Tâm lý FOMO đẩy giá vàng tăng phi mã, nhà đầu tư tiếp tục nghe ngóng chính sách từ Mỹ
Chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước nhanh chóng nới rộng trong tuần qua khi vàng miếng SJC tăng 'chóng mặt', một phần từ sức nóng của thị trường quốc tế, một phần còn bởi tâm lý sợ bỏ lỡ (FOMO) cơ hội của nhà đầu tư.
Tăng phi mã
Trong tuần giao dịch từ 14/4 - 20/4, giá vàng tiếp tục đi lên và xác lập các kỷ lục mới.
Trên thị trường quốc tế, dù có một tuần giao dịch ngắn do đóng cửa nghỉ lễ trong phiên thứ Sáu, giá vàng giao ngay tăng 4,3%, đóng cửa tuần qua ở mức 3.326 USD/ounce. Giá vàng đã lùi nhẹ sau khi vượt qua mốc kỷ lục 3.350 USD/ounce trong phiên 17/4.
Chung diễn biến, giá vàng tương lai giao tháng 6/2025 khép lại ở mức 3.343 USD/ounce. Trong khi đó, tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải - trung tâm giao dịch vàng vật chất lớn nhất châu Á, giá vàng vẫn chưa quay đầu, chốt tuần ở mức 790 nhân dân tệ/gram, tăng gần 4,43% trong vỏn vẹn một tuần. Đây cũng là mức cao nhất trong lịch sử giao dịch trên sàn này.

Diễn biến giá vàng thế giới trong 6 tháng trở lại đây.
Sức nóng của vàng cũng nhanh chóng lan tỏa ở thị trường trong nước, thậm chí có phần thái quá khiến chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước lại nới rộng. Đến cuối ngày thứ Sáu (18/4), giá vàng miếng SJC còn neo ở mức 117 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 120 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tương đương mức tăng hơn 12% so với thời điểm cuối tuần trước. Tuy nhiên, ngay trong sáng cuối tuần, giá vàng nhanh chóng bốc hơi 6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Khép lại tuần qua, vàng miếng SJC tại hầu hết các cửa hàng được niêm yết ở mức 114 triệu đồng ở chiều bán ra, tăng 7,5 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. Ở chiều mua vào, giá vàng miếng tăng tới 9,5 triệu đồng/lượng, lên 112 triệu đồng/lượng. Nhà đầu tư mua vàng cuối tuần trước đã có thể lãi 5,5 triệu đồng mỗi lượng nếu bán ra chốt lời. Tuy vậy, nếu quyết định mua trong ngày 18/4, nhà đầu tư có thể đang tạm ghi nhận khoản lỗ 8 triệu đồng/lượng. Đã có hiện tượng người dân xếp hàng dài chỉ để chờ mua vàng tại một số con phố chuyên kinh doanh vàng một vài ngày qua. Tuy nhiên, số lượng bán ra cho mỗi cá nhân rất hạn chế dù đã phải bỏ ra khoảng thời gian dài chờ đợi.
Trong văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước ban hành ngày 18/4, Ngân hàng Nhà nước được giao có giải pháp bình ổn, không để xảy ra việc trục lợi, làm giá, đầu cơ trên thị trường vàng. Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, vàng, ngoại hối trong nước và quốc tế, đồng thời, phải thực hiện ngay các giải pháp để ổn định thị trường vàng, tăng thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Đã đến vùng quá mua?
Không riêng vàng, các kim loại quý cũng có một tuần bật tăng mạnh mẽ như giá Platinum tăng tới 5,08%, bạc tăng 4,24%. Động lực tăng của giá vàng cùng các kim loại quý khác tiếp tục do nhu cầu trú ẩn gia tăng giữa lúc chính sách thương mại của Mỹ thiếu ổn định. Dù vậy, tín hiệu hạ nhiệt từ một số động thái đàm phán của Mỹ và Trung Quốc cùng áp lực chốt lời đã kéo vàng thế giới vàng quay đầu giảm nhẹ.
Trong tuần qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - ông Jerome Powell cảnh báo rằng, các biện pháp thuế có thể làm gia tăng lạm phát và kìm hãm tăng trưởng. Fed sẽ chờ thêm tín hiệu rõ ràng trước khi hành động. Tổng thống Trump sau đó chỉ trích Chủ tịch Powell vì "hành động quá chậm" và ám chỉ khả năng thay thế ông. USD giữ ổn định ở vùng thấp 3 năm và hiện đóng cửa ở mức 99,2 điểm. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ giá vàng neo cao.
Với sức nóng của giá vàng trong tuần qua, trả lời khảo sát của Kitco News, ông Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích thị trường tại sàn FXTM, vàng đã tăng 28% từ đầu năm, vượt qua mức tăng 24% của năm ngoái. Nếu xảy ra điều chỉnh kỹ thuật, vị chuyên gia này lưu ý vàng có thể lùi về 3.250 USD/ounce, 3.140 USD/ounce hoặc 3.000 USD/ounce. Đây là các mức hỗ trợ tâm lý quan trọng. Trong khi đó, nếu mốc 3.300 USD giữ vững, mục tiêu tiếp theo là 3.400 USD/ounce.
Còn theo ông Ole Hansen, chuyên gia từ Saxo Bank, một đợt điều chỉnh mạnh giảm 200-300 USD/ounce có thể xảy ra, nhưng chưa phải tuần tới. Bất ổn từ phát ngôn của ông Trump về Chủ tịch Fed sẽ tiếp tục đẩy rủi ro trái phiếu và hỗ trợ giá vàng. Ông David Morrison, chuyên gia phân tích từ Trade Nati, cũng đánh giá đợt tăng tuần qua là cú bứt phá điển hình. Dù xu hướng tăng vẫn mạnh, nhưng nhà đầu tư nên thận trọng vì thị trường đang trong vùng quá mua mạch tương tự thời điểm đỉnh năm 2011.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, sự suy yếu của chỉ số DXY phản ánh niềm tin giảm sút vào các nhà hoạch định chính sách Mỹ, khiến các đợt phục hồi nào của đồng bạc xanh trở nên rất mong manh. Ông Christopher Vecchio, Trưởng bộ phận Futures & Forex tại Tastylive nhận định USD vẫn là tiền tệ dự trữ, nhưng thế giới đang cần một tài sản thay thế như vàng.
Bước vào tuần giao dịch mới, thị trường toàn cầu được dự báo tiếp tục biến động, khi nhà đầu tư vẫn đang theo sát các tín hiệu không chắc chắn từ chính quyền Mỹ về chính sách thuế quan. Mỹ một mặt vừa đe dọa mở rộng thuế lên bán dẫn, dược phẩm, mặt khác cũng gợi mở khả năng giảm bớt thuế quan để "giải nhiệt" căng thẳng.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư tuần tới là số liệu PMI và báo cáo tài chính các đại gia công nghệ. Bên cạnh báo cáo PMI sơ bộ tháng 4 từ Mỹ, Eurozone và Nhật Bản, số liệu về đơn đặt hàng hóa lâu bền và doanh số bán nhà hiện hữu tại Mỹ cũng sẽ phản ánh sức mua tiêu dùng và đầu tư tại nền kinh tế số 1 thế giới. Giới đầu tư sẽ theo sát kết quả kinh doanh quý đầu năm từ hàng loạt tập đoàn lớn như Alphabet, Tesla, Boeing, IBM, Intel, Merck và P&G, nhằm đánh giá ảnh hưởng thực tế từ bất ổn chính sách thương mại.