Sức mạnh từ công tác dân vận, hòa giải ở cơ sở

Ông Mai Văn Hòa (bìa phải) trao đổi về công tác dân vận, hòa giải cơ sở với bà Đặng Thị Thơm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Hội và người dân thôn Nhất Sơn. Ảnh: THÚY HẰNG

Thực hiện tốt công tác dân vận, hòa giải ở cơ sở sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.

Tránh việc bé xé ra to

Hơn 15 năm làm Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), ông Mai Văn Hòa thuộc nằm lòng hoàn cảnh của hơn 480 hộ dân trong thôn. Vậy nên, hễ các gia đình trong thôn có sự bất hòa, xích mích, tranh chấp… là ông và các thành viên trong tổ hòa giải có mặt kịp thời. Hiện nay, vấn đề mới nhất mà ông đang làm là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Hồ Suối Cái đang được tỉnh triển khai trên địa bàn xã.

Ông Hòa cho biết: Thôn Nhất Sơn có khoảng 20 hộ bị ảnh hưởng đất sản xuất khi dự án triển khai. Gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng không ít đất sản xuất, nhưng vì lợi ích kinh tế - xã hội mà dự án mang lại cho cộng đồng, tôi vui vẻ chấp thuận và vận động bà con vì lợi ích chung mà đồng thuận. Theo ông Hòa, trong cuộc sống hàng ngày, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan điểm, nhận thức, lối sống, tính cách… nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ, các cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư là điều không thể tránh khỏi. Những mâu thuẫn, tranh chấp này nếu không được giải quyết kịp thời, triệt để thì chuyện bé xé ra to, từ tranh chấp thuần túy dân sự có thể bùng phát thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân. “Mục tiêu cao nhất và cuối cùng của công tác dân vận, hòa giải ở cơ sở là hóa giải các tranh chấp, gìn giữ, bảo vệ mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư”, ông Hòa nhấn mạnh.

Trên thực tế, có dịp gặp gỡ, trò chuyện với những người làm công tác mặt trận ở cơ sở, nhất là những người có thâm niên gắn bó với công tác dân vận, hòa giải, mới thấu hiểu công tác này có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Bởi khi vận động, hòa giải, bên cạnh việc dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để tác động tới tâm tư, tình cảm của các bên, khơi dậy trong bà con những suy nghĩ, tình cảm tích cực, còn cần phải vận dụng các quy định pháp luật để giải thích, hướng dẫn các bên hiểu được quyền và nghĩa vụ của chính mình, tránh việc bé xé ra to.

Nói thêm về công tác này, bà Đặng Thị Thơm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Hội cho biết: Công tác dân vận, hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng, mỗi vụ việc hòa giải thành sẽ giúp kết nối tình cảm của gia đình, họ tộc và của làng xóm, giữ gìn an ninh trật tự thôn, xóm, nhất là phát huy vai trò làm chủ của người dân, đồng thời nâng cao ý thức pháp luật của cộng đồng. Thường thì tùy vào đối tượng, độ tuổi mà người làm công tác mặt trận tuyên truyền, hòa giải.

Giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở

MTTQ đóng vai trò quan trọng trong tổ chức và phối hợp tham gia thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Do đó, hiện nay, mạng lưới tổ hòa giải được thành lập ở 100% khu dân cư. Thành phần tổ hòa giải gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các đoàn thể, trưởng các chi hội, người có uy tín… Phần lớn họ là những người có hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương, có uy tín trong cộng đồng dân cư và khả năng vận động, thuyết phục, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công tác hòa giải ở cơ sở. Nhờ đó, năm 2021, mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh đã tham gia hòa giải thành 534/626 vụ mâu thuẫn ở địa bàn dân cư liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong gia đình. “Có thể nói, thời gian qua, MTTQ các cấp của tỉnh đã phát huy tích cực vai trò, nhiệm vụ, nhất là trong công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Từ đó góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật, giảm thiểu những tác động tiêu cực phát sinh, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa trong các khu dân cư”, bà Phạm Thị Ngọc Tuyết, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho hay.

Với phương châm giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở, từ khi mới nảy sinh, năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị mặt trận ở cơ sở thường xuyên nắm tình hình, ý kiến của nhân dân, kịp thời phát hiện vấn đề nảy sinh trong cộng đồng dân cư, tích cực tổ chức hoạt động dân vận, hòa giải; phát huy vai trò các tổ chức thành viên của mặt trận tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở...

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/272720/suc-manh-tu-cong-tac-dan-van-hoa-giai-o-co-so.html