Sự xuất hiện nhà hàng sườn nướng
Món sườn nướng nổi danh là món sườn Suwon, nhưng vốn dĩ nó chỉ là một món đồ nhắm rượu đơn giản. Sự ra đời của món ăn này là nhờ vào vai trò của nhân vật Lee Gui Seong.
Theo kết quả phỏng vấn con cháu của người này, vào những năm 1930, Lee Gui Seong cùng với anh trai và em mình, mở quán bán bánh kẹo tại số 27-1, quận Paltal thuộc thành phố Suwon. Nhưng sau đó khoảng tháng 11 năm 1945, Lee Gui Seong đã mở quán sườn nướng có tên là “Mijeonok” tại khu đường Ssajeon thuộc khu chợ Yeong Dong.
Việc kinh doanh tương đối thuận lợi nên hai năm sau, ông đã xây dựng một căn nhà gỗ mới có diện tích 80 pyeong. Tên quán đổi thành "Hwa Chun Ok", và lúc này quán cũng chuyển sang kinh doanh Haejangguk.
Lee Gui Seong đã dùng những kinh nghiệm của mình tại quán “Mijeonok”, bỏ thêm sườn bò vào món Haejangguk khiến món ăn trở nên rất ngon và nổi tiếng. Một năm sau, năm 1946, món sườn tẩm gia vị và nướng trên lửa than được bổ sung vào thực đơn.
Khi chiến tranh diễn ra, Lee Gui Seong chạy về Busan để lánh nạn, ông đã truyền lại những kỹ thuật chế biến món sườn nướng tại nơi đó và món “Haejangguk sườn bò” ra đời. Khi chiến tranh chấm dứt, Lee Gui Seong quay lại khu Suwon.
Lee Gui Seong là người tốt, hay giúp đỡ những người khách có hoàn cảnh khó khăn, nên việc kinh doanh của ông chẳng có lời là mấy, thậm chí lâm vào tình trạng khó khăn.
Kết quả là vào đầu những năm 1960, ông giao việc kinh doanh tiệm "Hwa Chun Ok" cho người con trai đang làm công chức tên Lee Yeong Geun. Nhờ đó mà quán sườn nướng kinh doanh hồi phục trở lại. Tuy nhiên đến giữa đầu những năm 1960, món sườn nướng vẫn chưa được kinh doanh chuyên nghiệp. Thực đơn chủ yếu của thời bấy giờ là Haejangguk, canh sườn, canh xương bò hầm, và mì lạnh.
Các món sườn nướng nổi tiếng
Tiếp đó sau những năm 1990, chúng ta có thể liệt kê những khu vực nổi tiếng món sườn nướng như sau, bắt đầu từ món sườn Suwon, tiếp đến sườn nướng Mapol của Seoul, sườn Haeundae của Busan, sườn nướng Idong của Pocheon tỉnh Gyeonggido, và món sườn nướng bánh bột gạo của Ikdae Haenam và Damyang tỉnh Jeonlado.
Món sườn Mapol của Seoul thông thường được gọi tên là “sườn nướng Mapol”. Vốn dĩ sườn nướng Mapol có nguyên liệu chế biến không phải là sườn bò mà là sườn heo. Người ta đồn rằng, hiện giờ phía cây cầu lớn Mapol ngày xưa là khu vực Maponaru, những người đã từng làm việc tại khu Naru đã thương mại hóa khu này thành khu sườn nướng.
Còn với món sườn nướng Haeundae, người ta không nướng trên vỉ nướng bằng sắt mà cho những miếng sườn đã tẩm gia vị lên những tấm sắt nướng thịt bò, làm chín nó rồi ăn. Sau khi ăn thịt bò xong, phần nước chảy ra đọng lại trong nồi sẽ được dùng để trộn với cơm, hương vị của món này rất ngon.
Món sườn Idong được thế giới biết đến là từ sau năm 1987. Trước đó tại khu Idong thuộc thành phố Pocheon chỉ có một hai quán sườn nướng xuất hiện, nhưng nửa sau những năm 1980, nhờ kinh tế phát triển tốt mà nhu cầu tiêu thụ món sườn cũng tăng theo, vì vậy món sườn Idong cũng ‘phất lên’ trong bối cảnh đó.
Do xung quanh khu này có nhiều ngọn núi đẹp nên có rất nhiều người từ nơi khác đến đây leo núi thưởng lãm và cắm trại. Họ đã truyền miệng nhau tin đồn rằng món sườn Idong rất ngon và giá cả tương đối rẻ. Lúc ban đầu, mỗi suất ăn có rất nhiều sườn. Do càng ngày có nhiều người tìm đến đây để thưởng thức, nên người ta đã cải tiến vị của món ăn này để phù hợp với số đông thực khách, nên tính đặc trưng khu vực của món ăn này bị giảm đi nhiều. Đây có thể xem là lý do khiến cho món sườn Idong trở nên nổi tiếng.
Món sườn Songjeongri khác với món sườn nướng Suwon hay món sườn Idong ở chỗ nó là món sườn nướng bánh bột gạo. Ngày nay, món này dường như đã biến mất nhưng mãi cho đến nửa sau những năm 1980, những quán bán món sườn nướng bánh bột gạo này tồn tại rất nhiều.
Hiện nay, món này rất nổi tiếng ở khu Damyang và Haenam nhưng lúc bấy giờ nó là số một ở khu Songjeongri. Món sườn nướng bánh bột gạo được chế biến bằng cách tách phần thịt sườn ra tẩm ướp gia vị, sau đó dính phần thịt đó vào xương sườn rồi nướng lên trên vỉ sắt.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-xuat-hien-nha-hang-suon-nuong-post1362342.html