nghiệp chưa xây dựng bộ máy đầy đủ để thực hiện các nhiệm vụ về bảo hộ lao động...

Qua các đợt thanh, kiểm tra về lĩnh vực này cho thấy, những hạn chế chủ yếu của các doanh nghiệp tập trung vào việc không xây dựng đầy đủ nội dung của kế hoạch bảo hộ lao động, không đo kiểm môi trường làm việc, chưa kiểm định và đăng ký sử dụng đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ-VSLĐ. Công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức… Bên cạnh đó, số vụ TNLĐ do nguyên nhân từ phía người lao động cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Thậm chí, ngay cả ở một bộ phận lao động có trình độ tay nghề, được huấn luyện về ATVSLĐ nhưng do ý thức chủ quan, sơ suất, chạy theo năng suất sản phẩm nên cũng dẫn tới TNLĐ.

TNLĐ dù là do nguyên nhân gì thì thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về người lao động. Việc đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình lao động, sản xuất cần phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa, chứ không thể chỉ dừng lại ở biện pháp tuyên truyền. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về ATVSLĐ tại các đơn vị và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nhằm hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn lao động có thể xảy ra.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tang-cuong-cong-tac-an-toan-ve-sinh-lao-dong/d20220506143648533.htm