Sự thật về thuốc giải độc rượu bia: Có thực sự tốt?
Nhiều người có thói quen dùng thuốc giải độc rượu bia sau mỗi lần sử dụng và coi đó như bí quyết bỏ túi. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng đó không hẳn là cách hay để duy trì sức khỏe.Chưa có số liệu về lợi ích của rượu bia với sức khoẻSự thật về thuốc giải độc rượu bia
Theo các số liệu của Viện Ung thư Quốc gia Hoa kỳ: Người uống rượu bia từ trung bình đến nặng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng và thanh quản từ 2 - 5 lần so với người không uống rượu bia.
Đối với ung thư thực quản, chỉ cần có uống rượu bia sẽ làm tăng tỉ lệ ung thư cao gấp từ 1,3 - 5 lần so với người không uống. Ung thư gan làm tăng gấp 2 lần ở những người có uống rượu bia nhiều, đặc biệt nguy cơ tăng cao ở người uống nhiều rượu bia có kèm theo nhiễm virus viêm gan B hoặc C.
Còn theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất ít rượu, bia. Uống rượu, bia thường xuyên sẽ gây ngộ độc cấp và ngộ độc mạn tính: Xơ gan, suy nhược thần kinh, run tay, trí nhớ giảm, tăng viêm loét dạ dày - ruột, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, dễ gây đột quỵ do tổn thương mạch vành và các mạch máu não. Ở phụ nữ có thai dễ gây sảy thai, thai kém phát triển, thai chết lưu. Người nghiện rượu còn hay bị các bệnh nhiễm khuẩn do sức đề kháng yếu.
Do đó, Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo, trung bình không uống quá 2 đơn vị rượu/ngày với nam giới và không quá 1 đơn vị/ngày với nữ giới. Uống nhiều rượu bia sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người.
TS. BS. Vũ Trường Khanh - Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có một số người cho rằng, uống rượu ít hoặc trung bình và điều độ sẽ làm tăng cường sức khỏe, đặc biệt là tốt cho tim mạch.
Tuy nhiên cho tới nay, chưa có số liệu rõ ràng cho thấy lợi ích của uống bia rượu điều độ có lợi cho sức khỏe. Chính vì vậy, Hội tim mạch cũng như Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ đã khuyến cáo mọi người không nên uống rượu vì mục đích làm tăng sức khỏe với bất cứ loại bia rượu nào.
Nhiều người lại cho rằng, rượu để lâu hoặc chưng cất nhiều lần sẽ không còn aldehyde để gây độc với cơ thể nữa. Tuy nhiên, BS. Vũ Trường Khanh cho biết điều này hoàn toàn là quan niệm sai lầm.
“Cồn trong bia rượu là ethanol, đây là chất không gây độc nhưng khi uống bia rượu vào ethanol sẽ chuyển hóa phần lớn tại gan tạo thành acetaldehyde, đây là chất gây tổn thương tế bào gan dẫn đến gan thoái hóa mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan và ung thư gan. Chất này cũng là yếu tố gây ra ung thư những cơ quan trong cơ thể”, BS. Vũ Trường Khanh nói.
BS. Vũ Trường Khanh cũng cho hay, hiện nay, trên thị trường có nhiều thuốc được quảng cáo có tác dụng giải độc rượu. Đây thực ra là những thực phẩm chức năng, chưa có nghiên cứu nào về mặt khoa học cho thấy rằng, có tác dụng giải độc rượu với cơ thể.
Một số người còn truyền tai nhau về những thuốc có tác dụng giải độc bia rượu và uống bia rượu lâu say. Thực tế có một số chất khi uống vào làm chậm quá trình hấp thu ethanol trong dạ dày vào máu nên gây cảm giác chậm say.
Tuy nhiên, sự thực ethanol vẫn dần dần ngấm hết vào cơ thể với thời gian dài hơn và tổng lượng ethanol vào máu và chuyển hóa ở gan tạo ra acetaldehyde là không thay đổi.
BS. Vũ Trường Khanh cho biết, gan là cơ quan khử độc quan trọng của cơ thể và có khả năng bù trừ tốt, thường khi không còn bù được đồng nghĩa với bệnh đã ở giai đoạn muộn và việc điều trị khi đó rất khó khăn. Vì vậy, bệnh gan gây ra do rượu bia thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, giai đoạn mà khi dừng uống bia rượu gan cũng không còn hồi phục hoàn toàn được nữa.
Thực tế đời sống hàng ngày, rượu bia vẫn được coi như hương vị của cuộc sống trong mỗi dịp cuối năm, lễ, Tết. Tuy nhiên, rượu bia đang để lại nhiều hậu quả nặng nề không chỉ về sức khỏe mà còn đến gia đình và xã hội. Vì vậy, hơn hết mỗi người nên tự có ý thức trong việc sử dụng rượu bia để có lối sống lành mạnh và văn minh.