Tài sản số: Khuyến nghị với nhà đầu tư

Sự phát triển của công nghệ blockchain, cùng với việc các định chế tài chính truyền thống ngày càng quan tâm đến lĩnh vực tài sản số, đã tạo ra một bức tranh đa chiều về cơ hội và thách thức với thị trường này.

Mối gắn kết chặt chẽ với đầu tư tài chính truyền thống

Trước đây, nhiều người cho rằng, tài sản số hoàn toàn độc lập với thị trường truyền thống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mối tương quan giữa hai thị trường này ngày càng rõ nét. Trong giai đoạn 2022 - 2024, Bitcoin thường có xu hướng biến động cùng chiều với cổ phiếu công nghệ, đặc biệt khi có các sự kiện vĩ mô quan trọng như thay đổi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo số liệu từ Morningstar, hệ số tương quan giữa Bitcoin và chỉ số S&P 500 đã tăng từ -0,09 năm 2019 lên 0,36 năm 2021, phản ánh sự trưởng thành của thị trường tài sản số và sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư tổ chức truyền thống. Đến đầu năm 2025, hệ số tương quan này đạt mức 0,88 dựa trên trung bình động 20 ngày (theo Coindesk), phản ánh mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa hai thị trường.

TS. Hà Xuân Sơn, Đại học RMIT Việt Nam

TS. Hà Xuân Sơn, Đại học RMIT Việt Nam

Đáng chú ý, khối lượng giao dịch trên thị trường tài sản số thường tập trung vào các khung giờ nhất định trong ngày, nhất là thời điểm các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu mở cửa. Điều này tạo ra cơ hội cho các nhà giao dịch nhanh nhạy tận dụng sự chênh lệch giá giữa các thị trường.

Token hóa tài sản cũng đang mở ra những cơ hội mới. Một minh chứng điển hình là bất động sản có thể được chia nhỏ thành nhiều token, cho phép nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia với số vốn thấp hơn. Theo số liệu đăng tải bởi Forbes, giá trị thị trường của các token bất động sản đạt 2,7 tỷ USD vào năm 2022. Báo cáo từ Custom Market Insights cho thấy, con số này đã tăng lên 3,5 tỷ USD vào năm 2024.

Không chỉ bất động sản, token hóa còn được áp dụng cho nhiều loại tài sản khác như tác phẩm nghệ thuật, sở hữu trí tuệ, thậm chí cả cổ phần của các công ty tư nhân. Ví dụ điển hình là dự án của Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX), trong đó trái phiếu doanh nghiệp được phát hành dưới dạng token, giúp giảm chi phí phát hành và tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu.

Triển vọng đầu tư và sự phát triển đa dạng

Các tổ chức tài chính lớn đang ngày càng quan tâm đến tài sản số. BlackRock, Fidelity và nhiều công ty khác đã ra mắt các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Bitcoin, tạo điều kiện cho việc đầu tư một cách chuyên nghiệp và an toàn hơn. Đầu năm 2024, ETF IBIT của BlackRock đã thu hút hơn 10 tỷ USD chỉ trong tháng đầu tiên ra mắt. Ngoài ETF, các ngân hàng đầu tư cũng đã triển khai dịch vụ lưu ký tài sản số cho khách hàng tổ chức. Bank of New York Mellon, ngân hàng lưu ký lớn nhất thế giới, đã triển khai nền tảng lưu ký tiền mã hóa vào năm 2022, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tích hợp tài sản số vào hệ thống tài chính truyền thống.

Về phía nhà đầu tư nhỏ lẻ, số lượng ví tiền mã hóa tăng nhanh. Theo TheCryptoBasic, số lượng ví Bitcoin đang hoạt động đã vượt 1 triệu vào đầu năm 2024, tăng 25% so với 1 năm trước đó. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, con số này giảm xuống còn khoảng 496.000 địa chỉ hoạt động hằng ngày, phản ánh sự biến động trong mức độ tham gia của người dùng.

Đặc biệt, các ứng dụng DeFi (tài chính phi tập trung) đang tạo ra những cơ hội đầu tư mới cho người dùng nhỏ lẻ. Họ có thể tham gia cho vay, cung cấp thanh khoản và kiếm lợi nhuận từ phí giao dịch mà không cần thông qua các trung gian tài chính truyền thống. Tổng giá trị tài sản được khóa lại trong các ứng dụng DeFi đạt 55,75 tỷ USD vào đầu năm 2024 và tăng lên 119,72 tỷ USD vào cuối năm 2024 (theo Statista).

Tại các nước đang phát triển, tài sản số đang trở thành công cụ hữu ích cho việc chuyển tiền xuyên biên giới. Chẳng hạn, tại Nigeria và Philippines, nhiều người lao động đã sử dụng stablecoin để chuyển tiền về nhà với chi phí thấp hơn và tốc độ nhanh hơn so với các kênh truyền thống. Theo World Bank, chi phí chuyển tiền truyền thống trung bình toàn cầu là 6,2% giá trị giao dịch trong quý IV/2023, trong khi chi phí chuyển tiền qua stablecoin thường dao động từ 0,1% đến 1%, tùy thuộc vào nền tảng và mạng blockchain được sử dụng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa tại các quốc gia có nhiều lao động xuất khẩu như Việt Nam.

Thách thức và rủi ro cần được cân nhắc

Thứ nhất, về quy định và tuân thủ. Nhiều quốc gia đang siết chặt quy định về tài sản số, bao gồm quy định về KYC (xác minh khách hàng) và AML (chống rửa tiền). Điều này có thể ảnh hưởng đến tính linh hoạt của thị trường, nhưng giúp bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.

Tại Mỹ, Ủy ban Giao dịch và chứng khoán (SEC) đã tăng cường giám sát các dự án tiền mã hóa, đặc biệt là các token được coi là chứng khoán. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã thông qua quy định MiCA (Markets in Crypto-Assets), tạo ra khung pháp lý toàn diện đầu tiên cho tài sản số trên thế giới.

Tại Việt Nam, vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa, trong đó đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước).

Thứ hai, về bảo mật và rủi ro hệ thống. Các vụ hack và lừa đảo vẫn là mối đe dọa lớn. Theo Chainalysis, thiệt hại do các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền điện tử trong năm 2024 ít nhất là 9,9 tỷ USD, dự báo con số này có thể tăng lên mức 12,4 tỷ USD sau khi có thêm dữ liệu về các cuộc tấn công. Gần đây, vụ sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới là ByBit bị trộm 1,5 tỷ USD đã gây chấn động thị trường. Vụ việc này cho thấy, ngay cả những hệ thống được cho là an toàn nhất cũng có thể tồn tại lỗ hổng bảo mật. Việc bảo vệ tài sản số an toàn đòi hỏi kiến thức chuyên môn và công cụ phù hợp.

Một rủi ro khác là sự phụ thuộc vào các sàn giao dịch tập trung. Vụ sụp đổ của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX năm 2022 là một ví dụ điển hình về việc tập trung quá nhiều tài sản vào một điểm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho toàn thị trường.

Thứ ba, về ESG và tính bền vững. Vấn đề tiêu thụ năng lượng trong khai thác Bitcoin và các tiền mã hóa khác đang gây ra nhiều tranh cãi. Theo Cambridge Bitcoin Electricity Consumption Index, mạng lưới Bitcoin tiêu thụ hơn 170 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm, tương đương với mức tiêu thụ của một quốc gia có quy mô trung bình.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang có những bước chuyển đổi tích cực. Nhiều công ty khai thác đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo và các blockchain thế hệ mới đang áp dụng cơ chế đồng thuận tiết kiệm năng lượng hơn như Proof of Stake.

Thứ tư, về cạnh tranh và tập trung hóa. Sự cạnh tranh giữa các blockchain và tiền mã hóa ngày càng gay gắt. Điều này có thể dẫn đến việc một số dự án nhỏ phải đóng cửa hoặc sáp nhập, ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Xu hướng này có thể dẫn đến sự tập trung hóa, trái với nguyên tắc phi tập trung ban đầu của công nghệ blockchain.

Có thể nói, thị trường tài sản số đang trải qua giai đoạn chuyển mình quan trọng. Sự tham gia của các tổ chức tài chính lớn và khung pháp lý rõ ràng hơn giúp thị trường dần trưởng thành. Thanh khoản tăng và các công cụ đầu tư mới như ETF giúp thu hút thêm vốn từ các nhà đầu tư truyền thống.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng, tìm hiểu kỹ và đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro. Các thách thức về quy định, bảo mật và tính bền vững cần được giải quyết để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Triển vọng dài hạn vẫn tích cực, đặc biệt khi công nghệ blockchain tiếp tục phát triển và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Việc token hóa các tài sản truyền thống và sự phát triển của DeFi có thể tạo ra những cơ hội đầu tư mới và thúc đẩy sự đổi mới trong ngành tài chính.

Ông Jan Van Eck, Tổng giám đốc điều hành VanEck

Việt Nam khởi đầu tiến trình phát triển thị trường tài sản số nên bắt đầu bằng quỹ ETF, vì đó là điểm xuất phát mà nhiều quốc gia đã áp dụng.

ETF dễ tiếp cận, minh bạch và phù hợp với các nhà đầu tư đại chúng. Trong đó, ETF tài sản số, đặc biệt là Bitcoin ETF, đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thị trường tài sản số ra khỏi vùng “xám” và tiến gần hơn đến hệ thống tài chính chính thức. Mua ETF Bitcoin rẻ hơn nhiều so với mua trên Coinbase.

ETF có lộ trình rõ ràng, minh bạch và tuân thủ pháp luật - điều mà nhiều nhà đầu tư ngày càng coi trọng, nhất là khi tài sản số bước vào giai đoạn trưởng thành. Thông qua ETF, nhà đầu tư có thể mua vào, rút ra mỗi ngày, đặc biệt trong bối cảnh trước khi ETF Bitcoin được chấp thuận. Đây là cách mà nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Mỹ mua Bitcoin gián tiếp, thông qua tài khoản môi giới, mà không cần hiểu về công nghệ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cần có thêm nhiều sản phẩm đa dạng, hấp dẫn, bao gồm ETF tài sản số. Trở ngại không nằm ở việc triển khai sản phẩm ETF, mà là câu chuyện khung pháp lý làm sao để bảo vệ tài sản số.

Cách đây vài tuần, một vụ tấn công lớn tại châu Á khiến lượng Ethereum (loại crypto có vốn hóa thứ hai sau Bitcoin) trị giá 1,5 tỷ USD bị đánh cắp (hacked).

Hiện chưa có ai đảm bảo an toàn cho quỹ ETF dành cho Bitcoin. Ngay cả ở Mỹ, với 11 ETF Bitcoin đã được cấp phép, cũng không có một tổ chức nào thực sự đảm bảo an toàn 100% Bitcoin trong những quỹ ETF đó. Các quỹ thường giao việc lưu ký cho bên thứ ba, nhưng tính bảo mật và bảo vệ tài sản vẫn luôn có một khoảng trống.

Với Việt Nam, đây sẽ là bài toán không thể bỏ qua nếu muốn xây dựng một thị trường tài sản số vừa minh bạch, vừa hiệu quả. Giao dịch các đồng token cần có cơ chế quy định rõ ràng, minh bạch từ đầu. Các nhà đầu tư có quyền biết các dự án token dùng để làm gì.

TS. Hà Xuân Sơn / Đại học RMIT Việt Nam

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tai-san-so-khuyen-nghi-voi-nha-dau-tu-post366414.html