Sự tàn lụi của phim siêu ngắn có mẹ chồng quá độc ác
Câu chuyện về những mẹ chồng độc ác, thích xỉa xói, hành hạ con dâu đã khiến các bộ phim truyền hình siêu ngắn của Trung Quốc gặp rắc rối. Nhiều phim đã bị cấm phát sóng.
Những bộ phim về mẹ chồng hách dịch, cưng chiều con trai và chì chiết con dâu đã trở thành “cơn sốt” trong ngành giải trí Trung Quốc. Trong phim, khán giả ấn tượng với những mẹ chồng suốt ngày la mắng con dâu vì không biết nấu ăn và sử dụng điện tốn kém.
Đôi khi, cốt truyện trở nên kỳ lạ. Trong phim, người phụ nữ lớn tuổi thậm chí còn tắm và đánh răng cho con trai đã trưởng thành của mình. Bị bỏ mặc và hành hạ, người vợ lên kế hoạch trả thù. Trong đoạn kết, người vợ vạch mặt mẹ chồng và ly dị với bạn đời rồi hiên ngang bước ra ngoài.
Những bộ phim về xung đột gia đình đã biến những thị trường phim siêu ngắn trở thành ngành công nghiệp trị giá 5 tỷ USD ở Trung Quốc. Dù vậy, giới chức trách giờ đây đang hạn chế những nội dung “không phù hợp” về gia đình vì lo ngại chúng ảnh hưởng đến chiến dịch khuyến khích kết hôn và sinh con của quốc gia.
Thị trường 5 tỷ USD
Tại Trung Quốc, phim truyền hình siêu ngắn - những bộ phim có chủ đề tình cảm lãng mạn, xung đột gia đình với những tập phim không quá 10 phút - tăng trưởng gần 270% vào năm 2023.
Thể loại này chủ yếu phục vụ cho người xem trên điện thoại với góc quay dọc, nhịp độ nhanh và cốt truyện kịch tính.
Nhiều bộ phim truyền hình siêu ngắn đã để lại tiếng vang lớn trên các nền tảng mạng xã hội như Kuaishou và Douyin. Tháng 3, một bộ phim siêu ngắn kể chuyện người mẹ kế quay ngược thời gian về những năm 1980 đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc và thu về 1 tỷ lượt xem trong thời gian ngắn.
Các chuyên gia lo ngại những bộ phim siêu ngắn này sẽ làm chậm sự phát triển của ngành công nghiệp truyền hình ở Trung Quốc. Đặc biệt là những bộ phim về xung đột mẹ chồng - nàng dâu.
“Sau hai năm, các công ty sản xuất phim mọc lên khắp cả nước để tận dụng xu hướng nội dung mới nổi, đôi khi là dựa vào ChatGPT để tạo ra các kịch bản, ngành công nghiệp ‘phim ăn liền’ đã đạt giới hạn”, Huang Zhongjun, một học giả về phim truyền hình tại Đại học Sư phạm Chiết Giang, nhận xét.
Theo ông Huang, dạng phim truyền hình này đã được chứng minh là có hại cho xã hội vì chúng truyền tải những ý tưởng phi thực tế, “phỉ báng con người và khuếch đại xung đột” gia đình. Những người trẻ tuổi đang dành nhiều thời gian xem phim hơn là trải nghiệm thực tế đồng thời trở nên “thiếu cảm xúc” và “không muốn kết hôn hoặc sinh con”, ông nói thêm.
Các nhà đánh giá phim thì cho rằng những bộ phim về mẹ chồng đi chệch khỏi “các giá trị truyền thống”. Theo kế hoạch, Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia sẽ đánh giá các bộ phim đang lưu hành và loại bỏ những bộ phim không phù hợp trước 1/6.
Từ năm 2020, các gã khổng lồ phim trực tuyến và các hãng truyền hình Trung Quốc đã đặt cược lớn vào những bộ phim truyền hình siêu ngắn ở nước này. Theo kế hoạch, họ sẽ phát triển tuyến nội dung này dưới hình thức những video ngắn tương tự video TikTok.
Làm giảm tỷ lệ kết hôn và sinh con
“Các giá trị truyền thống của gia đình là điều rất được quan tâm ở Trung Quốc”, Oscar Zhou, giảng viên môn nghiên cứu truyền thông tại Đại học Kent, nhận xét. “Nhà nước muốn sử dụng phim ảnh để khuyến khích hôn nhân và sinh con trong giới trẻ, nhất là khi khủng hoảng nhân số đang trở nên rõ ràng”.
Từ khi dân số Trung Quốc bắt đầu giảm vào năm 2022, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát những hình ảnh “không lành mạnh” về tình yêu, hôn nhân và gia đình trong văn hóa đại chúng. Đồng thời, những thông điệp khuyến khích kết hôn và sinh con cũng được tuyên truyền rộng rãi hơn.
Cuộc chiến về lối sống độc thân hay lập gia đình đang diễn ra mạnh mẽ trong văn hóa đại chúng. Trước Tết Nguyên đán 2024, giới trẻ Trung Quốc còn đổ xô vào trò chơi “bà dì tọc mạch”. Họ tỏ ra thích thú khi bắt chước các “bà dì” trong dịp năm mới và đặt câu hỏi về đời sống tình cảm, gia đình hay sự nghiệp của con cháu. Đây là một hit trong năm 2024 cho đến khi nó bị gỡ xuống.
Trong những ngày đầu phát triển, phim truyền hình siêu ngắn đã liên tục khai thác tuyến nội dung tình cảm lãng mạn, xung đột gia đình nhờ nguồn lực tài chính dồi dào từ các ông lớn công nghệ. Các bộ phim được tung ra nhiều và nhanh đến nỗi cơ quan chức năng của Trung Quốc bị “đuối sức”.
Theo các nhà phân tích, các gã khổng lồ về phim trực tuyến sẽ phải tự điều chỉnh nội dung của mình nếu muốn “giữ một chân” trong ngành công nghiệp phim siêu ngắn trị giá 5 tỷ USD.
Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok, đã cam kết sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn sau khi cốt truyện của loạt phim Chồng tôi là Mama’s Boy (kẻ bám váy mẹ - PV) bị cảnh báo là quá “phóng đại và tiêu cực”.
Bilibili, một đối thủ của Douyin, cũng tuyên bố gỡ bỏ hàng trăm bộ phim “đi lệch khỏi các giá trị truyền thống”.
Cơ quan Quản lý Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc đang phát triển một hệ thống để tối ưu quy trình xem xét, phân loại và phê duyệt (hoặc từ chối) nội dung của các bộ phim siêu ngắn.
Một nhân viên của cơ quan này than phiền rằng các bộ phim siêu ngắn đang sa đà vào việc tìm lợi nhuận thay vì phát triển nội dung ngày càng sâu sắc, mang tính nghệ thuật. “Phim siêu ngắn là sản phẩm tăng trưởng nhanh nhưng còn lâu mới trở thành những tác phẩm nghệ thuật cao cấp”, nhân viên này nói với Shanghai Securities News.