Sự cam chịu làm cho bạo hành gia đình tái diễn

Phiên tòa giả định truyền thông điệp rằng, người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình, bà có quyền được bảo vệ nhưng sự cam chịu của bà góp phần dẫn đến việc người chồng tiếp tục bạo hành.

Trong hai ngày 12 và 13-8, Chi đoàn Văn phòng, Phòng Kiểm tra nghiệp vụ Thi hành án TAND TP.HCM và Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức ba phiên tòa giả định tại TP Thủ Đức.

Chương trình mong muốn nạn nhân bạo lực gia đình và cả người có hành vi bạo lực hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Ảnh: HC

Chương trình mong muốn nạn nhân bạo lực gia đình và cả người có hành vi bạo lực hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Ảnh: HC

Chương trình phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ các phường Linh Chiểu, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B tổ chức tại ba phường với chủ đề phòng chống bạo hành gia đình.

Đây là hoạt động phối hợp thường xuyên giữa Chi đoàn Văn phòng, Phòng Kiểm tra nghiệp vụ Thi hành án TAND TP.HCM, Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và Hội Liên hiệp phụ nữ các phường trên địa bàn TP.HCM nhằm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Qua đó, chương trình mong muốn giúp mọi người hiểu rõ các quy định cũng như sự răn đe, chế tài của pháp luật, đặc biệt là nạn nhân bạo lực gia đình và cả người có hành vi bạo lực.

Nạn nhân của bạo hành gia đình hãy chủ động tố cáo để tự bảo vệ mình, đừng chờ ai lên tiếng giùm mình. Ảnh: HC

Nạn nhân của bạo hành gia đình hãy chủ động tố cáo để tự bảo vệ mình, đừng chờ ai lên tiếng giùm mình. Ảnh: HC

Phiên tòa giả định xét xử vụ án cố ý gây thương tích do người chồng thực hiện đối với vợ mình. Sau cú gạt mạnh tay của người chồng, người vợ ngã xuống đất, bị gãy xương cẳng tay, tỉ lệ tổn thương cơ thể là 35%.

Bị cáo khai mình là người kiếm tiền nuôi gia đình, còn vợ chỉ ở nhà nuôi con nên khi đi làm về mệt mỏi, vợ dọn cơm trễ, nhà không sạch sẽ, quần áo ủi không ngay… thì sẽ chửi, đánh vợ. Tòa đã phạt người chồng hai năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Phiên tòa giả định truyền thông điệp rằng: người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình, bà có quyền được bảo vệ. Sự cam chịu của bà là một phần nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo tiếp tục vi phạm pháp luật.

Nạn nhân của bạo hành gia đình hãy chủ động tố cáo để tự bảo vệ mình, đừng chờ ai lên tiếng giùm mình. Hành động của bị cáo không chỉ gây thương tích mà còn chửi mắng, lăng mạ, gây áp lực về tâm lý, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của vợ, ảnh hưởng đến cả con cái.

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/su-cam-chiu-lam-cho-bao-hanh-gia-dinh-tai-dien-post746640.html