Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước: Để kỳ vọng trở thành thực tế

Với mục tiêu tạo động lực mới cho nền kinh tế, khu vực DN Nhà nước được đánh giá là một trong ba động lực quan trọng, hứa hẹn sẽ tạo đột phá cho tăng trưởng. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều việc cần phải có sự thay đổi tích cực hơn nữa…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận, quá trình tái cơ cấu DN Nhà nước vẫn chưa đạt được như mong muốn, đặc biệt là hiệu quả hoạt động của DN Nhà nước so với DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Với sự ra đời của Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17-7-2012 và nay là Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DN Nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty Nhà nước giai đoạn 2016-2020” đã cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN Nhà nước.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, trong hơn 20 năm qua, số lượng DN Nhà nước từ 12.000 đã giảm xuống còn gần 5.600 DN vào năm 2001 và đến nay chỉ còn 500 DN 100% vốn Nhà nước ở 11 ngành, lĩnh vực. Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn hơn 100 DN Nhà nước.

Tái cơ cấu DN Nhà nước cần tìm sự đột phá để những kỳ vọng có thể trở thành sự thật trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết, tình hình cổ phần hóa (CPH) DN Nhà nước diễn ra vẫn còn chậm.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, có 69 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa; trong đó 48 DN báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu và 7/48 DN không hoàn thành kế hoạch. Trong 9 tháng năm 2018, có 10 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; trong đó, đáng chú ý là Cty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường (Quân khu 5) và Tổng Cty truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) đã báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu. Tuy nhiên, VTVcab bán đấu giá không thành công.

PGS.TS Bùi Văn Vần, Trưởng khoa Tài chính DN (Học viện Tài chính) cho rằng, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNN vẫn còn thấp, chưa đạt được sự kỳ vọng và tương xứng với các nguồn lực đang nắm giữ; tiến trình sắp xếp đổi mới và thoái vốn của các DNNN chưa đạt so với yêu cầu. Đặc biệt, công tác quản trị DN của các DNNN chưa đáp ứng tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Tiến cho rằng, hoạt động của DN Nhà nước còn nhiều hạn chế như hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước. Cơ chế quản trị DN Nhà nước chậm đổi mới, chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Tính công khai, minh bạch còn hạn chế, trách nhiệm của người quản lý chưa rõ ràng.

Ông Tiến cũng chỉ rõ, một trong những điểm nghẽn trong CPH DN Nhà nước là việc sắp xếp đất đai khi CPH. Nhiều DN Nhà nước sau khi tách đất đai ra khỏi tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh không còn gì. Sắp tới, khi DN Nhà nước chuyển sang thuê đất hàng năm, ký hợp đồng thuê đất theo giá mới sẽ chênh lệch cao hơn thuê giá đất trước đây nộp ngân sách.

Đây cũng là cuộc "cách mạng" trong CPH. Đại diện Tổng Cty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Phó TGĐ Lê Song Lai cho rằng, việc thoái vốn gặp rào cản cản do pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp Thông tư. Điều này làm cho việc tham chiếu, vận dụng, giải thích văn bản gặp không ít khó khăn.

Lý do có thể nằm ở sự chồng chéo trong phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số Bộ, ngành có liên quan, như: Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính (Cục Tài chính DN và Ủy ban chứng khoán Nhà nước)… hoặc do những hạn chế về chuyên môn.

Bên cạnh đó, năng lực quản trị DN của một số lãnh đạo còn yếu kém, chậm cập nhật, nhất là trong đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, thiếu tinh thần cầu thị và chưa đáp ứng được sự thay đổi cũng như thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế...

Để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN, TS. Phạm Thị Vân Anh, Phó trưởng bộ môn Tài chính DN (Khoa Tài chính DN, Học viện Tài chính) đưa ra một số giải pháp. Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản nhà nước tại DN để CPH, thoái vốn.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước trong thực hiện phương án sắp xếp, CPH, tái cơ cấu DN đã được phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán; mời tư vấn quốc tế và trong nước có uy tín tham gia vào quá trình tái cơ cấu DNNN; xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN.

Theo PGS. TS Bùi Văn Vần, tái cơ cấu DNNN là yêu cầu tất yếu, nhưng phải phù hợp với tiến trình chuyển đổi từ phát triển kinh tế theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, mà một trong các nội dung quan trọng của tái cơ cấu DNNN là nâng cao năng lực quản trị DN, thực hiện từng bước việc nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Cùng với việc đẩy mạnh việc CPH DNNN và thoái vốn Nhà nước để thực hiện cơ cấu lại quy mô, phạm vi, lĩnh vực và ngành nghề hoạt động của các DNNN, cần thiết kêu gọi và thu hút sự tham gia đầu tư góp vốn của các nhà đầu tư lớn có tiềm lực về tài chính, có năng lực quản trị điều hành hoạt động của các Cty CP.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các mô hình quản lý, giám sát DNNN và DN có vốn đầu tư của Nhà nước, cùng với việc xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, các Tổng Cty Nhà nước, các công trình Nhà nước đầu tư kém hiệu quả; phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN; nâng cao một bước hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của DNNN.

Như vậy, tái cơ cấu DNNN sẽ đạt mục tiêu chuyển kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, khẳng định được vai trò then chốt của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Bản Sa

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tai-co-cau-doanh-nghiep-nha-nuoc-de-ky-vong-tro-thanh-thuc-te-127936.html