Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật
Trước tình trạng nhiều loại dịch bệnh động vật nguy hiểm diễn biến khá phức tạp trên địa bàn tỉnh gần đây, ngành Nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống để giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có tổng đàn gia súc 592.578 con, đạt 100% so với kế hoạch và tăng 4,3% so với cùng kỳ. Cụ thể, đàn trâu 13.515 con, đàn bò có 94.181 con gồm bò sữa 24.741 con và bò thịt 69.440 con, đàn lợn 471.159 con, đàn dê 13.515 con; đàn gia cầm đạt 6.406.000 con; đàn ong 121.711 đàn; toàn tỉnh có 618 nhà yến/510 cơ sở nuôi chim yến. Trong năm 2024, nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thủy sản vẫn ổn định, không có ổ dịch lớn xảy ra trên địa bàn mà chỉ có bệnh dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra lẻ tẻ. Tuy nhiên, sự cố tiêm vắc xin viêm da nổi cục gây nên bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi.
Cụ thể, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 2 cơ sở chăn nuôi/2 thôn/2 xã/2 huyện Lâm Hà và Lạc Dương; đã tiêu hủy toàn bộ 392 con lợn mắc bệnh, chết; bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại huyện Đạ Huoai làm 8 con bê mắc bệnh tại 8 hộ/6 thôn/2 xã, số chết và tiêu hủy là 2 con bê, trọng lượng 125 kg. Bên cạnh đó, từ ngày 16/7/2024, chi cục đã triển khai công tác tiêm vắc xin viêm da nổi cục cho đàn bò trên địa bàn tỉnh. Sau khi tiêm vắc xin viêm da nổi cục Navet-LpVac (từ 7-10 ngày) bệnh tiêu chảy xuất hiện trên đàn bò sữa đầu tiên trên đàn bò tại huyện Đơn Dương và sau đó là các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và TP Bảo Lộc. Đến hết ngày 26/9/2024, toàn tỉnh có 7.375 con mắc bệnh của 350 hộ/21 xã bị bệnh/5 huyện, thành phố gồm Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lộc; có 570 con bị chết/207 hộ và có 584 con bị sảy thai.
Ngay sau khi bệnh tiêu chảy xảy ra trên đàn bò sữa tại huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp kiểm tra tình hình, chỉ đạo quyết liệt, xác định rõ nguyên nhân, lên phác đồ điều trị; đồng thời, tập trung mọi nguồn lực để cứu chữa bò bị bệnh, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo ông Phạm Phi Long - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng nhìn chung trong năm 2024, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thủy sản cũng được chi cục rất quan tâm thực hiện. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; kế hoạch đấu thầu mua sắm vắc xin, vật tư, hóa chất phòng, chống dịch bệnh. Khi phát hiện ổ dịch, đơn vị đã kịp thời kiểm tra, nắm bắt tình hình và phối hợp địa phương tham mưu triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn địa phương, cơ sở chăn nuôi sử dụng các loại vắc xin, hóa chất về phòng, chống dịch bệnh; tổ chức lấy mẫu gửi xét nghiệm xác định bệnh và thực hiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp nhằm khống chế dịch hiệu quả.
Đồng thời, chủ động theo dõi, giám sát và lấy mẫu gửi xét nghiệm xác định bệnh để kịp thời cảnh báo, có phương án và xử lý triệt để ổ dịch (nếu phát sinh), không để lây lan diện rộng. Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm; sản phẩm từ gia súc, gia cầm. Tăng cường tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; không giấu dịch và bán chạy gia súc mắc bệnh; các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã hướng dẫn địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tổng hợp như khoanh vùng kiểm soát dịch bệnh, khử trùng tiêu độc các khu vực chăn nuôi xung quanh ổ bệnh, tăng cường thông tin tuyên truyền, kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán động vật,... nhờ đó bệnh đã được khống chế, không lây lan ra diện rộng. Thường xuyên phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh phát sinh.
Riêng đối với bệnh thủy sản, chi cục thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình dịch bệnh; đồng thời, phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thực hiện lấy mẫu nước, quan trắc môi trường nuôi để cảnh báo, hướng dẫn người nuôi sớm phát hiện và có biện pháp xử lý nhằm khống chế kịp thời, không để dịch bệnh phát sinh. Bên cạnh đó, chi cục tăng cường công tác kiểm dịch giống thủy sản, tổ chức lấy mẫu, giám sát định kỳ dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất; kiểm tra các loại thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản lưu thông trên địa bàn; kiểm tra về điều kiện vệ sinh thú y, phòng bệnh, chống dịch bệnh và xử lý môi trường.
Mặt khác, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cũng đã chủ động tham mưu ngành Nông nghiệp tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh; tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn và vừa, chăn nuôi an toàn sinh học, phát triển chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển chăn nuôi hiện đại và bền vững...