Tản mạn về cụm từ 'hoa hồng'

Thế giới có tới 2.650 ngôn ngữ với hơn 7.000 tiếng địa phương, trong số này, tiếng Việt được nhiều người đánh giá đứng thứ ba về độ khó. Vì xem xét một cách tổng thể, tiếng Việt thực sự là một ngôn ngữ khó với không chỉ người phương Tây, mà còn với những quốc gia ở các châu lục khác. Trước hết là bởi tiếng Việt phát âm bằng 6 thanh điệu và từ vựng lại đa nghĩa. Đó là chưa nói đến trường hợp có những từ, cụm từ tuy đồng âm nhưng nghĩa lại hoàn toàn khác nhau, thậm chí trái ngược hoặc không liên quan với nhau. Có lẽ vì thế mà dân gian vẫn thường nói: 'Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam'. Câu này có ngụ ý rằng, ngữ pháp tiếng Việt rất khó. Khi đặt vào những trường hợp cụ thể thì ngay chính chúng ta cũng cảm thấy sự khó 'nhằn' của ngữ pháp tiếng Việt và cụm từ 'hoa hồng' viết trong bài là một minh chứng.

Hoa hồng là gì?

Cụm từ “hoa hồng” trong tiếng Việt có 2 nghĩa, thứ nhất là một loại hoa có màu sắc, hương thơm và được mọi người ưa thích (gọi là hoa hồng thơm); thứ hai là tiền thù lao (gọi là hoa hồng có gai).

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, hoa hồng (thơm) có nơi còn gọi là hoa hường, là tên gọi chung cho các loài thực vật có hoa dạng cây bụi hoặc cây leo lâu năm thuộc chi Rosa, họ Rosaceae, với hơn 100 loài, phân bố từ miền ôn đới đến nhiệt đới. Các loài này nổi tiếng vì hoa đẹp nên thường gọi là hoa hồng. Và cũng theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thì tiền hoa hồng là việc thanh toán hoa hồng như thù lao cho các dịch vụ được cung cấp hoặc sản phẩm được bán là một cách phổ biến để thưởng cho nhân viên bán hàng. Các khoản thanh toán thường tính toán dựa trên tỷ lệ phần trăm của hàng hóa được bán, một cách để các doanh nghiệp giải quyết vấn đề ông chủ và người đại diện bằng cách cố gắng điều chỉnh lại quyền lợi của nhân viên với các công ty của doanh nghiệp. Nhân viên bán hàng do đó được thanh toán một phần hoặc toàn bộ, trên cơ sở các sản phẩm hoặc dịch vụ được bán thành công thay vì được thanh toán theo giờ, bởi doanh số bán hàng cố gắng hoặc bằng bất kỳ biện pháp nào khác.

Trong tiếng Việt, 2 từ “hoa hồng” là cụm từ có nhiều nghĩa, các nghĩa hoàn toàn khác nhau và chúng không hề có liên quan với nhau. Và không chỉ ở Việt Nam, mà ngôn ngữ trên thế giới cũng có từ mang nhiều nghĩa. Nguyên nhân xuất hiện và tồn tại của từ nhiều nghĩa là do số lượng từ trong kho tàng ngôn ngữ có hạn, vì sự sáng tạo của con người về ngôn ngữ luôn đi sau thực tế. Trong khi việc sáng tạo ra từ mới không đáp ứng kịp nên phải “mượn” từ khác để diễn đạt, do đó dẫn đến một từ hoặc cụm từ có thể mang nhiều sắc thái ý nghĩa khác nhau.

Chế định hoa hồng trong pháp luật

Còn đối với loại hoa hồng (có gai), cho đến ngày nay, không một ai biết chính xác nó xuất hiện trong đời sống của nhân loại từ khi nào và ở đâu? Còn ở Việt Nam, loại hoa hồng hay “tiền hoa hồng” - thuật ngữ này được sử dụng rất nhiều trong đời sống dân sự, khi một chủ thể thực hiện hoạt động trung gian giữa bên mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ và một bên có nhu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ đó. Và nó xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1997, trong một văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành - Luật Thương mại. Theo đó, tại Điều 113 của luật này có quy định về thù lao đại lý như sau: Thù lao đại lý là khoản tiền do bên giao đại lý trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá. Mức thù lao đại lý do các bên thỏa thuận trong hợp đồng đại lý. Và tại khoản 1 Điều 166 quy định về các hình thức đại lý như sau: Đại lý hoa hồng là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán hàng theo giá mua, giá bán do bên giao đại lý ấn định để được hưởng hoa hồng. Mức hoa hồng được tính theo tỷ lệ phần trăm do các bên thỏa thuận trên giá mua, giá bán hàng hóa….

Có lẽ vì hoa hồng (có sắc, hương) là loại hoa đẹp quý phái, cao sang lại có ý nghĩa nhân văn sâu đậm và được mọi người ưa thích, nên người ta đã mượn nó để nói về một loại thù lao - bằng tiền hoặc hiện vật. Mà đã là tiền thì có mấy ai mà không thích. Hơn nữa, khi cuộc sống phát triển, trong xã hội đã sinh ra một nghề mới - nghề môi giới. Và từ thượng cổ cho tới nay, không ai làm nghề mà lại quanh năm miễn phí. Vì thế, việc người làm nghề môi giới với thu nhập chính là thù lao do bên cần bán hay bên cần mua hoặc cả 2 bên cùng chi trả. Tuy nhiên, 2 từ “thù lao” không hay, không đẹp, không ý nghĩa và không nhân văn bằng cụm từ “hoa hồng”.

Ðôi điều suy ngẫm

Tuy nhiên, điều muốn nói trong bài viết này là việc chi trả và nhận thù lao hay hoa hồng mặc dù đã được luật hóa nhưng trong thực tế cuộc sống ngày nay, việc thực thi chế định này đã và đang bị biến tướng, lạm dụng để thu lợi bất chính. Cụ thể, theo quy định của pháp luật thì việc chi trả và nhận thù lao trong môi giới mua bán hàng hóa, hoạt động dịch vụ chỉ diễn ra sau khi sự việc nêu trên đã hoàn tất và mức chi trả do 2 bên thỏa thuận công khai, nhưng không được phép vi phạm pháp luật. Thế nhưng ngày nay, việc chi “hoa hồng” đã bị biến dạng và được thực hiện bằng rất nhiều hình thức với các tên gọi khác nhau, như: “đi đêm”, “thông thầu”, “quà biếu”, “bao thư lót tay”, “phí bôi trơn”, “bữa tiệc thân mật”… và thậm chí có người sẵn sàng chi trả thù lao hay hoa hồng bằng việc “lại quả” bằng quà phi vật chất.

Bằng chứng là mới đây có doanh nghiệp đã “lại quả” cho một đối tác số tiền thù lao gần 30 tỷ đồng. Đây là số tiền “hoa hồng” được trích 30% trên tổng giá trị hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị. Nếu tổng giá trị hợp đồng càng lớn thì đương nhiên là hoa hồng sẽ tăng theo tỷ lệ thuận. Với mức thù lao như nêu trên thì chắc chắn có không ít người sẽ bị mờ mắt, thậm chí có kẻ còn “sẵn sàng hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Tuy nhiên, cũng có người vì không muốn “thân bại, danh liệt” hay nói một cách dân gian là biết “nuốt” không trôi nên đã phải trả lại “quà”. Vậy nên người viết bài xin đặt tên cho loại “hoa hồng” này là hoa hồng có gai. Thế mới hay rằng, lời dạy của ông bà xưa quả thật chí lý: “vô công bất thụ lộc” - không có công không hưởng lộc hay “thứ gì không phải của mình thì đừng nhận, nếu cứ cố tình có được thì cũng sẽ bị kẻ khác lấy mất”. Xin đừng ai quên điều này để tránh hệ lụy về sau.

M.H

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/129811/tan-man-ve-cum-tu-hoa-hong