Tấm lòng cha mẹ

Trên mảnh đất khoảng 1,5 công tại ấp Trường Phước, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành có đến 10 căn nhà nhỏ liền kề. Đó là nơi cư ngụ của vợ chồng ông Lê Văn Thạch, bà Lê Thị Em cùng các con. Hai ông bà có 11 người con, nhưng trong đó có 5 người con trai bị khiếm thị.

Vợ chồng ông Thạch, bà Em mỗi ngày may phướn công quả.

Luôn sống lạc quan

Ở tuổi ngoài 70, vợ chồng ông Thạch chỉ mới sống cảnh nhàn rỗi vài năm nay sau gần 50 năm nhọc nhằn. Dẫu nhiều khó khăn nhưng vợ chồng ông Thạch luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, không than trách. Ở họ chỉ có sự miệt mài, cần mẫn mỗi ngày để kiếm từng bữa cơm nuôi con.

Ngày trẻ, để nuôi gia đình, ông Thạch làm nghề chụp ảnh; lúc rảnh việc, ông làm rẫy, buôn bán, lưới cá mưu sinh. Bà Em làm đủ nghề từ thợ may, nấu rượu, buôn bán… Họ không quản nhọc nhằn để có tiền lo cho gia đình, lo cho các con.

Cảnh khó khăn càng nhiều thêm khi vợ chồng ông phát hiện ba người con lớn bị bệnh về mắt. Dù bận bịu, ông cũng dành thời gian đưa con đi khám mắt tại Sài Gòn, Đồng Nai nhưng vẫn không hiệu quả. Đến giờ, ông Thạch vẫn còn nhớ cảnh vượt đường xa đưa con đến tận Đồng Nai khám mắt, hay sự thấp thỏm trốn viện khi nghe con mình bị giữ lại để thí nghiệm tìm hiểu bệnh.

Sau ngày giải phóng, cuộc sống càng thêm nhọc nhằn với việc mưu sinh, vợ chồng ông đành ngậm ngùi nhìn ánh sáng của đôi mắt các con dần tắt. Ông nói: “Các con tôi được chẩn đoán bệnh do ảnh hưởng thần kinh thị giác. Những đứa con trai theo thứ tự chẵn trong nhà đều bị bệnh. Mãi cũng không biết lý do tại sao”.

Chấp nhận với bất hạnh, chấp nhận những khó khăn chính là cách mà vợ chồng ông Thạch chọn lựa. Có lẽ nhờ vậy mà vợ chồng ông dần lạc quan hơn trước những nghịch cảnh của gia đình. Thêm 2 người con bị khiếm thị, tất cả là 5 người.

“Con cái là duyên phận, sướng khổ thì do số phần, nên dù thế nào chúng tôi cũng vui vẻ mà nhận thôi”- ông Thạch nói.

Cuộc sống khó khăn, ông dồn sức vào làm việc, không quản mệt nhọc để các con mình có được những bữa cơm đủ đầy. Những bức ảnh gia đình cũng được ông thường xuyên chụp lại để lưu giữ những kỷ niệm.

Anh Hữu Trường dạy đàn kiếm sống.

Gia tài không có, ông Thạch chỉ có thể dành cho con mình những lời động viên, khích lệ. Những người sáng mắt theo ông làm nghề chụp ảnh. Những người khiếm thị tùy theo năng khiếu, sở thích mà cho học nghề. Ngày đứa con út đậu đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, ông Thạch vừa mừng, vừa lo.

Ông chia sẻ: “Lúc đó tôi vui lắm vì con mình được học đến đại học nhưng cũng thấy tủi thân, lo lắng vì không biết lấy gì lo cho con học hành. Cũng may được sự quan tâm của xã hội, chính quyền địa phương mà con tôi được học hành rồi ra trường, có việc làm như những người bình thường khác. Chúng tôi vui lắm. Tôi biết ơn về điều đó”.

Đến giờ, vợ chồng ông Thạch cũng đã an tâm, 5 người con khiếm thị đều có công ăn việc làm ổn định. Một người là Chủ tịch Hội Người mù thị xã Hòa Thành, người đang là giáo viên tại Trường Khiếm thị, người vừa được nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú về đờn ca tài tử. Đó là điều mà vợ chồng ông thấy vui và không ngờ tới. Bởi ông Thạch, người không có tư tưởng giữ con để chăm sóc dù con khiếm khuyết mà ông luôn muốn con mình phải biết tự lo cho cuộc sống của bản thân.

Nhiều người con của ông tự lặn lội mưu sinh dưới đất Sài Gòn. Với ông, đó là cách để con mình lớn lên, tiếp nhận cuộc sống. Nhưng với thành quả hiện tại, ông quá đỗi vui rồi. Dù vậy, ông cũng có chút tiếc nuối vì những người con lớn của mình không có điều kiện tiếp xúc với chữ nổi, được học hành, học nghề ổn định.

Ánh mắt dẫu già nua không che giấu được nỗi vui mừng ở ông Thạch. Ông hạnh phúc khi nói: “Đến giờ, với tôi, niềm vui nhất chính là mình còn khỏe mạnh, còn có thể giúp con việc gì đó, nhìn các con an ổn sống, vui vẻ là tôi vui lắm rồi”.

Cho con ánh sáng niềm tin

Thừa hưởng sự lạc quan từ cha mẹ mình, những người con khiếm thị của ông Thạch luôn nỗ lực để vươn lên, không vì khiếm khuyết mà sống dựa người khác.

Anh Lê Hữu Trường, 48 tuổi, người con thứ sáu của ông Thạch mất hẳn ánh sáng khi lớn lên. Sinh ra với đôi mắt lờ mờ không nhìn rõ mọi vật nhưng từ nhỏ anh Trường cũng biết tự chăm lo cho sinh hoạt cá nhân, lạc quan với cuộc sống. Năm 12 tuổi, anh Trường bắt đầu học đàn sau những buổi nghe tiếng đàn do người anh thứ tư của mình đánh. “Tôi biết mình thích nhạc và muốn học đàn. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản muốn học để đàn cho ban nhạc lễ của đạo mà thôi”- anh Trường nói.

Nhưng đến giờ, với việc thành thạo 5 loại nhạc cụ, anh Trường ngoài là thành viên trong ban nhạc lễ của Tòa thánh Cao Đài, anh còn nhận dạy thêm đàn. Anh Trường dạy nhạc lễ miễn phí và dạy đàn có thu phí cho người yêu thích môn nghệ thuật này. Vợ của anh đi bán vé số. “Tôi không suy nghĩ quá nhiều về cuộc sống, vì mình có lo lắng cũng không giải quyết được gì. Được khỏe mạnh, làm việc là vui lắm rồi”.

Anh Lê Hữu Tâm, 35 tuổi, là một trong hai người con của ông Thạch được học chữ. Khi Trường Khiếm thị hoạt động, anh Hữu Tâm và Minh Tâm được đến trường học chữ nổi. Sau đó, hai anh em tiếp tục học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu (Thành phố Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp cấp hai, vì thấy mình lớn tuổi để học tiếp nên anh Hữu Tâm chọn học nghề massage để kiếm sống. Sau đó là khoảng thời gian 10 năm làm việc mưu sinh nơi xứ người. Năm 2013, anh Hữu Tâm trở về quê cùng với người vợ cũng khiếm thị như mình. Hai vợ chồng mở tiệm massage kiếm sống. Năm 2015, anh Hữu Tâm tham gia công tác tại Hội Người mù thị xã Hòa Thành. Đến nay, anh đã có hai năm làm Chủ tịch Hội.

Gia đình nhỏ của anh Hữu Tâm.

Anh Hữu Tâm chia sẻ về hành trình đầy cố gắng của mình: “Tôi không có nhiều tự ti hay mặc cảm về khiếm khuyết của mình. Tôi luôn cố gắng để không phải sống phụ thuộc vào gia đình. Được tự lo cho chính mình, tôi vui và thoải mái”.

Khi nhận nhiệm vụ công tác Hội, anh Hữu Tâm cũng không chút e dè, lo lắng. Anh nói: “Mình phải thử để biết khả năng của mình đến đâu. Tôi luôn suy nghĩ vậy nên không ngại khi được giao nhiệm vụ”.

Làm công tác Hội, anh phải tự học hỏi, trang bị thêm kiến thức, mày mò học sử dụng máy tính từ người em của mình. Hỏi động lực cho sự cố gắng của mình, anh Hữu Tâm nói: “Con cái chính là động lực cho bản thân tôi cố gắng. Khi trước mình cố gắng một thì bây giờ phải gấp đôi để lo cho con”.

Những người con khiếm thị của ông Thạch luôn được ông dạy ý thức tự lập trong cuộc sống. Ngoài ra, sống đẹp, tốt hơn là điều ông muốn các con mình hướng đến. Ông Thạch chia sẻ: “Ngày trẻ bận bịu lo cho cuộc sống, tôi không có nhiều thời gian dành cho các con. Nhưng tôi nghĩ, cha mẹ là tấm gương cho con cháu soi rọi vào nên mình sống tốt, có cố gắng để con cái noi theo”.

Anh Hữu Trường bày tỏ: “Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Anh em chúng tôi được sống trong tình thương của cha mẹ, lấy cha mẹ làm gương mà sống mỗi ngày. Khi làm sai điều gì đó cũng kịp thời được nhắc nhở, uốn nắn”.

“Đến giờ, cha vẫn là người thường xuyên chở tôi đi làm. Từ nhỏ, chúng tôi được học cách sống tốt từ cha mẹ để làm người có ích. Tôi nhiều năm sống xa gia đình, nhưng khi được về nhà, sống cùng cha mẹ, anh em tôi vui lắm”- anh Hữu Tâm chia sẻ.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tam-long-cha-me-a160543.html