Tân Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thắng nêu giải pháp chống ngập úng, tắc đường
Chiều 3/11, 'chia lửa' với Bộ trưởng Xây dựng, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng giải đáp các chất vấn của đại biểu Quốc hội đặt ra liên quan đến thay thế vật liệu xây dựng, giải pháp chống ngập úng, tắc đường.
Cát biển thay thế cát sông
Về nghiên cứu vật liệu xây dựng thay thế vật liệu truyền thống, sau chuyến thị sát dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ TN&MT, nghiên cứu vật liệu thay thế cát sông.
Theo Bộ trưởng GTVT, trước nhu cầu thiếu hụt vật liệu xây dựng hiện nay, việc nghiên cứu cát biển thay thế cát sông rất cấp thiết và đang được lấy mẫu làm xét nghiệm.
Dự kiến, cuối năm 2023 sẽ có kết quả về việc có sử dụng vật liệu này thay thế cát sông hay không, song theo Bộ trưởng “nghiên cứu ban đầu cho thấy rất khả thi”. Hiện nhiều nước như Singapore, Nhật Bản…cũng đang áp dụng nguyên liệu này.
Bên cạnh đó, tro xỉ cũng có thể là nguyên vật liệu thay thế được, Bộ GTVT đã có văn bản thông báo nhà thầu sử dụng tro xỉ cùng cát sông san nền cho các công trình giao thông.
Cốt đường cao hơn cốt nhà gây ngập lụt
Về ngập úng đô thị, ông Thắng cho biết, theo Nghị định 17, Bộ GTVT quản lý đường quốc lộ, ngoài đô thị, còn trong thuộc Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, hai Bộ đã phối hợp chặt với nhau để quản lý tốt hạ tầng đô thị giao thông.
Tình trạng nhiều khu vực ngập úng, đối với khu đô thị cũ, do nền thấp, khi sửa chữa, lại sử dụng phương pháp cũ, trải thảm lên, làm cốt đường cao hơn cốt nhà, dẫn đến ngập úng. Bên cạnh đó, hệ thống cống rãnh thoát nước các khu đô thị cũ nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu.
Việc này, Bộ Xây dựng đã có chỉ đạo áp dụng phương thức mới là cào bóc để không làm tăng cốt đường. Còn tại các khu đô thị mới, kết nối hạ tầng với hạ tầng giao thông không đồng bộ, đường sá, cầu cống lại chưa có, quy trình vận hành quản lý cũng không được quan tâm xử lý.
Giải pháp theo Bộ trưởng, cần quản lý thật chặt quy hoạch đô thị và giao thông, đảm bảo sự đồng bộ, cốt xây dựng khu đô thị mới phải kiểm soát chặt.
Về tắc nghẽn đô thị, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nguyên nhân chủ yếu do áp lực phát triển giao thông rất lớn, trong khi hạ tầng chưa theo kịp. Do vậy, phải quản lý chặt chẽ, đồng bộ, ổn định, đặc biệt với nhà cao tầng, không để chạy theo lợi nhuận mà phá vỡ quy hoạch; nâng cao chất lượng quản lý, ý thức của người dân…