Tại sao miền Bắc có mưa ngâu và mưa ngâu diễn ra vào những ngày nào theo dân gian?
Miền Bắc nước ta đang có đợt mưa kéo dài, người dân từ xưa gọi là mưa ngâu. Tại sao mưa ngâu lại xảy ra ở miền Bắc vào thời điểm này, và theo kinh nghiệm dân gian thì mưa ngâu thường diễn ra vào những ngày nào, bao giờ mới hết?
Sáng nay, 13/8, ở Thủ đô Hà Nội có mưa nhỏ lất phất, lúc mưa lúc tạnh đúng với cách mà người dân từ xưa vẫn gọi là mưa ngâu. Còn ở phía Tây Bắc Bộ, nhiều nơi đã và đang có mưa to. Trong 24 giờ (từ 8h ngày 12/8 đến 8h ngày 13/8), lượng mưa ở Xuân Phong 2 (Hòa Bình) là 165,8mm; Hủa Pang 2 (Sơn La) 138,6 mm; Sơn Thịnh (Yên Bái) 128,6 mm…, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Tại sao miền Bắc nước ta lại có mưa diện rộng kéo dài vào thời điểm tháng 7 Âm lịch? Theo khoa học thì đó là do hoạt động của rãnh thấp xích đạo, tức là một dải áp thấp ở khu vực xích đạo. Vào thời điểm tháng 7 Âm lịch (khoảng tháng 8 đến tháng 9 Dương lịch), ở miền Bắc nước ta còn chịu ảnh hưởng của những loại gió khác nhau (chẳng hạn như gió Đông - Đông Nam từ Biển Đông và gió Tây - Tây Nam, có lúc có cả gió Bắc), gió còn thay đổi liên tục trong ngày, tạo thành dải hội tụ nhiệt đới với những đám mây lớn tập trung lại.
Những điều trên (hoạt động của dải áp thấp và sự tập hợp của mây) gây mưa ở miền Bắc trong nhiều ngày, thông thường là mưa nhỏ, nhưng cũng có khi có mưa lớn và dông.
Theo kinh nghiệm dân gian thì mưa ngâu “vào mùng 3, ra mùng 7” (của tháng 7 Âm lịch), tức là mưa bắt đầu vào ngày 3 và dừng vào ngày 7, rồi bắt đầu vào ngày 13 và dừng vào ngày 17, rồi bắt đầu vào ngày 23 và kết thúc vào ngày 27 (năm nay 27/7 Âm lịch là 30/8 Dương lịch). Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu nên cách tính thời điểm mưa theo kinh nghiệm cổ xưa không còn chính xác trong những năm gần đây. Nhưng việc có mưa kéo dài ở miền Bắc vào tháng 7 Âm lịch thì vẫn vậy.
Theo dự báo hiện tại, đợt mưa ngâu này vẫn tiếp diễn trong khoảng 10 ngày nữa nhưng không liên tục, xen giữa vẫn là những buổi/ ngày khá nóng, dù nhiệt độ không cao đến mức nắng nóng.