Sức ép tồn kho tăng lên, giá cà phê xuất khẩu tiếp tục đi xuống

Đồng USD suy yếu và sức ép khi tồn kho đã qua chứng nhận tiếp đà hồi phục đã khiến giá cà phê xuất khẩu giằng co trong phiên.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 26/2, giá hai mặt hàng cà phê giảm lần lượt 0,39% với Arabica và 0,33% với Robusta.

Đồng USD suy yếu và sức ép khi tồn kho đã qua chứng nhận tiếp đà hồi phục đã khiến giá cà phê giằng co trong phiên.

Một mặt, chỉ số Dollar Index suy yếu với mức giảm 0,1% đã thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển từ tài sản trú ẩn sang các thị trường khác như chứng khoán hay hàng hóa. Điều này giúp thúc đẩy lực mua mặt hàng cà phê.

Giá cà phê thế giới đồng loạt giảm

Mặt khác, sức ép từ việc tồn kho tăng lên đã kéo giá giảm trở lại. Trong báo cáo kết phiên 23/2, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tăng thêm 8.330 bao, lên gần 324.160 bao. Hơn nữa, số cà phê chờ phân loại duy trì ở mức cao hơn 127.420 bao, là tín hiệu tốt cho khả năng mở rộng sắp tới.

Giá cà phê Arabica chịu áp lực giảm khi rủi ro khô hạn tại Brazil đã giảm xuống. Các thông tin mới nhất cho thấy bang Minas Gerais, nơi chiếm khoảng 30% sản lượng cà phê Arabica của Brazil, đã nhận được lượng mưa 59,5 mm trong tuần vừa qua, tương đương 131% mức trung bình lịch sử.

Trong khi đó, lượng hàng bổ sung chờ được phân loại trên sàn ICE Futures US lên tới 127.421 bao với 89% hàng có xuất xứ từ Brazil. Điều này sẽ giúp củng cố lượng tồn kho trên sàn giao dịch trong thời gian tới, đảm bảo nguồn cung ra thị trường.

Tính đến hết tháng 12/2023, lượng tồn kho cà phê khả dụng tại châu Âu chỉ còn 7,28 triệu bao (bao = 60kg), giảm đến 43,3% so với cùng kỳ năm trước đó, theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Cà phê châu Âu (ECF). Riêng cà phê Robusta giảm đến 47,2% từ 4,56 triệu bao xuống còn 2,41 triệu bao trong cùng kỳ.

Hoạt động xuất khẩu Arabica từ quốc gia cung ứng cà phê lớn nhất thế giới vẫn đang được đánh giá khá tích cực. Theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), tính đến ngày 23/2, Brazil đã cấp phép xuất khẩu cho 2,34 triệu bao, tăng 13,98% so với cùng kỳ năm 2023.

Với Robusta, tình hình xuất khẩu tích cực trong tháng 1 của Việt Nam vẫn là yếu tố giúp giá hạ nhiệt, bất chấp dữ liệu tồn kho trên Sở ICE-EU quay đầu suy yếu sau hai phiên tăng trước đó. Cụ thể, tồn kho Robusta trên Sở ICE kết phiên 25/2 giảm 160 tấn, kéo tổng lượng cà phê lưu trữ tại đây xuống mức 22.840 tấn.

Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 2, cả nước xuất khẩu gần 57.000 tấn cà phê, với kim ngạch đạt 184,4 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/2, lượng cà phê xuất khẩu đạt gần 295.000 tấn, kim ngạch đạt 911 triệu USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng 16,7% nhưng kim ngạch tăng tới 66,8%. Theo đó, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng tới gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường xuất khẩu cà phê chủ yếu của Việt Nam là châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Indonesia… Trong đó, châu Âu là thị trường nhập khẩu cà phê Việt Nam lớn nhất với 87.700 tấn, kim ngạch đạt hơn 263 triệu USD; tiếp đến là các nước như Đức, Italy, Tây Ban Nha...

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đến hết tháng 1/2024, diện tích trồng cà phê tại khu vực miền Bắc đạt khoảng 25,4 nghìn ha, chủ yếu tập trung ở các tỉnh như Sơn La (18,8 nghìn ha) và Điện Biên (2,6 nghìn ha). Diện tích trồng mới tại khu vực này đạt 1 nghìn ha.

Năm 2024, xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 4,5 - 5 tỷ USD

Hiện tại, vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2022/2023 tại miền Bắc đã hoàn thành, và người dân đang tích cực chăm sóc cho vụ trồng mới 2023/2024 nhằm đảm bảo sự phát triển và chất lượng của cây cà phê trong niên vụ này.

Sau Tết Nguyên đán, giá cà phê nhân tại vườn trồng ở các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng mạnh và lần đầu chạm mốc kỷ lục 80.000 đồng/kg. Hiện giá cà phê tại thị trường trong nước đạt đỉnh lịch sử 30 năm qua khi vượt mốc 83.000 đồng/kg, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường cà phê sẽ còn biến động nhiều nữa với thời tiết tại các vùng cà phê Arabica Brazil. Do hàng từ Đông Nam Á xuất đi khá hạn chế, niềm hy vọng còn lại chỉ còn từ Brazil. Một khi có tin thời tiết các vùng trồng cà phê thuận lợi hay bất lợi, giá cà phê sẽ chuyển hướng giảm hay tăng thất thường.

VICOFA dự báo, với tình hình này năm 2024, xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 4,5 - 5 tỷ USD. Đây sẽ là năm đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Ngọc Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/suc-ep-ton-kho-tang-len-gia-ca-phe-xuat-khau-tiep-tuc-di-xuong-305500.html