Sụt lún đất thúc đẩy quá trình nước biển dâng ở Địa Trung Hải
Việc nước biển dâng cao không chỉ nhấn chìm nhiều hòn đảo mà theo dự báo của giới chuyên gia, có khả năng gây thảm họa thiên tai nghiêm trọng.
Theo kết quả nghiên cứu mới của trường Đại học Radboud (Hà Lan) và Đại học Sorbonne (Pháp), được công bố trên tạp chí Water của Viện Địa vật lý và núi lửa quốc gia (INGV) Italy, mực nước biển Địa Trung Hải có thể tăng thêm trung bình 20cm vào năm 2050 và lên tới 57cm vào năm 2100.
Phóng viên TTXVN tại Rome cho biết nghiên cứu cũng chỉ ra, các khu vực ven biển của thành phố Venice sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với mực nước biển tăng thêm từ 60 đến 82cm vào năm 2100.
Để đưa ra dự báo trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ 9 trạm thủy triều được đặt ở các khu vực phía Bắc Địa Trung Hải với các số liệu đo đạc được ghi nhận từ năm 1888, kết hợp với các dự báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), cơ quan thuộc Liên hợp quốc, và các số liệu quan trắc quá trình sụt lún mặt đất do nguyên nhân tự nhiên hoặc do các hoạt động của con người thu được bằng GPS.
Theo ông Antonio Vecchio, thuộc Đại học Radboud, thành viên nhóm nghiên cứu, mức độ dao động mực nước biển ở từng khu vực có thể đóng góp tới 9% trong tổng thể quá trình mực nước biển dâng, trong khi đó, sụt lún mặt đất đóng góp 15%. Tại các khu vực ven biển Venice, quá trình sụt lún đất đã làm tăng hiệu ứng và mức độ nghiêm trọng của nước biển dâng.
Nước biển dâng cao hiện đang là vấn đề cấp bách đối với toàn thế giới mà nguyên nhân sâu xa là do tình trạng biến đổi khí hậu dẫn tới tình trạng tan băng tại cực Bắc địa cầu.
Việc nước biển dâng cao không chỉ nhấn chìm nhiều hòn đảo mà theo dự báo của giới chuyên gia, có khả năng gây thảm họa thiên tai nghiêm trọng./.