Sức hút kỳ lạ của BRICS+, điều gì khiến Malaysia 'say sưa' đến thế?

Giới nghiên cứu chính sách đối ngoại gần đây rất phấn khích khi Malaysia tuyên bố đang tìm kiếm tư cách thành viên của khối kinh tế BRICS.

Sức hút kỳ lạ của BRICS, điều gì khiến Malaysia ‘say sưa’ đến thế? (Nguồn: russiaspivottoasia)

Sức hút kỳ lạ của BRICS, điều gì khiến Malaysia ‘say sưa’ đến thế? (Nguồn: russiaspivottoasia)

Giáo sư nghiên cứu châu Á James Chin cho rằng, cách tốt nhất để hiểu mục đích đơn đăng ký gia nhập BRICS của Malaysia là họ xem đây như một nền tảng bổ sung, để Kuala Lumpur có tiếng nói quốc tế có trọng lượng hơn với tư cách là một cường quốc tầm trung và được hưởng nhiều lợi ích về mặt kinh tế hơn.

Lợi ích kinh tế và không gian phát triển mới

BRICS - một tổ chức liên chính phủ bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và vừa kết nạp thêm các thành viên mới Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây, khi bối cảnh toàn cầu đang dần rời xa khỏi trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo.

Một số nhà bình luận cho rằng, việc gia nhập BRICS sẽ mở đường cho Malaysia có thêm những cơ hội kinh tế lớn hơn hiện tại, vì họ đang có 1,6 triệu cá nhân có tài sản có thể đầu tư trên 1 triệu USD.

Liệu việc gia nhập BRICS có đánh dấu một sự thay đổi đáng kể đối với Malaysia? Nó sẽ mang lại lợi ích gì cho Malaysia?

Trong nhiều thập kỷ, các kế hoạch chính sách đối ngoại của Malaysia là Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, ở thời điểm này có lẽ họ đang đặt kỳ vọng nhiều hơn vào những không gian hợp tác mới.

Giới quan sát cho rằng, không có gì đáng ngạc nhiên khi Malaysia tìm kiếm thêm các diễn đàn quốc tế để gia tăng các lợi ích quốc gia của mình.

Ngoài ra, việc xin gia nhập BRICS không phải là một nhiệm vụ khó khăn. BRICS là một liên minh lỏng lẻo và là nền tảng để thảo luận về sự đồng thuận chính trị trong các vấn đề quốc tế và làm chặt chẽ hơn mối quan hệ thương mại. Các thành viên không phải thay đổi bất kỳ luật lệ trong nước nào để phù hợp với nhóm, chẳng hạn giống như việc xin gia nhập Liên minh châu Âu. Tóm lại, các nước tham gia BRICS sẽ không phải thay đổi hay cải cách gì nhiều trong nước.

Một phần đáng kể của BRICS là ưu tiên thương mại Nam-Nam là trung tâm (giữa các quốc gia ở Nam bán cầu) với Trung Quốc. Malaysia đã là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu, chính hiệp định này cũng đòi hỏi phải có những cải cách trong nước, trong đó có cả luật lệ, vì vậy việc gia nhập BRICS có thể được coi là một bước tiến tự nhiên.

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với BRICS được thể hiện qua số lượng người bày tỏ mong muốn tham gia. Bộ trưởng Quan hệ và hợp tác quốc tế Nam Phi Naledi Pandor hồi tháng 1 cho biết, 34 quốc gia đã gửi tín hiệu quan tâm đến việc gia nhập khối.

Gần như chắc chắn rằng, Thái Lan đã nộp đơn và Philippines cũng đang có vẻ quan tâm, dù chưa công khai quan điểm. Các quốc gia Đông Nam Á này, bao gồm cả Malaysia, đều mong muốn tìm kiếm một nền tảng hợp tác lớn hơn.

Rõ ràng, các cường quốc đang lên như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Trung Quốc đang đi đầu trong BRICS và họ đang cố gắng thiết lập một nền tảng mới cho thế giới đang phát triển. Và gia nhập sớm thì bao giờ cũng tốt hơn là vào muộn. Malaysia có thể đã được coi là "người đến sau" khi các nền kinh tế khác như Iran, Ai Cập, Ethiopia và UAE đều đã gia nhập BRICS vào đầu năm 2024.

Kênh CNA của Singapore đưa tin rằng, trong một cuộc phỏng vấn gần đây về việc gia nhập BRICS, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã nói điều này về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, "Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã mang đến cho chúng tôi một tia hy vọng rằng, có sự kiểm tra và cân bằng trên thế giới”.

Người ta không được quên rằng, các thành viên BRICS hiện chiếm khoảng 45% dân số thế giới và 1/3 tổng GDP toàn cầu. Thậm chí có khả năng trong tương lai, BRICS có thể trở thành một phiên bản khác của G7 - câu lạc bộ các nước giàu trên thế giới.

Trong khi đó, Malaysia ủng hộ một số lợi ích cốt lõi của BRICS. Chẳng hạn, BRICS luôn cho rằng, thế giới sẽ ổn định hơn nếu các quốc gia có thể rời xa đồng USD và giao dịch bằng các loại tiền tệ khác. Malaysia ủng hộ nên tiến hành nhiều giao dịch trực tiếp hơn để vượt qua đồng USD. Ngoài ra, nền kinh tế Đông Nam Á này có lẽ còn hy vọng rằng, nước này sẽ được hưởng lợi từ Ngân hàng phát triển BRICS.

Ở một góc độ khác, Giáo sư kinh tế nổi tiếng người Mỹ Jeffrey Sachs - người từng giữ chức cố vấn đặc biệt cho ba tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, Ban Ki-moon và António Guterres, cho rằng, sự xuất hiện của nhóm BRICS là để đáp trả việc Mỹ đã lạm dụng hệ thống tiền tệ toàn cầu dựa trên đồng USD để đơn phương trừng phạt các quốc gia được coi là đối thủ của họ. GS. Jeffrey Sachs cũng chỉ trích cách Washington tịch thu kho dự trữ của nhiều nước, từ Iran, Venezuela, Triều Tiên, Afghanistan và mới đây là 300 tỷ USD tài sản của Nga.

GS. Jeffrey Sachs cũng nhận định rằng, quyết định gia nhập BRICS của Malaysia cho thấy, thành viên ASEAN đang đặt cược vào việc “phi USD hóa" vì Washington đã vũ khí hóa đồng USD thông qua việc sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp trừng phạt. “Bây giờ, các nước khác không muốn bị bỏ mặc bởi chính sách thất thường của Mỹ. Và họ muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước BRICS khác".

Cái bóng của Bắc Kinh?

Ý tưởng gia nhập nhóm BRICS của Malaysia có sự ủng hộ rộng rãi trong giới hoạch định chính sách đối ngoại trong nước. Trong 8 tháng qua, người Malaysia bức xúc vì cuộc chiến đẫm máu ở Dải Gaza, phản đối sự hỗ trợ của Mỹ và châu Âu dành cho Israel, thậm chí coi họ như những thế lực đang "mở đường" cho quân đội Israel tiếp tục phá hủy Gaza. Dư luận Malaysia kiên quyết đứng về phía người Palestine.

Nga, Trung Quốc và Nam Phi đang dẫn đầu chỉ trích Israel về vấn đề Gaza, do đó công chúng Malaysia có thể sẽ rất ủng hộ việc Thủ tướng Anwar thúc đẩy gia nhập BRICS.

Vậy có nhược điểm nào đối với tư cách thành viên BRICS không?

Theo các nhà phê bình, bằng cách gia nhập BRICS, Malaysia sẽ bị “khóa chặt” hơn nữa trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Nhưng giới quan sát cho rằng, trên thực tế, "cái bóng" khổng lồ của Bắc Kinh vẫn luôn quá lớn, bởi Trung Quốc là cường quốc hàng đầu không chỉ ở Đông Nam Á, châu Á mà rộng hơn là toàn cầu.

Trong khi đó, giới tinh hoa Malaysia có quan điểm rằng, bất kể thế nào họ cũng cần "giao tiếp" với Trung Quốc và tham gia nhiều hơn thì luôn tốt hơn là ít hơn. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia trong 15 năm qua và không có lý do gì điều này sẽ thay đổi trong tương lai gần.

Malaysia cũng là một quốc gia thành viên trong Sáng kiến Vành đai và con đường, Hiệp định RCEP do Bắc Kinh dẫn đầu, vì vậy, tư cách thành viên BRICS sẽ bổ sung thêm một mức độ tham gia khác của Malaysia trong vai trò trở thành một trong những người thay đổi cuộc chơi.

Những người duy nhất cảm thấy khó chịu với Malaysia có lẽ sẽ là Mỹ và các đồng minh. Mỹ coi BRICS về cơ bản là một tổ chức lỏng lẻo, nhưng là đối thủ "nặng ký", đe dọa sự thống trị của phương Tây trên trường quốc tế. Malaysia sẵn sàng chấp nhận điều đó.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/suc-hut-ky-la-cua-brics-dieu-gi-khien-malaysia-say-sua-den-the-277561.html