Tấm gương trong thực hiện hòa giải ở cơ sở

Nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Định Công (cũ), nay là Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải Tổ dân phố 23, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, bà Phan Thị Kim Tấn đã có hơn 20 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, là một cá nhân điển hình, tiêu biểu, tấm gương sáng trong thực hiện hòa giải ở cơ sở.

Bà Phan Thị Kim Tấn là tấm gương trong thực hiện hòa giải cơ sở ở phường Định Công, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Bà Phan Thị Kim Tấn là tấm gương trong thực hiện hòa giải cơ sở ở phường Định Công, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Đã từng trải qua nhiều vị trí công tác, bà Tấn là người có uy tín trong cộng đồng, luôn gần gũi, gắn bó với Nhân dân.Với vai trò là Tổ trưởng tổ hòa giải, bà Tấn luôn trăn trở làm sao để người dân dễ dàng tiếp cận được các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Từ những trăn trở đó, bà đã chủ động thực hiện, lồng ghép các buổi sinh hoạt của chi bộ, đoàn thể, khu dân cư, tổ dân phố để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, Luật Hòa giải cơ sở…

Theo bà Tấn, để hòa giải thành công, hòa giải viên phải nỗ lực mỗi ngày rèn luyện kỹ năng “dân vận khéo”, sao cho cả lời nói và hành động phải có uy tín thì người dân mới tin, nghe. Khi xảy ra vụ việc, bà cùng tổ hòa giải không quản ngại thời gian, luôn kiên trì, gần gũi, tôn trọng và lắng nghe tâm tự nguyên vọng của người dân. Từ đó, sẽ lựa lời giải thích sao cho đủ lý, đủ tình; phân tích cặn kẽ những cái được, cái mất khi xảy ra mâu thuẫn…

Trong suốt quá trình công tác, bà Tấn còn nhớ vụ hòa giải tranh chấp đất đại giữa nhà họ Đ và họ B, đây là vụ mâu thuẫn kéo dài. Gia đình ông Đ thuộc Tổ 20 phường Định Công (nay là tổ 23) đã lấn chiếm hơn 40m2 – phần đất khu mộ cụ Thượng tổ họ B đã táng cách đây hơn 600 năm vẫn còn bia mộ ghi rõ tên (cụ đã sinh ra các doanh nhân dân tộc Việt Nam được đặt tên phố ở Hà Nội như TS. Bùi Xương Trạch, cụ Bùi Bỉnh Uyên, cụ Bùi Huy Bích và anh hùng liệt sỹ Bùi Ngọc Dương...) để xây dựng nhà cấp 4 cho thuê và các công trình vệ sinh xây đè lên phần mộ, xây tường rào bao quanh khu đất chắn lối ra vào khu mộ…

Vụ việc tranh chấp, khiếu nại vượt cấp, kéo dài nhiều năm, phức tạp có cả sự vào cuộc của Bộ Ngoại giao, của TP Hà Nội và của UBND quận Hoàng Mai, phường Định Công mà chưa giải quyết được. Nắm bắt được tình hình, bằng uy tín và kinh nghiệm của bản thân, bà Tấn nhiều đêm suy nghĩ, bà cùng Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố cùng các chi hội đoàn thể tổ dân phố họp bàn và tìm giải pháp.

Bà Tấn cùng tổ hòa giải đến gặp gỡ từng người, phân tích, khơi dậy tinh thần đoàn kết, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam “trên kính dưới nhường”, “tình làng nghĩa xóm”… động viên thuyết phục nhiều lần. Kết quả hai bên đã vui vẻ đồng thuận, nhà họ Đ đã trả lại đúng phần diện tích đất khu mộ tổ họ B, những mâu thuẫn đã được hóa giải hoàn toàn.

Sau hơn 20 năm gắn bó với công tác hòa giải cơ sở, bà Tấn cho rằng, hòa giải thành là nhờ sự tâm huyết, nhiệt tình của các hòa giải viên, sự đoàn kết, đồng lòng đồng sức làm việc tận tâm vì giữ gìn tình làng nghĩa xóm đối với bà con Nhân dân. Phải có sự nêu gương của bản thân, làm đúng chức năng nhiệm vụ, phải công tâm, hài hòa với các bên liên quan, và phải có hiểu biết pháp luật. Vận dụng linh hoạt giữa lý và tình, phải làm sao để “dân vận khéo” và luôn được sự ủng hộ và tin tưởng của người dân.

Theo lãnh đạo UBND phường Định Công, với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liền bà Phan Thị Kim Tấn đã được nhận nhiều Giấy khen của các cấp vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở. Luôn học tập và làm theo theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin” như bà Phan Thị Kim Tấn, là một tấm gương điển hình trong thực hiện hòa giải ở cơ sở.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tam-guong-trong-thuc-hien-hoa-giai-o-co-so-381054.html