Tâm huyết với nghề

Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Sốp Cộp được thành lập từ năm 2018, trên cơ sở sáp nhập Đài Truyền thanh - Truyền hình và Trung tâm Văn hóa huyện, có 13 cán bộ, nhân viên hoạt động về mảng truyền thông, gồm 2 cán bộ quản lý, 4 phóng viên, 1 biên tập viên, 1 phát thanh viên, còn lại là cán bộ kỹ thuật tại 2 trạm phát thanh.

Ông Nguyễn Tiến Phong, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Sốp Cộp, chia sẻ: Sốp Cộp là huyện biên giới, đặc biệt khó khăn, nên để có những tác phẩm hay, hình ảnh đẹp, các phóng viên của Trung tâm thường phải băng rừng, leo núi, lội suối đến với cơ sở và thường chỉ một mình, vừa vác máy quay, cầm micro theo đoàn công tác để quay phim, phỏng vấn, vừa phải tập trung cao độ nắm bắt, thu thập thông tin tư liệu cần thiết cho hoạt động nghiệp vụ.

Sản xuất chương trình truyền hình tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Sốp Cộp.

Sản xuất chương trình truyền hình tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Sốp Cộp.

Những chuyến đi công tác vùng sâu vùng xa, về các bản của đồng bào vùng cao, phóng viên phải vác máy cuốc bộ, trèo đèo lội suối hàng chục cây số và chuyện té ngã, trầy xước là “chuyện thường ngày ở huyện”. Mà không phải cứ đi là có thông tin ngay, có khi phải ở lại vài ngày hay vào tận rừng, lên nương mới tìm gặp được "nhân vật" trong tác phẩm.

Công tác tại Trung tâm nhiều năm nay, phóng viên Tòng Văn Đại cho biết: Khó khăn lớn nhất là đi tác nghiệp tại các bản vùng cao, đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở, nhất là vào ngày mưa. Tôi còn nhớ, năm 2014, trong chuyến công tác khảo sát thành lập bản Nậm Khún, xã Mường Lèo chúng tôi phải đi bộ 15 cây số, từ trung tâm xã Mường Lèo, vượt qua những con dốc cao, trơn trượt, đến hơn 12 giờ trưa, chúng tôi mới đến được bản. Hôm đó trời mưa, ai cũng phải té ngã 3-4 lần, nhưng người có thể ngã đau, chứ không được phép để máy rơi, hỏng máy quay. Do không có sóng điện thoại, không hẹn trước được, nên chúng tôi không gặp được bà con trong bản, phải ở lại chờ đến tối, bà con đi nương về mới gặp, trò chuyện để khai thác tư liệu.

Còn phóng viên Lò Văn An, có hơn 10 năm trong nghề, nhớ lại: Vào tháng 7/2012, tôi đi công tác ở bản Pu Sút, xã Sam Kha viết phóng sự Nét mới "5 có, 5 không". Hôm đó, trời mưa to cả ngày, nên phải đội mưa đi công tác, vì đã hẹn cơ sở từ trước, nên vẫn lên đường. Thời điểm đó, toàn bộ đường đến xã là đường đất, bùn lầy ngập gối và chỉ có một đường duy nhất là đi theo vết bánh ô tô, nếu gặp xe đi ngược chiều thì đành chịu. Đi được khoảng 1 km, xe máy chúng tôi ko đi được nữa, do bùn lầy ngập hết xe, nên phải ngồi chờ, gần 1 giờ, chúng tôi mới bắt gặp 2 thanh niên người Mông đi qua, nhờ họ cùng khiêng xe ra vùng bùn để đi tiếp. Sau 6 giờ vật lộn với 5 km đường, đến 18 giờ cùng ngày, chúng tôi đã đến được trung tâm bản Pu Sút để ghi hình Hội nghị thực hiện bản cam kết “5 có, 5 không” của dòng họ Giàng. Đây cũng là phóng sự đầu tiên của tôi và thật khấn khởi vì đã đạt giải nhì tại Liên hoan PT-TH tỉnh Sơn La năm 2012.

Phóng viên Lò Văn An, cho biết thêm: Qua những trải nghiệm thực tế vất vả, tôi đã nghiên cứu sáng tạo những dụng cụ, thiết bị hỗ trợ tác nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. Điển hình, đã nghiên cứu, thiết kế thành công chuột lăn bằng chân giành cho phát thanh viên tại Phòng Bá âm, giúp phát thanh viên có thể di chuột bằng chân một cách dễ dàng để điều khiển bộ nhắc lời trước màn hình ống kính máy quay, từ đó giải phóng đôi tay của Phát thanh viên, giúp phát thanh viên có thể giao tiếp với khán giả tự nhiên, sinh động hơn. Hay sáng kiến “Hộp tự chế để vận chuyển máy quay phim (Camera) cho phóng viên đi tác nghiệp”, giúp phóng viên thuận lợi, dễ dàng hơn, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong quá trình sử dụng máy quay khi đi tác nghiệp và sáng kiến đã được Chủ tịch UBND Sơn La cấp giấy chứng nhận Hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến trên địa bàn tỉnh Sơn La, cùng nhiều sáng kiến khác đã được áp dụng hiệu quả trong thực tế…

Từ đầu năm đến nay, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã sản xuất 78 chương trình truyền thanh, 81 bản tin về các hoạt động của huyện trên trang Fanpage, 16 chuyên đề, 10 trang truyền hình cơ sở, 5 chuyên mục khuyến học, 19 phóng sự, 5 bài phản ánh và gương..., tuyên truyền toàn diện các phong trào thi đua trên các lĩnh vực trên địa bàn huyện. Duy trì các chuyên mục:“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”; “Đại biểu nhân dân”; “Đảng trong cuộc sống hôm nay”; “Phổ biến giáo dục pháp luật”; “Công tác cải cách hành chính”… Sản xuất 152 bản tin phát thanh và đăng trên Trang Fanpage với 224 tin tuyên truyền về công tác phòng chống Covid-19... Từ đó, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói riêng và trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói chung.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Sốp Cộp, cho biết: Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của huyện và định hướng của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, làm tốt công tác trong lĩnh vực truyền thông, tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan đơn vị, đưa tin chính xác, kịp thời về những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, ANQP trên địa bàn. Quan tâm xây dựng, đổi mới các chuyên mục, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nhất là trong các dịp có các sự kiện chính trị lớn. Chúng tôi đánh giá rất cao hiệu quả của công tác truyền thông của huyện nhà.

Dẫu còn gian nan, vất vả, nhưng mỗi phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên của Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Sốp Cộp vẫn luôn gắn bó, tâm huyết với nghề đã chọn; không ngừng học tập và rèn luyện, đổi mới cách thức làm việc, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, thông tin kịp thời chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các sự kiện của địa phương đến với nhân dân một cách nhanh nhất, góp phần xây dựng huyện vùng biên Sốp Cộp ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tam-huyet-voi-nghe-51171