Tại sao 'Mộc Lan' của Lưu Diệc Phi là phiên bản kém nhất?
Tích truyện Hoa Mộc Lan có ba phiên bản điện ảnh gây chú ý. Dù sở hữu nguồn kinh phí lớn nhất, bộ phim mới ra mắt với Lưu Diệc Phi đóng chính lại gây thất vọng hơn cả.
Hoa Mộc Lan là nhân vật nổi tiếng trong văn hóa dân gian Trung Quốc, được khắc họa, lưu truyền rộng rãi qua các loại hình nghệ thuật như thơ ca, tiểu thuyết, kịch… Trong văn hóa hiện đại, tích truyện Mộc Lan thay cha tòng quân từng được chuyển thể lên màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ nhiều lần, giúp nhân vật thêm phổ biến.
Đối với phần đông khán giả hiện đại, phiên bản Hoa Mộc Lan phổ biến nhất lại đến từ nhân vật hoạt hình phương Tây: bộ phim Mulan năm 1998 do Walt Disney sản xuất. Bom tấn Mulan năm 2020 - phiên bản người đóng chuyển thể từ nguyên tác hoạt hinh kể trên - thực chất vẫn là một xuất phẩm do Hollywood chỉ đạo thực hiện dù sở hữu câu chuyện, bối cảnh, cùng dàn sao Hoa ngữ.
Tại quê hương Trung Quốc, bên cạnh một số bộ phim truyền hình dài tập, nhân vật Hoa Mộc Lan chỉ có một lần hiếm hoi là trung tâm trong một tác phẩm điện ảnh hiện đại. Hoa Mộc Lan ra mắt năm 2009 do đạo diễn Mã Sở Thành thực hiện, có sự tham gia của Triệu Vy trong vai chính, bên cạnh Trần Khôn, Hồ Quân, Phùng Tổ Danh…
Về cơ bản, cả ba bộ phim đều thuộc dòng hành động cổ trang. Bản phim 1998 của Disney vốn là một tác phẩm hoạt hình hướng đến khán giả thiếu nhi, nên còn kết hợp thêm các yếu tố ca vũ nhạc, hài hước và giả tưởng nhằm tăng tính giải trí.
Bản phim 2009 của người Trung Quốc tập trung vào yếu tố hành động, chiến tranh, kết hợp tâm lý, hầu như không có yếu tố hài hước nên nhắm tới khán giả trưởng thành. Còn phiên bản mới nhất loại bỏ các yếu tố ca vũ nhạc, gia giảm yếu tố hài hước, giả tưởng xuống mức tối thiểu, và rốt cuộc trở thành tác phẩm có định hướng thiếu rõ ràng.
Dù được Disney đầu tư tới 200 triệu USD để sản xuất, Mulan của Lưu Diệc Phi hiện vấp phải nhiều ý kiến trái chiều tại Trung Quốc. Trên mạng xã hội quốc gia tỷ dân, nhiều người dùng chia sẻ quan điểm đây là phiên bản điện ảnh kém nhất về nhân vật Mộc Lan.
Cốt truyện và kịch bản phiên bản 2020 nhạt nhòa nhất
Xét về mặt ý tưởng cốt truyện, cả ba phiên bản điện ảnh đều lấy tích truyện kinh điển Hoa Mộc Lan giả trai, thay cha tòng quân đánh giặc làm nền tảng. Tuy nhiên, mỗi phiên bản lại có định hướng phát triển khác nhau.
Đầu tiên, bản hoạt hình năm 1998 xây dựng câu chuyện đơn giản, dễ theo dõi và nắm bắt: tập trung vào cuộc phiêu lưu đánh giặc của nhân vật chính Mộc Lan, lấy việc thay cha tòng quân làm tiền đề. Kịch bản theo cấu trúc ba hồi cơ bản, xây dựng sự kiện, nhân vật theo công thức anh hùng nữ hiệp sẵn có một cách tuyến tính, rõ ràng.
Bản thân kịch bản của bộ phim năm 1998 chứa đựng nhiều chi tiết tinh giản nặng tính ước lệ, thiếu chân thực và sai lệch logic so với thực tế, lịch sử và văn hóa. Tuy nhiên, với tính chất của một dự án hoạt hình hướng đến khán giả thiếu nhi, chuỗi chi tiết ước lệ phần nào có thể thông cảm được.
Phiên bản năm 2020 của Lưu Diệc Phi thực tế là bản làm lại của bộ phim năm 1998 với các sự kiện chính hầu như không thay đổi. Điều này trở thành điểm trừ khi bộ phim trở nên cũ kỹ, sơ sài. Các chi tiết ước lệ không được cải biên phù hợp trở nên phi lý, thiếu thuyết phục trong bối cảnh live-action.
Thêm vào đó, một số chi tiết mới được thêm vào như tài năng thiên bẩm vượt trội của nữ chính hay yếu tố nữ quyền đều xuất hiện hoặc sơ sài, hoặc cực đoan, lệch lạc. Nam giới trong phim có lúc thể hiện sự coi thường nữ giới một cách gượng ép, thiếu thuyết phục.
Ngược lại, bản phim Trung Quốc năm 2009 không đi theo lối mòn của bản 1998 đã quá nổi tiếng, mà tập trung đi sâu phát triển yếu tố tâm lý, tình cảm phái yếu bên trong con người nhân vật nữ chính Mộc Lan, thông qua các câu chuyện, sự kiện đậm tính cá nhân. Không phải khán giả nào cũng đồng tình với hướng đi này, nhưng đây vẫn là sự sáng tạo cần thiết để làm mới tích truyện dân gian vốn đã quá quen thuộc.
Mộc Lan - từ thú vị, đa cảm tới thô cứng
Nữ chính Mộc Lan trong bản phim hoạt hình năm 1998 được xây dựng tương đối thành công. Đây là nhân vật có ngoại hình cá tính, tính cách tự nhiên. Sự trưởng thành của Mộc Lan được xây dựng chỉn chu xuyên suốt tác phẩm, giúp khán giả dễ dàng đồng cảm và thấu hiểu chuyến hành trình, cảm xúc nhân vật.
Phần lồng tiếng chất lượng của nữ diễn viên Ming-Na Wen và giọng hát truyền cảm của ca sĩ Lea Salonga càng khiến nhân vật trở nên sống động, thú vị.
Phiên bản năm 2009 chọn hướng đi mới khi tập trung khai thác yếu tố tâm lý của một nữ nhi trước những sóng gió mà cô gặp phải khi dấn thân vào con đường binh nghiệp, chứ không chỉ là thử thách phải giữ kín danh tính bản thân.
Mộc Lan của Triệu Vy phải trải qua cảm xúc của một nữ nhi lần đầu ra trận, lần đầu giết người, rồi cảm giác mất đi tri kỷ, căm ghét chiến trận… Cô lúc mạnh mẽ, lúc yếu đuối, để rồi chiến thắng bản thân, gồng mình đứng dậy nhằm giữ trọn hai chữ trung nghĩa.
Những điều này khiến Hoa Mộc Lan của Triệu Vy trở nên đa cảm, chân thực và gần gũi hơn. Diễn xuất của “én nhỏ” khá trọn vẹn khi cô thể hiện tốt các nét cảm xúc của nhân vật, dù đôi lúc vẫn còn ủy mị thái quá.
Thêm một lần nữa, bản 2020 lại khiến khán giả thất vọng khi cố gắng lặp lại hình tượng nhân vật của bản 1998 một cách máy móc nhưng bất thành.
Bộ phim cố gắng đưa vào thêm yếu tố “Khí” - tài năng thiên bẩm mà nữ chính có được - nhằm thể hiện lý tưởng nhân vật phải cố che giấu năng lực bản thân trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ. Nhưng điều đó được thể hiện trên màn ảnh quá hời hợt và nhạt nhòa, thậm chí trở nên “lợi bất cập hại” khi biến nhân vật của Lưu Diệc Phi như thành siêu anh hùng đơn điệu, một chiều.
Thêm vào đó, diễn xuất hạn chế của “thần tiên tỷ tỷ” càng khiến nhân vật trở nên yếu kém. Gương mặt cô thiếu cảm xúc từ đầu tới cuối, khó khiến khán giả đồng cảm với nhân vật.
Lãng phí hình tượng nam thứ
Bên cạnh nữ chính Mộc Lan, không thể không nhắc đến các nhân vật nam thứ xuất hiện bên cạnh cô.
Trong bản hoạt hình, nhân vật đội trưởng Lý Tường được xây dựng mẫu mực, thể hiện tốt hình tượng nhân vật người lính trẻ mạnh mẽ, nghiêm túc, có tính kỷ luật cao, nhưng cũng khá hài hước và thấu tình đạt lý. Tuy nhiên, mối quan hệ và tương tác giữa anh và Mộc Lan về cơ bản chỉ dừng ở mức đồng đội.
Trong bản phim 2020, Lý Tường được thay thế bằng Trần Hồng Huy (Yoson An) - chàng trai cũng là một tân binh như Mộc Lan. Việc đặt hai nhân vật vào vị trí đồng cấp giúp tương tác giữa cả hai có cơ hội phát triển tốt hơn. Tiếc là Trần Hồng Huy chưa để lại ấn tượng nào đáng kể. Mối quan hệ giữa cả hai không có đủ thời gian để xây dựng phát triển và bị lãng phí.
Trở lại bản phim năm 2009, Hoa Mộc Lan chọn hướng đi hoàn toàn khác khi Văn Thái (Trần Khôn) là nhân vật nam chính, có vai trò và thời lượng quan trọng không kém nhân vật của Triệu Vy.
Hình tượng Văn Thái được xây dựng mới mẻ và thú vị từ ngoại hình đến tính cách. Anh có tài, rất nghiêm túc, nhưng vẫn mang nét lãng tử ngang tàng, đồng thời cũng có một bí mật cần che giấu như Mộc Lan.
Mộc Lan - Văn Thái từ chỗ là bạn bè trở thành cặp bài trùng trên chiến trường, để rồi hóa tri kỷ. Là tâm điểm của bộ phim năm 2009, đây là mối quan hệ được xây dựng sâu sắc và đáng nhớ nhất trong các bộ phim về Mộc Lan. Ngoại hình và diễn xuất của nam diễn viên Trần Khôn cũng rất phù hợp với nhân vật.
Dàn nhân vật phụ mờ nhạt
Mulan năm 1998 sở hữu hệ thống nhân vật phụ đáng khen: từ người cha của Mộc Lan già cả, bệnh tật nhưng lúc nào cũng thương con, trung quân ái quốc, cho đến nhóm tân binh huynh đệ Yao, Ling, Chien-Po mỗi người một cá tính, cùng chú rồng nhỏ lắm lời nhưng tốt bụng và nhiệt thành Mushu. Tất cả đều để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả nhờ ngoại hình, cá tính rõ ràng, chuyên biệt.
Bản phim 2009 đã học tập điều này từ bản hoạt hình 1998, với hệ thống nhân vật tương đồng về ngoại hình và cá tính. Trong đó, chú rồng Mushu được thay thế bằng nhân vật Tiểu Hổ (Phùng Tổ Danh) - anh chàng tiểu đệ tốt bụng nhưng cũng không kém phần rắc rối của Mộc Lan. Do bộ phim tập trung vào mối quan hệ Mộc Lan - Văn Thái nên tuyến nhân vật phụ có phần lép vế hơn, nhưng họ vẫn có điểm nhấn riêng.
Với bản phim mới nhất, Disney loại bỏ nhân vật giả tưởng Mushu, thay thế bằng một nhân vật giả tưởng khác là phù thủy Tiên Nương (Củng Lợi). Nỗ lực làm mới này chưa đủ thành công.
Không chỉ Tiên Nương mà nhóm nhân vật phụ còn lại đều không để lại điểm nhấn nào đáng kể, hoặc do thời lượng hạn chế, hoặc do tính cách được xây dựng bất hợp lý, tiền hậu bất nhất.
Nhân vật phản diện chính của cả ba tác phẩm điện ảnh đều là thủ lĩnh phiến quân phương Bắc lăm le xâm phạm lãnh thổ Trung Nguyên, từ Shan Yu (Miguel Ferrer) cho đến Môn Độc (Hồ Quân) và Bori Khan (Jason Scott Lee).
Trong đó, Shan Yu và Bori Khan được xây dựng tương đồng, với hình tượng thủ lĩnh lạnh lùng, hiếu chiến, cùng sức mạnh tuyệt luân sẵn sàng lao vào chiến trận. Tuy nhiên, nếu phản diện của bản hoạt hình được xây dựng trọn vẹn, thống nhất từ đầu đến cuối, thì ở phiên bản người đóng, đây chỉ là nhân vật “đầu voi đuôi chuột”.
Bori Khan ban đầu để lại ấn tượng tốt với sức mạnh không hề tầm thường, cùng mục tiêu rõ ràng, quyết đoán. Nhưng càng về cuối, hắn càng hành động bất thường theo ý đồ gượng ép của biên kịch. Kết quả là nhân vật bị phí phạm khi phải làm nền cho nữ chính tỏa sáng.
Còn Môn Độc trong bản phim 2009 lại được xây dựng theo hướng khác, chủ yếu thông qua sự gian xảo, tàn độc, chứ không phải qua sức mạnh uy vũ, bá đạo. Tuy nhiên, bản thân nhân vật chưa được phát triển tốt nên mới chỉ thể hiện được sự nguy hiểm ở bề ngoài.
Không phải cứ nhiều tiền là hay
Xét về mặt kỹ thuật, bản hoạt hình 1998 có chất lượng sản xuất hợp lý, với hiệu ứng hình ảnh không quá nổi bật về thiết kế mỹ thuật, nhưng các nhân vật sở hữu thiết kế đậm chất Á Đông, cử động mượt mà, biểu cảm tốt. Là một tác phẩm ca vũ nhạc, phần âm nhạc có sự đầu tư với giai điệu bất hủ Reflection do Lea Salonga và Christina Aguilera thể hiện.
Nếu tính trên mặt bằng điện ảnh Trung Quốc, Hoa Mộc Lan năm 2009 có kinh phí cao, với các đại cảnh hành động, chiến tranh được dàn dựng công phu, hoành tráng, nguồn nhân lực đông đảo. Nhiều pha hành động trong phim diễn ra dài hơi, kích thích khán giả.
Phần hình ảnh bộ phim phủ một tông màu xanh xám bụi bặm, thể hiện rõ bối cảnh u ám của thời chiến. Phần âm nhạc không quá đa dạng, nhưng được biên tập tốt, tạo cảm xúc bi tráng và thúc đẩy cảm xúc người xem ở các trường đoạn tâm lý.
Bản phim năm 2020 của Lưu Diệc Phi sở hữu nguồn kinh phí khổng lồ lên đến 200 triệu USD. Song, kết quả thu được không tương xứng với quy mô. Điều nổi bật nhất mà bộ phim làm được là phần hình ảnh rực rỡ, bắt mắt với nhiều bối cảnh đa sắc.
Tuy nhiên, với khán giả khó tính, phần thiết kế sản xuất, mỹ thuật của bộ phim vẫn chưa đạt yêu cầu do bối cảnh nhà cửa, phục trang, binh khí… còn hỗn tạp, có nhiều sai lệch về mặt thực tế lịch sử.
Phim không có nổi một đại cảnh hành động, dàn trận chiến tranh tử tế, chứ chưa nói đến hoành tráng hay kịch tính. Các phân cảnh hành động lạm dụng kỹ xảo nên diễn ra nhạt nhòa, không tạo được cảm xúc kích thích cho khán giả.
Về mặt giải trí, có thể nói phiên bản Mulan mới ra mắt thua kém hơn hẳn so với hai bộ phim ra đời trước nhiều năm, dù có nguồn kinh phí và đầu tư hoàn toàn vượt trội.