Sử dụng AI để lừa đảo trên nền YouTube

Cục An an toàn thông tin, Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, trên không gian mạng đã xuất hiện các hình thức sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để lừa đảo trên nền YouTube và chiêu trò mạo danh công ty vận chuyển để lừa đảo xuyên biên giới. Đây là bài học cảnh giác đối với người sử dụng mạng xã hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Cảnh báo lừa đảo trên nền tảng YouTube

Theo Cục An toàn thông tin, hệ thống tự động quảng cáo với những nội dung được tạo ra bởi AI đã trở thành yếu tố để những tên tội phạm mạng vượt qua được hàng rào bảo mật cũng như những chính sách mà YouTube đặt ra, khiến cho nền tảng này trở thành không gian hoạt động hoàn hảo của những tên lừa đảo.

 Cảnh báo lừa đảo trên nền tảng YOUTUBE. Ảnh: minh họa

Cảnh báo lừa đảo trên nền tảng YOUTUBE. Ảnh: minh họa

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, nên sử dụng những phần mềm diệt virus chính thống, nâng cao bảo mật cho thiết bị cá nhân; luôn bật tường lửa trong quá trình sử dụng thiết bị không kết nối vào các wifi lạ tại nơi công cộng.

Trong đó, thủ thuật được các đối tượng lừa đảo sử dụng phổ biến trên nền tảng YouTube là tạo dựng các nội dung giả mạo. Bất kể là những đoạn video có thật hoặc được tạo ra bởi AI, bọn chúng đều có thể sử dụng nhằm thu hút và điều hướng người dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Nội dung video lừa đảo đáng chú ý trong thời gian gần đây là những đoạn video đã được chỉnh sửa bởi công nghệ Deepfake nhằm mạo danh một ai đó nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng để lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản.

Đối tượng sử dụng công nghệ AI để giả mạo giọng nói, quảng bá và dẫn dụ người dùng sử dụng những dịch vụ có chứa mã độc. Với sự phát triển của công nghệ, những video kể trên đều rất công phu, khiến cho những đối tượng như người già và trẻ em khó có thể phát hiện được.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng mạng xã hội nói chung và người dùng YouTube nói riêng, nên tuyệt đối tỉnh táo trước các nội dung mang tính chào mời tham gia các loại hình dịch vụ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc; cẩn trọng và thực hiện xác thực thông tin của những nội dung trên mạng xã hội.

Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị đánh cắp phục vụ vào mục đích phi pháp; tuyệt đối không truy cập vào những đường dẫn không rõ nguồn gốc, các đường dẫn quảng cáo, hạn chế tối đa tải xuống những ứng dụng lạ, tránh bị đối tượng tấn công mã độc chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài sản.

Giả mạo công ty vận chuyển Fedex để lừa đảo

Một người phụ nữ (40 tuổi, trú tại Bengaluru, Karnataka, Ấn Độ) đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo liên quan tới dịch vụ vận chuyển FedEx. Chỉ trong vòng 2 ngày người này đã bị lừa mất hơn 10 triệu rupee (~3 tỷ VND)

 Giả mạo công ty vận chuyển Fedex để lừa đảo. Ảnh: minh họa

Giả mạo công ty vận chuyển Fedex để lừa đảo. Ảnh: minh họa

Theo lời kể của nạn nhân, bà nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Người gọi tự xưng là nhân viên làm việc trong lĩnh vực Logistics (Chuyên chở và cung cấp hàng hóa) tại công ty FedEx, thông báo rằng có một kiện hàng đứng tên nạn nhân được vận chuyển tới Đài Loan và hiện đang bị giữ tại sân bay Mumbai. Đối tượng trình bày rằng bên trong kiện hàng có chứa 200g thuốc lắc, một vài cuốn hộ chiếu và vài bộ quần áo. Sau khi cuộc gọi kết thúc, nạn nhân lại nhận một cuộc gọi khác từ một người tự xưng là cảnh sát thuộc đội phòng chống hành vi sử dụng và tàng trữ chất cấm (NDPS), thông báo tiến hành lệnh bắt giữ khẩn cấp, điều này làm cho nạn nhân vô cùng lo lắng và hoảng sợ.

Theo đó, những đối tượng lừa đảo đã thao túng và đe dọa nạn nhân trong một khoảng thời gian khá dài, yêu cầu nạn nhân vào phòng kín và thực hiện cuộc gọi hình ảnh qua ứng dụng Skype. Trong khi gọi, bọn chúng yêu cầu nạn nhân khai báo thông tin cá nhân và liên tục buộc tội nạn nhân, chúng cho biết tài khoản ngân hàng của nạn nhân đã có những giao dịch liên quan tới rửa tiền. Nhóm tội phạm cũng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào ngân hàng RBI (Ấn Độ) nhằm xác nhận và kiểm chứng việc nạn nhân không có liên quan tới các cáo buộc trên, sau khi xong việc sẽ trả lại tiền.

Dưới sự thúc ép dồn dập của những kẻ lừa đảo, người phụ nữ đã chuyển 1,6 triệu Rupee (~400 triệu VND) và 7,5 triệu Rupee (~2,2 tỷ VND) cho các tài khoản khác nhau được gửi qua ứng dụng WhatsApp. Sau đó, người phụ nữ tiếp tục phải chuyển 930 ngàn Rupee (~284 triệu VND). Đây là bài học "xương máu" cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logicstic Việt Nam trong quá trình giao thương xuyên biên giới.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên tuyệt đối cảnh giác trước những cuộc gọi lạ, tỉnh táo để nhận biết được các dấu hiệu bất thường có nguy cơ lừa đảo.

Người dân cần bình tĩnh, tiến hành xác minh danh tính đối tượng bằng nhiều cách khác nhau trước khi thực hiện bất cứ một giao dịch nào, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của đối tượng khi chưa xác minh được danh tính, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/su-dung-ai-de-lua-dao-tren-nen-youtube-151589.html