Sự phát triển bất ngờ của ngành dầu khí Nga giữa hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây
Theo dữ liệu mới nhất của Bloomberg, hoạt động khoan sản xuất của Nga đạt trung bình hơn 7,8 triệu feet vào tháng 1 và tháng 2 năm nay. Con số này cao hơn mức trung bình theo mùa trong ba năm đầu tiên kể từ cuộc xung đột với Ukraine.

Nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, phía Tây Siberia thuộc Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Bất chấp nỗ lực của các nước G7, Nga vẫn tiếp tục thu về nguồn lợi khổng lồ từ việc bán dầu, đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hiện tại.
Thất bại của mục tiêu ban đầu
Tom Keatinge, Giám đốc sáng lập Trung tâm Tài chính và An ninh (CFS) tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng (RUSI.org) có trụ sở tại Anh, cho rằng mục tiêu ban đầu của các lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Nga là nhằm hạn chế nguồn thu chính của Điện Kremlin để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, sau hơn hai năm áp dụng, kết quả đang bị đặt dấu hỏi lớn.
Theo số liệu thống kê, dù giá dầu Urals của Nga đã giảm từ mức đỉnh điểm gần 100 USD/thùng vào năm 2022 xuống còn khoảng 65 USD hiện nay, nhưng Nga vẫn duy trì được khối lượng xuất khẩu tương đương thời điểm trước khi xung đột ở Ukraine. Điều này chủ yếu nhờ việc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường như Ấn Độ và Trung Quốc.
Viện KSE thuộc trung tâm phân tích tại Trường Kinh tế Kiev (Ukraine) ước tính rằng trong giai đoạn từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2025, Nga đã thất thu khoảng 142 tỷ USD doanh thu xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, con số này không đủ để buộc Moskva phải thay đổi chính sách.
Để đối phó với giới hạn giá dầu 60 USD/thùng do G7 áp đặt từ tháng 12/2022, Nga đã nhanh chóng phát triển một hệ thống vận chuyển dầu song song, nổi tiếng với cái gọi là "đội tàu ma".
Đây là một đội tàu chở dầu cũ, hoạt động ngoài hệ thống bảo hiểm phương Tây truyền thống và các nhà cung cấp dịch vụ có uy tín khác.
Giới hạn thu nhập dầu mỏ quốc gia không phải là biện pháp mới trong chính sách trừng phạt quốc tế. Trước đây, Iran đã từng là mục tiêu của các biện pháp tương tự nhằm buộc nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Theo cuốn sách "Chokepoints" của Edward Fishman, hai chiến lược đã được áp dụng với Iran: một là yêu cầu các quốc gia giảm mua dầu Iran và tìm nguồn cung cấp mới; hai là giữ các khoản thanh toán dầu mỏ trong các tài khoản ký quỹ mang tên Iran nhưng do Mỹ kiểm soát việc sử dụng. Câu hỏi đặt ra là liệu cách tiếp cận này có thể áp dụng hiệu quả với Nga hay không?
Việc yêu cầu các nước mua dầu chính của Nga như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ tìm nguồn cung cấp khác là không thực tế. Tuy nhiên, một giải pháp khả thi hơn có thể là chuyển hướng các khoản thanh toán mua dầu vào quỹ bồi thường Ukraine do Ngân hàng Thế giới (WB) kiểm soát. Khi hòa bình đạt được, các quỹ này sẽ đóng góp vào việc Nga phải trả tiền để tái thiết ở Ukraine, một yêu cầu dường như hợp lý và có cơ sở.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng bày tỏ quan điểm rõ ràng về mối liên hệ giữa giá dầu và cuộc chiến Nga - Ukraine. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng 1/2025, ông trump tuyên bố: "Các bạn phải hạ giá dầu xuống... Điều đó sẽ chấm dứt cuộc chiến đó".
Thêm vào đó, ông Trump cũng đe dọa sẽ nhắm vào những khách hàng mua dầu của Nga bằng "thuế quan thứ cấp". Phản ứng từ người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khi giá dầu toàn cầu lao dốc vào đầu tháng 4 đã cho thấy sự nhạy cảm của nền kinh tế Nga đối với giá dầu.

Giàn khoan dầu của Công ty dầu khí Lukoil thuộc Nga trên biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN
Nga vẫn tích cực khai thác dầu bất chấp trừng phạt
Bloomberg cũng vừa đưa tin rằng các nhà sản xuất dầu của Nga đã khoan với tốc độ chưa từng thấy trong ít nhất 5 năm qua khi quốc gia này chuẩn bị cho việc nới lỏng giới hạn sản lượng của OPEC+ và khả năng nới lỏng một số lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.
Mức độ hoạt động, cao hơn một phần ba so với mức trước xung đột, là dấu hiệu mới nhất cho thấy khả năng phục hồi của ngành dầu mỏ Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, được thiết kế để làm tê liệt khả năng bơm dầu thô lâu dài của nước này bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận các công nghệ và thiết bị tiên tiến.
Ronald Smith từ Emerging Markets Oil & Gas Consulting Partners LLC cho biết, hoạt động khoan có nghĩa là tổng công suất sản xuất dầu thô và một loại dầu nhẹ của Nga là 11 triệu đến 11,5 triệu thùng mỗi ngày, hầu như không thay đổi so với năm 2016.
Ông Smith nêu rõ: “Chúng tôi có thể nói một cách an toàn rằng ngành dịch vụ dầu khí của Nga phần lớn đã thích nghi thành công với chế độ trừng phạt. Điều này không có nghĩa là đã tìm được sự thay thế hoàn hảo trong mọi trường hợp, nhưng có những sự thay thế phù hợp ở cấp độ rộng hơn”.
Theo dữ liệu mới nhất mà Bloomberg có được, hoạt động khoan sản xuất của Nga đạt trung bình hơn 7,8 triệu feet vào tháng 1 và tháng 2 năm nay. Con số này cao hơn mức trung bình theo mùa trong ba năm đầu tiên kể từ cuộc xung đột với Ukraine, gây ra những hạn chế rộng rãi đối với tính khả dụng của các dịch vụ khai thác dầu mỏ phương Tây tại Nga.
Ngay cả khi một số nhà cung cấp nước ngoài lớn rời khỏi Nga sau cuộc chiến, họ vẫn bán các đơn vị của Nga cho các nhà quản lý địa phương, giữ lại thiết bị và chuyên môn tại quốc gia vốn bị trừng phạt này, trong khi các nhà cung cấp khác bao gồm SLB Plc và Weatherford International Plc vẫn tiếp tục hoạt động, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn.
Theo Dmitry Kasatkin, đối tác tại Kasatkin Consulting, nơi tuyển dụng một số cựu cố vấn của Deloitte trong khu vực, trong ba năm qua, các công ty dịch vụ địa phương cũng đã có thể tìm được nhà cung cấp thiết bị thay thế hoặc tự phát triển các thiết bị tương đương.
Sergey Vakulenko, người đã có một thập kỷ làm giám đốc điều hành tại một công ty sản xuất dầu mỏ của Nga và hiện là học giả tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết: "Có thể có một số mức độ thoái lui trong công nghệ khoan. Nhìn chung, tác động của lệnh trừng phạt và sự ra đi của các nhà cung cấp dịch vụ phương Tây thấp hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người cách đây 3 năm".
Tóm lại, các biện pháp trừng phạt dầu mỏ hiện tại của phương Tây không chỉ thất bại trong việc hạn chế doanh thu của Nga mà còn khuyến khích Nga phát triển một hệ thống vận chuyển dầu mới và thúc đẩy sự hình thành một thị trường dầu song song. Nga cũng đang đẩy mạnh khoan dầu với tốc độ cao nhất trong 5 năm qua, bất chấp các lệnh trừng phạt. Dù nhiều công ty phương Tây rút lui, họ vẫn để lại thiết bị và nhân lực tại Nga, trong khi các doanh nghiệp trong nước đã tìm được hoặc phát triển thiết bị thay thế. Do đó, các lệnh trừng phạt dường như đang lỗi thời khi tác động của chúng thấp hơn nhiều so với dự đoán ban đầu.