Sức hút công nghiệp ở Bắc Bình

Chính nhờ kiểu tích tiểu thành đại, tất nhiên góp phần quyết định từ chính công nghiệp sản xuất điện năng mà giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 của huyện đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 900 tỷ đồng so năm ngoái.

Những ngày cuối năm 2022 này, vùng trung tâm của khu Lê đón nhận tin vui, khi Hồng Phong được về đích xã nông thôn mới và 2 nhà máy điện gió, một ở Hồng Phong, một ở Hòa Thắng đã vào giai đoạn chuẩn bị phát điện. Có nghĩa, sang năm 2023, ở vùng đất nhiều nắng gió, ít mưa này có 5 nhà máy điện gió được phát điện và sản lượng điện sẽ không dừng ở 347 triệu kWh với tổng doanh thu 683 tỷ đồng như năm 2022 nữa. Góp phần điện gió vào hơn 1.500 triệu kWh của 9 nhà máy điện mặt trời cùng khoảng 1.300 triệu kWh của 2 nhà máy thủy điện trên địa bàn trong năm 2022 đã thêm khẳng định rằng, Bắc Bình tiếp tục nổi bật về phát triển công nghiệp điện. Bất chấp trở ngại như dịch bệnh vừa rồi, lượng điện sản xuất lẫn doanh thu trên địa bàn huyện đều theo hướng năm sau cao hơn năm trước, như năm 2022 này đạt 2.875 tỷ đồng, tăng 33% so năm 2021, tương đương 715 tỷ đồng.

Điện gió Hòa Thắng, Bắc Bình. ảnh: N. Lân

Không chỉ thế, vốn là huyện nông nghiệp nên từ các năm trước, tại các cụm công nghiệp trên địa bàn, những nhà máy, cơ sở chế biến nông sản, chế biến nước mắm, sản xuất gạch… đã xuất hiện theo mô hình như liên kết, nhất là trong nông sản. Càng về sau này, sự liên kết trên chặt chẽ hơn, thường là trên cây lúa, khi chủ các công ty, cơ sở đầu tư giống, phân thuốc… cho nông dân sản xuất và sẽ thu lại bằng sản phẩm, sau khi trừ cấn chi phí, dôi ra lợi nhuận. Sự phối hợp này có thể có những mặt chưa được nhưng chung quy là 2 bên đều thấy có lợi nên đến nay, các cơ sở, nhà máy sản xuất với sản lượng của năm sau đều cao hơn năm trước. Như năm 2022 này, các sản phẩm nông sản đã chế biến hay sản xuất vật liệu xây dựng đều tăng hơn năm 2021 và đều đạt, vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật như xay xát lương thực đạt 76.000 tấn, tăng 300 tấn; chế biến hạt dưa, đậu phộng 1.630 tấn, tăng 20 tấn; sản xuất nước mắm 660.000 lít, tăng 10.000 lít; nước đá cây 21.500 tấn, tăng 300 tấn; sản xuất bánh mì 7.400.000 sản phẩm, tăng 300.000 sản phẩm… Chính nhờ kiểu tích tiểu thành đại, tất nhiên góp phần quyết định từ chính công nghiệp sản xuất điện năng mà giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 của huyện đạt 3.200 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch 2.500 tỷ đồng, thì có mức vượt 700 tỷ đồng và nếu so năm ngoái thì tăng 39,13% tương đương với mức tăng 900 tỷ đồng.

Theo UBND huyện Bắc Bình, thời gian qua UBND huyện tiếp tục đăng ký bổ sung chỉ tiêu đất Cụm công nghiệp trong kỳ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tăng thêm so với chỉ tiêu được tỉnh giao là 251 ha tại các nút giao đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn huyện. Cụ thể, bổ sung mới vị trí Cụm công nghiệp Sông Bình 126 ha, Cụm công nghiệp Hải Ninh 125 ha. Bên cạnh, tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện kết cấu, hạ tầng; mời gọi đầu tư và tạo các điều kiện để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Chính những động thái trên khiến Bắc Bình, vốn là huyện thuần nông trở nên nhộn nhịp với nhiều hoạt động kinh tế của phát triển công nghiệp. Đó là lý do cho thu ngoài quốc doanh trên địa bàn huyện đạt đến 191 tỷ đồng/77 tỷ đồng dự toán; tương tự thu trước bạ đạt 26,3 tỷ đồng/9 tỷ đồng hay thuế thu nhập cá nhân đạt 78 tỷ đồng/26 tỷ đồng... Không chỉ thế, từ đây, cũng tác động, hỗ trợ cho nhân dân ở các xã đang trong hành trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn đạt các tiêu chí có liên quan mà rõ nhất là tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo đa chiều…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/suc-hut-cong-nghiep-o-bac-binh-104709.html