'Sư ông Làng Mai' Thích Nhất Hạnh viên tịch, người người tiếc thương
Nhiều nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn đã chia sẻ những bài viết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng lời tiễn đưa ông về với cõi vĩnh hằng.
Theo thông tin chia sẻ của Hòa thượng Thích Huệ Phước, Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch ở lúc 0 giờ ngày 22-1 (tức ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), tại Tổ đình Từ Hiếu, hưởng thượng thượng thọ 97 tuổi.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, xuất gia tu học tại chùa Từ Hiếu, người thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp và nhiều trung tâm tu học khác tại Mỹ, Đức, Hồng Kông, Thái Lan.
Sau hơn 40 năm kể từ khi rời Việt Nam, Thiền sư trở về quê nhà hoằng pháp lần đầu tiên vào năm 2005 và sau đó là vào năm 2007, 2008… Năm 2017, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Thái Lan về Việt Nam, trở về Tổ đình Từ Hiếu tịnh dưỡng và lưu trú cho đến hôm nay.
Trước đó, tháng 11-2014, Thiền sư Thích Nhất Hạnh gặp một biến cố về sức khỏe, được chẩn đoán là tai biến mạch máu não. Sau đó, Thiền sư đã được đưa sang Hoa Kỳ điều trị, sự phục hồi sức khỏe của Thiền sư được cho là “kỳ diệu”.
Tuy nhiên đến hôm nay Thiền sư Thích Nhất Hạnh- Sư ông Làng Mai đã về cõi vĩnh hằng và để lại nhiều tiếc thương đối với các chư tăng cũng như Phật tử.
Trên trang cá nhân, nhiều nghệ sĩ, nhà báo... đã đăng tải những lời tiễn đưa Sư ông Làng Mai.
NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ bài viết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh để đưa tiễn ông: "Kính tiễn người
Buông bỏ
Bước đầu tiên để tạo ra niềm vui và hạnh phúc là biết buông bỏ. Chúng ta bị ràng buộc bởi quá nhiều thứ. Sự buông bỏ thực sự cần thiết cho sự sống còn và hạnh phúc của chúng ta. Đôi khi bạn nghĩ, bằng cấp, tiền lương, nhà ở hay tình yêu rất quan trọng với hạnh phúc của bạn. Nhưng ngay cả khi bạn đã sở hữu những điều trên, đau khổ vẫn tiếp diễn. Đồng thời, bạn sợ rằng, nếu buông những thứ bạn đang có, tình hình sẽ tệ hơn, bạn sẽ đau khổ và không thể sống nổi.
Nhìn sâu vào điều bạn đang sợ hãi, nó chính là trở ngại khiến bạn không thể hạnh phúc. Buông bỏ cần rất nhiều dũng cảm, nhưng một khi bạn làm được, hạnh phúc sẽ đến rất nhanh. Để nhận được hạnh phúc, bạn cần phải đánh đổi.
Trích tuyển tập thơ Thầy Thích Nhất Hạnh".
Nhà báo Phương Nam viết trên trang cá nhân: "Kính lạy Thầy.
…Nếu bạn hít thở và nhận ra rằng mình vẫn đang sống, đó là lúc bạn chạm tay vào điều kỳ diệu của việc được sống. Đó cũng là một loại giác ngộ”.
“Nếu ta tin ngày mai sẽ tốt đẹp hơn thì hôm nay ta có thể chịu đựng mọi khó khăn”.
“Nói “Tôi yêu bạn” có nghĩa là “Tôi có thể mang tới cho bạn sự bình yên và hạnh phúc”. Để làm được điều đó, trước tiên, chính bạn phải là người có được những điều đó đã”.
“Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương”.
“Hạnh phúc là được là chính mình. Bạn không cần phải được thừa nhận bởi người khác. Chỉ cần chính bạn thừa nhận mình là được rồi”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh".
Chuyên gia tội phạm học, nhà văn, nhà báo Đào Trung Hiếu bày tỏ: "Bậc thầy hiền trí đã rời cõi Ta bà. Những bài học làm người Cụ dạy thực sâu sắc.
Trong lịch sử 2.500 năm Phật giáo, Cụ là người xếp thứ 10. Rất thích phương pháp thiền hành của Cụ để kiểm soát tâm, thân, khẩu, ý.
Mừng cụ nhập Niết Bàn bởi công đức vô lượng trong thời gian lưu lại dương gian! Cần khai thác tối đa tinh thần, triết học Phật giáo trong việc giáo hóa con người, để xây dựng một xã hội bình an, chống lại những suy đồi, thoái hóa bởi tham, sân, si.
Mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, lấy chỉ số hạnh phúc của người dân quan trọng hơn tăng trưởng GDP theo tư duy nhân quả Phật giáo, là cách lựa chọn sáng suốt".
Nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ: "Tôi tự hứa với lòng mình rằng tôi sẽ vui sống từng phút giây mà đời ban cho tôi". Thích Nhất Hạnh đã nói thế, và mình lắng nghe. Mình đã luôn sống như thế, và mong mọi người cũng thế. Nhưng để được thế, đấy là cả một hành trình không đơn giản của việc nghĩ và sống thế nào để cảm thấy hạnh phúc và được sự tự do trong tư tưởng, thoát khỏi những định kiến, sống cởi mở hơn.
Thích Nhất Hạnh lại nói: “Mỗi sáng thức dậy, tôi lại mỉm cười. Hai mươi tư tiếng mới mẻ đang ở trước mắt tôi. Tôi nguyện sống trọn cho từng phút giây và xem xét mọi thứ bằng ánh nhìn từ bi”. Đấy là lí do tại sao các bạn luôn nhìn thấy mình cười, ở bất cứ đâu, dù ở ngoài đường, trên tivi hay Facebook. Mình nguyện sống đẹp, sống tích cực, và trên thực tế, mình đã luôn như thế.
Mình không phải đệ tử của Thiền sư để gọi ông là Thầy, không phải là một Phật tử, nhưng mình chịu nhiều ảnh hưởng từ tư tưởng của ông, một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả và một nhà hoạt động hòa bình. Thích Nhất Hạnh đã viên tịch sáng nay ở Huế, trụ thế 95 tuổi…".
Nhà văn Bùi Anh Tấn tiếc thương: "Mọi người sẽ nhớ đến ông với tư cách một Thiền sư Phật giáo lớn của Việt Nam và thế giới. Ông từng là giảng viên, nhà văn với bút danh Nguyễn Lang, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội… nổi tiếng. Tôi cũng vậy, nhớ đến những tác phẩm của ông (19) ý nghĩa uyên áo về Phật học, về lẽ sống làm người, tu hành…và về đoản văn đầy chất thơ của nghệ sỹ Thích Nhất Hạnh mà sau này được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác thành bài hát nổi tiếng “Bông Hồng cài áo”.
'Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ
Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn
…
Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời'
Xin tiễn ông về cõi Tây Phương".