Sự cố tôm hùm, cá biển chết hàng loạt ở Phú Yên gây thiệt hại hơn 38 tỷ đồng

Hơn 38,4 tỷ đồng là con số thiệt hại sau sự cố 129 tấn tôm hùm, cá biển thả nuôi trong lồng bè tại 'thủ phủ tôm hùm' ở Phú Yên bị chết hàng loạt. Đó là con số thống kê mới nhất của UBND thị xã Sông Cầu đang được người nuôi tôm, cá ở địa bàn này lưu tâm, triển khai các biện pháp cấp thiết theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Ngày 24/5, ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, đã có báo cáo về tình hình thiệt hại thủy sản thả nuôi trong lồng, bè ở 2 xã Xuân Thịnh, Xuân Cảnh trong vùng đầm Cù Mông và 2 phường Xuân Đài, Xuân Thành ven vịnh Xuân Đài, như Báo CAND đã thông tin.

Theo thống kê, 67 tấn tôm hùm và 62 tấn cá của 281 hộ gia đình thả nuôi trong 1.631 lồng bè đã bị chết từ ngày 18 đến 23/5, tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 38,4 tỷ đồng. Địa phương thiệt hại nhiều nhất vẫn là xã Xuân Thịnh với hơn 64,1 tấn tôm hùm và 39,8 tấn cá biển của 192 hộ gia đình thả nuôi trong 1.590 lồng bè, ước tính thiệt hại hơn 35,3 tỷ đồng.

Hiện trường cá biển bị chết hàng loạt trong lồng bè thả nuôi ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu.

Hiện trường cá biển bị chết hàng loạt trong lồng bè thả nuôi ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu.

Trong một diễn biến có liên quan, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã báo cáo số 197/TS3-QTMT&BTSMT ngày 23/5 về kết quả khảo sát, đo đạc hiện trường và thu thập mẫu tại các vùng nuôi tôm hùm, cá biển ở hai thôn Vịnh Hòa và Tuy Dương, xã Xuân Thịnh.

Tôm hùm bị chết được đưa vào bờ.

Tôm hùm bị chết được đưa vào bờ.

Theo đó, số lượng hơn 11.000 lồng nuôi tôm, cá là quá nhiều và mật độ dày nhiều so với độ hẹp của cửa đầm Cù Mông kết nối từ vùng nuôi thông ra phía biển, khiến cho khả năng lưu thông nước kém, vị trí đặt các lồng nuôi có độ sâu thấp, nền đáy nhiều bùn cùng vỏ động vật thân mềm và có mùi hôi thối, có dấu hiệu chình biển, cá biển tự nhiên bên ngoài lồng bè bị chết. Kết quả đo đạc các thông số kỹ thuật tại hiện trường cho thấy, hàm lượng oxy hòa tan (DO) chưa phù hợp cho nuôi tôm hùm, cá biển tại thời điểm khảo sát, nhiệt độ nước tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Người dân thu hoạch tôm hùm để bán nhằm tránh rủi ro phát sinh.

Người dân thu hoạch tôm hùm để bán nhằm tránh rủi ro phát sinh.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, chính quyền địa phương và người dân thả nuôi tôm, cá trong khu vực này cần phải triển khai một số giải pháp cấp thiết như: chuyển dịch, giảm thiểu số lồng nuôi, lưu ý tránh làm sốc tôm hùm, cá biển trong khi chuyển dời lồng; nên thu hoạch tôm, cá đã đạt kích cỡ thương phẩm để bán nhằm tránh rủi ro thiệt hại phát sinh; di chuyển các lồng không còn tôm, cá lên khỏi mặt nước nhằm tăng khả năng lưu thông của nước trước diễn biến khi nước lớn, nước ròng.

Lồng bè thả nuôi tôm, cá quá nhiều và mật độ dày khiến cho khả năng lưu thông nước kém. Ảnh: Hữu Toàn.

Lồng bè thả nuôi tôm, cá quá nhiều và mật độ dày khiến cho khả năng lưu thông nước kém. Ảnh: Hữu Toàn.

Bên cạnh đó, cần phải nâng những lồng đang nuôi tôm, cá lên gần mặt nước, che mát lồng nuôi, chuẩn bị máy sục khí, bình khí oxy để chủ động hỗ trợ khi tôm, cá bị ngộp do lượng oxy thấp cục bộ; thường xuyên thu gom tôm, cá chết bên ngoài tự nhiên, rác thải và thức ăn dư thừa đưa ra khỏi vùng nuôi; tăng cường theo dõi diễn biến tình trạng tôm, cá thả nuôi trong lồng bè và tình hình thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt là phải tập trung giám sát chặt chẽ tôm, cá thời điểm nước ròng vào ban đêm.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/su-co-tom-hum-ca-bien-chet-hang-loat-o-phu-yen-gay-thiet-hai-hon-38-ty-dong-i732212/