Tái cơ cấu nông nghiệp thúc đẩy Giồng Riềng phát triển
Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) phát huy lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển nông nghiệp, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Bài 1: Sức bật từ nông nghiệp
Nông nghiệp có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nên tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hướng đi phù hợp của huyện Giồng Riềng. Để tái cơ cấu ngành nông thành công, Giồng Riềng đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ của người dân sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung. Từ đó, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp không ngừng tăng lên.
TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP
Lúa được xem ngành hàng số một của huyện Giồng Riềng trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Năm 2023, diện tích trồng lúa của huyện là 46.659ha, trong đó lúa chất lượng cao chiếm trên 98%, năng suất bình quân năm 2023 là 6,7 tấn/ha, tổng sản lượng lương thực 807.133 tấn, đạt 112,78% kế hoạch.
Tính đến tháng 4-2024, huyện thu hoạch dứt điểm 46.679ha lúa đông xuân 2023-2024 năng suất 8,4 tấn/ha. Vụ lúa hè thu gieo sạ 46.763ha, đạt 100,24% so kế hoạch; thu hoạch trên 30.000ha, ước năng suất đạt 5,7 tấn/ha…
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng, năm 2024 huyện triển khai thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Đề án chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 2024-2025 thực hiện 14.000ha; năm 2026-2030 thực hiện 13.000ha giúp nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao.
Ngoài lúa, cây màu cũng góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Hiện Giồng Riềng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 1.600ha, tăng 634ha so với năm 2020. Người dân sản xuất rau màu chuyên canh và luân canh trên đất lúa được duy trì và mở rộng diện tích sản xuất khoảng 1.250ha; trồng rau, màu, các loại cây ăn trái… trên bờ bao, liếp vườn, đất ruộng khoảng 5.000ha; năng suất đạt từ 25-30 tấn/ha, góp phần gia tăng giá trị sản xuất.
Ngành nông nghiệp huyện đã xây dựng và phát triển 27 loại mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, với 799 hộ tham gia, tổng diện tích 768ha, tăng 15 loại mô hình và 208ha so với năm 2015. Cụ thể mô hình chuyên canh cây sầu riêng, măng cụt, dâu xanh kết hợp du lịch sinh thái; mô hình 2 lúa, 1 rau màu bờ bao; mô hình 2 lúa, 1 cá, rau màu bờ bao; mô hình 2 màu, 1 lúa; mô hình tràm nuôi ong mật, cá đồng; mô hình 2 lúa, 1 cá… đem lại thu nhập từ 100 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm…
Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng Huỳnh Văn Thái Quỳnh cho biết thời gian tới, huyện tập trung phát triển ngành nông nghiệp đi vào chiều sâu, toàn diện, đẩy mạnh phát triển theo hướng sản xuất hữu cơ. Đến nay huyện đã thực hiện 686ha lúa theo hướng hữu cơ, phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
THỬ NGHIỆM SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ
Mặc dù không được chọn thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh nhưng huyện Giồng Riềng đã mạnh dạn triển khai tuyên truyền, hướng dẫn và có những chính sách hỗ trợ chi phí sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ, giúp nông dân dần thay đổi tư duy sản xuất lúa từ sử dụng phân bón hóa học chuyển dần sang sử dụng phân bón hữu cơ.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ là phương pháp trồng lúa sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để bón cho cây lúa. Đây là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho nông dân. Khi tham gia mô hình người dân sẽ được hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Ngoài ra, người dân còn được huyện hỗ trợ 30% chi phí sản xuất. Sau khi được các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, nông dân Trần Minh Đức (Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Hòa Lợi, xã Hòa Thuận), thành viên Hợp tác xã nông nghiệp nông dân Hòa Lợi đăng ký tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 1ha. Ông Đức sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, bắt đầu từ vụ lúa hè thu năm 2023. “Sau khi áp dụng theo hướng hữu cơ cây lúa chắc, khỏe, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn, đạt từ 150-200kg/công lúa”, ông Đức nói.
Sau khi trồng thử nghiệm có hiệu quả vụ lúa hè thu năm 2023, ông Trần Minh Đức quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất 3ha sang trồng lúa hữu cơ, đến nay, ông Đức đã trồng được 3 vụ. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng lúa theo phương pháp hữu cơ nên ruộng lúa của gia đình đồng chí phát triển tốt, ít sâu bệnh, giúp tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng lợi nhuận; quan trọng là hệ sinh thái trên đồng ruộng có dấu hiệu được phục hồi, giảm thiểu tác hại của phân bón hóa học ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
“Nếu trồng lúa theo kiểu truyền thống vụ đông xuân thu hoạch khoảng 1-1,1 tấn/công, nhưng sản xuất lúa hữu cơ vụ đông xuân vừa qua tôi thu hoạch cao hơn 80kg/công; lãi suất từ 7-8 triệu đồng/công”, ông Đức nói.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng Trần Hoàng Trọng cho biết mô hình sản xuất lúa hữu cơ được huyện triển khai từ vụ lúa hè thu năm 2023, có 185ha; đến vụ thu đông người dân tham gia sản xuất gần 500ha, vụ lúa đông xuân năm 2023-2024 diện tích sản xuất tăng trên 686ha.
Với quyết tâm triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ, năm 2024 huyện Giồng Riềng tiếp tục hỗ trợ 30% chi phí sản xuất để người dân mạnh dạn chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ, nhằm giúp người dân tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất, góp phần thúc đẩy thế mạnh kinh tế nông nghiệp của huyện.
Năm 2023, huyện Giồng Riềng thực hiện đạt và vượt 33/33 chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tổng giá trị sản xuất gần 14.000 tỷ đồng, tăng 689 tỷ đồng so với năm 2022; thu nhập bình quân đạt 61,5 triệu đồng/người, tăng 3 triệu đồng so năm 2022... Các chỉ tiêu về kinh tế đạt khá và tăng so cùng kỳ năm 2022. Toàn huyện xây dựng 45 cầu bê tông với tổng kinh phí 17 tỷ đồng…
Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng Huỳnh Văn Thái Quỳnh cho biết phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển ngành nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, từ đó giúp kinh tế - xã hội huyện Giồng Riềng thêm khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước nâng cao nhờ sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Năm 2023, huyện có 313 hộ thoát nghèo giảm 0,58% so năm 2022, đạt 152,63% chỉ tiêu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,23%.