Tại sao chúng ta…sợ hãi?

Nỗi sợ xuất hiện từ thuở bình minh trong lịch sử loài người. Người nguyên thủy nhìn lên bầu trời, thấy mặt trăng và tự hỏi trong sợ hãi: cái vòng tròn lúc thì màu vàng chóe, lúc thì màu bàng bạc rốt cuộc ẩn chứa một bí ẩn nào? Và từ những nỗi sợ hãi như thế, những tôn giáo đầu tiên được sinh ra...

Người nguyên thủy sợ mặt trăng cũng giống như chúng ta bây giờ đang sợ dịch bệnh nhưng khác với người nguyên thủy, phần lớn chúng ta không hóa giải nỗi sợ bằng những hành vi tôn giáo mà bằng những biện pháp lý tính của mình.

Chúng ta chờ đợi cái ngày một liều vaccine hữu hiệu nhất được điều chế, liều vaccine ngăn ngừa dịch bệnh và cũng đồng thời giống như mũi giáo đâm thủng bóng tối sợ hãi trong lòng chúng ta.

Nhưng trong lúc chưa tìm được vaccine thì sao? Chúng ta, không có cách nào khác, buộc phải sống chung với bóng tối sợ hãi cứ lẩn vẩn trong tâm trí mình? Điện ảnh Việt Nam có một bộ phim gây tranh cãi một thời: Bi, Đừng sợ! Khi chúng ta nhắc nhau “đừng sợ” cũng là khi chúng ta hiểu rõ sự hiện hữu của nỗi sợ trong cuộc sống này. Cho nên, khi chúng ta bảo “Bi, đừng sợ” nhưng Bi cứ sợ thì sao? Bi - nhân vật chính trong phim là một cậu bé. Nhưng, đây không chỉ là câu chuyện về nỗi sợ của một cậu bé trong một bộ phim cụ thể.

Khi nỗi sợ đã bủa vây trong cộng đồng mình, rất có thể trong mỗi chúng ta lại có một “cậu bé Bi”. Một đối tượng nào khác ngoài chúng ta sẽ nói với chúng ta: Này, Bi, đừng sợ! Rồi chúng ta cũng sẽ nói với những đối tượng khác (ngoài mình) như vậy. Nhưng rồi tất cả chúng ta đều hiểu, nếu chỉ nhờ vài câu nói mà nỗi sợ tan biến thì xem ra nỗi sợ tầm thường quá.

Không! Nỗi sợ không bao giờ tầm thường như thế. Nỗi sợ bám víu chúng ta cả một kiếp người. Đầu tiên là giai đoạn chúng ta rời bụng mẹ, để chính thức tồn tại trên cõi đời này. Một hài nhi mới ra đời, chưa có ý thức nên chưa biết sợ? Lầm!

Theo nhà phân tâm học Otto Rank - tác giả của cuốn Tổn thương sinh nở thì tất cả chúng ta đều chịu một cảm giác rối loạn căng thẳng vì tổn thương tâm lý sau khi rời bụng mẹ. Và trong cái hỗn hợp rối loạn đó, thật khó tin nếu không tồn tại cái gọi là “nỗi sợ”.

Chỉ có điều tất cả những rối loạn ấy sẽ chui vào một vùng mà những nhà phân tâm học gọi là “vô thức”, để rồi đến một lúc nào đó, khi được vẫy gọi bởi một chìa-khóa-tâm-lý nào đó, chúng sẽ vùng thoát khỏi vô thức để hiện hữu như một thứ ký ức về nỗi sợ trong đầu óc chúng ta. Lớn lên một chút thì nỗi sợ hình thành trong mỗi cá thể người rõ rệt hơn. Có đủ thứ để sợ mà có lẽ sợ nhất trong những nỗi sợ chính là “ông ba bị”.

Ông ấy là ai? Chịu! Ông ấy có mặt mũi ra sao? Chịu! Ông ấy nói năng như thế nào? Chịu! Nhưng chắc chắn chỉ cần nghe bố mẹ bảo: “Nếu hư, ông ba bị bắt đi ngay”, nhiều đứa trẻ đã sợ run người. Lớn hơn nữa, một mặt ta vừa sợ những điều vô hình kiểu như “ông ba bị”, lại vừa sợ những điều hữu hình như: sợ bố mẹ, sợ thầy cô, sợ bạn bè và sợ... nhỡ đâu ả ấy từ chối lời tỏ tình chân thật của mình? Đến khi cưới được ả ấy rồi, cùng ả tạo lập một gia đình thì có thể lại là nỗi sợ “gia đình mình không bằng gia đình nhà nó”.

Rồi đến khi về già, biết chắc chắn rằng “gia đình mình hơn hẳn gia đình nó” thì chúng ta vẫn sợ: đó là sợ chết. Nói tóm lại, có cả ti tỉ nỗi sợ trong một kiếp người, trong đó có những nỗi sợ như những mẫu số chung cho từng giai đoạn phát triển của một đời người. Lại có cả những nỗi sợ giống như mẫu số chung cho một thành phố/một đất nước/một nhân loại khi thiên tai/dịch bệnh/chiến tranh bất thình lình ập đến.

Trước những sự kiện bất thình lình, không thể dự báo, chỉ có thánh nhân xem ra mới không sợ hãi. Phàm đã là người thường, sợ hãi là điều tất yếu phải xảy ra. Cho nên, vấn đề đáng bàn tiếp theo là phải đối diện với nỗi sợ như thế nào. Để biết phải đối diện với nó như thế nào nhất định phải hiểu nó được sinh ra theo cơ chế nào. Rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu cơ chế này, một trong số đó là Adam Perkins (nhà thần kinh học tại Bệnh viện Maudsley, Anh).

Sau khi thực hiện hàng loạt thí nghiệm, thậm chí biến mình thàm một phần của các thí nghiệm, nhà khoa học này kết luận: trong não người có cả một khu vực được định danh là “trung tâm của nỗi sợ”. Khu vực này nằm ở trung tâm não, cũng chính là khu vực kiểm soát trí nhớ và năng lực nhận thức của con người. Cứ khi nào trạng thái sợ hãi xuất hiện thì người ta lại ghi được những hình ảnh là các vùng phát sáng giống như một đám pháo hoa ở vùng não này.

Một nghiên cứu nổi tiếng khác về nỗi sợ là của nhà tâm lý học Maraget. Theo đó, có một cái hạch vốn hình thành và điều khiển cảm giác sợ hãi của con người, được đặt tên là hạch amygdala. Khi đối diện với những tình huống hiểm nghèo, tác động tới sự sinh tồn, não sẽ giải phóng một lượng lớn adrenaline và chất này khiến hạch amygdala hoạt động. Kể từ giây phút này, một nỗi sợ hãi hình thành trong ta, ăn sâu vào tiềm thức ta và có thể bật trở dậy bất cứ lúc nào trong đời sống tinh thần của chúng ta.

Các nghiên cứu về cơ chế nỗi sợ của Adam Perkins và Maraget rất đáng tham khảo nhưng từ những nghiên cứu đến việc tìm ra một thứ thuốc giải cho nỗi sợ hoặc những giải pháp trị liệu, “đánh” vào “vùng não sợ hãi” hay hạch amygdala lại là một câu chuyện dài.

Ảnh: L.G

Ảnh: L.G

Một số nhà thần kinh học cho rằng ngay cả khi tìm ra một thứ biệt dược trị liệu vùng não và cái hạch nhạy cảm này thì có thể nó cũng chỉ là những giải pháp “ngắt cơn” tạm thời. Và như thế, sau giai đoạn “ngắt cơn”, nỗi sợ hãi giống như một con mãnh thú đang ẩn mình trong bóng tối, lại có thể lao ra đe dọa chúng ta bất cứ lúc nào.

Khác với các nhà thần kinh học hay tâm lý học, Đức Phật không giải mã nỗi sợ từ xuất phát điểm của bộ não. Theo quan điểm của Đức Phật, sợ hãi, lo lắng, kém cỏi, thiếu hiểu biết... suy cho cùng đều là biểu hiện của vô minh. Cho nên muốn vượt qua cảm giác sợ hãi nói riêng và một tập hợp các biểu hiện vô minh nói chung thì nhất định phải chiến thắng “vô minh”. Vậy thì chiến thắng vô mình bằng cách nào? Vô minh là sản phẩm của tự ngã.

Càng tin vào tự ngã (sự hiện hữu của một cái tôi có thật) càng vô minh. Bởi tự ngã/cái tôi vốn là sản phẩm của ngũ uẩn bao gồm 5 yếu tố: sắc (vật thể), thọ (cảm giác), tưởng (tri giác), hành (tư duy), thức (nhận thức). 5 yếu tố này vốn vô thường (không vĩnh viễn), nên cái mà chúng ta quy ước bằng ngôn ngữ của mình là “cái tôi” cũng vô thường (không vĩnh viễn). Nó không không viễn, nó không có tự tánh (những tính chất, đặc điểm riêng biệt) nên bản chất của nó là vô ngã.

Và khi nào con người thoát khỏi “tự ngã” trong sự kìm nén của thế giới quan phàm tục để hiểu được “vô thường”, chạm vào “vô ngã” thì con người sẽ trở về với bản chất chân nguyên của mình. Và ở bản chất chân nguyên ấy, đương nhiên không tồn tại cái gọi là “sợ hãi”.

Đương nhiên, để đi từ “tự ngã” đến “vô ngã” phải đi qua một hành trình tu tập, mà ngôn ngữ Phật giáo gọi là “bát chánh đạo”, với đỉnh cao là “chánh kiến” và “chánh tư duy”. Đấy là một cuộc khổ luyện mà không phải bất cứ tín đồ phật giáo nào cũng làm được (chứ chưa nói gì tới những người bình thường). Nhưng là những người bình thường, chỉ cần có ý thức về “vô thường” và “vô ngã” thì chúng ta cũng ít nhiều có được một biên độ điềm tĩnh nhất định nào đó trước những biến động khôn lường của đời sống. Và biên độ điềm tĩnh nhất định ấy sẽ giúp chúng ta không để nỗi sợ phủ bóng lên mình.

Phan Mỹ Chí

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/tai-sao-chung-ta-so-hai-587477/