Tác giả Mị Dung ra mắt tác phẩm văn học 'Chùm Đảo ngồi nhớ Chùm Ruồi'
Sau thành công của tác phẩm văn học 'Ngẩng mặt nhìn mặt', tác giả Mị Dung vừa cho ra mắt truyện dài thứ hai, có tên 'Chùm Đảo ngồi nhớ Chùm Ruồi' do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.
Truyện dài “Chùm Đảo ngồi nhớ Chùm Ruồi” đưa độc giả trở về với một thời hoa mộng của ong bướm ngày xưa. Chùm Đảo, Chùm Ruồi hai địa danh của vùng đất An Dưỡng, Hoài Tân, Hoài Nhơn (Bình Định) được bước vào văn chương với những câu chuyện được lồng ghép nhẹ nhàng, tinh tế.
Qua tác phẩm, nữ nhà văn trẻ không chỉ gửi gắm “tình người” vào dòng văn của mình, mà còn ghi dấu ấn bằng nét đẹp quê hương. Đặc biệt, tình yêu tuổi mới lớn trong sáng hồn nhiên và tình bạn giữa chốn làng quê nghèo và đầy thơ mộng là chất liệu chính cho tác phẩm.
Cái tài tình của Mị Dung không chỉ nằm ở ngôn từ, mà còn ở cách chị xây dựng những khoảng lặng giữa các câu văn, như những khoảng trống để ta tự lấp đầy bằng cảm nhận riêng. Đọc văn của Mị Dung, độc giả không thể không cảm nhận được cái chân phương, giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc.
Mị Dung viết “Chùm Đảo ngồi nhớ Chùm Ruồi” như thể đang kể lại chính những câu chuyện của cuộc đời, của những khát khao, mất mát và tìm kiếm, để rồi khi gấp cuốn sách lại, vẫn còn đọng một chặng hành trình của cảm xúc - chặng hành trình không chỉ có hạnh phúc hay buồn đau, mà là tất cả những sắc thái chân thật nhất của đời sống.
Năm 2023, Mị Dung ra mắt tác phẩm “Ngẩng mặt nhìn mặt” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tác phẩm có nội dung xoay quanh cuộc sống của những con người ở cả hai phía trong giai đoạn hậu chiến 1975. Đề tài hậu chiến là nội dung khó đối với một tác giả trẻ như Mị Dung (sinh năm 1991).
Để có những tư liệu viết nên tác phẩm, nữ nhà văn trẻ Mị Dung đã đi gặp gỡ nhiều người để phỏng vấn, lượm lặt, ghi chép, xâu chuỗi thông tin suốt gần 3 năm ròng. Mị Dung viết về hậu chiến với trái tim đầy nữ tính của một gái đất võ Bình Định. Qua tác phẩm, mỗi câu chữ được chắt lọc đúc kết từ những ký ức của thế hệ đi trước. Nữ nhà văn trẻ mong muốn gửi gắm “tình người” vào tác phẩm của mình.
Với lối hành văn rất “dân dã” đã lôi cuốn người đọc vào cuộc cùng tác giả, như được sống trong những ngày tháng đầy biến động, đầy nghi hoặc, đầy chật vật… sau cuộc chiến. Và với cái tâm rất nhân văn, tác giả đã mô tả cuộc sống đời thường của các nhân vật một cách tự nhiên như nó đã và đang xảy ra và từ đó, đúc kết ra một vài nhận xét “triết lý” như những bài học của cuộc sống.