Sri Lanka vỡ nợ, người dân lũ lượt kéo ra nước ngoài làm việc

Số hộ chiếu chính phủ Sri Lanka cấp trong sáu tháng đầu năm 2022 đạt gần 400.000, vượt quá tổng số cấp trong năm ngoái. Làn sóng người dân xin cấp hộ chiếu để ra nước ngoài làm việc, từ giúp việc nhà đến những công việc chuyên môn, đang dâng cao trong bối cảnh Sri Lanka vỡ nợ, kinh tế lụn bại dưới thời cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Đồng rupee của nước này đã giảm giá gần 50% so với sáu tháng trước.

Tính đến hôm 25-7, theo số liệu của chính phủ, đã có gần 168.000 người đăng ký đi làm ở nước ngoài. Đa số đang tìm đường đến Qatar, Kuwait hoặc Saudi Arabia.

Xuất khẩu lao động đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế Sri Lanka và cũng là nguồn ngoại hối quan trọng với đất nước. Kiều hồi đạt tỷ lệ trung bình 5,7% GDP trong giai đoạn 1981 – 2000, và con số này đã tăng lên khoảng 8% trong hai thập niên sau đó.

Đổ xô đi làm hộ chiếu

Người dân Sri Lanka lũ lượt kéo về thủ đô Colombo để làm hộ chiếu. Số lượng hộ chiếu cấp mới trong sáu tháng đầu năm nay đã vượt con số của cả năm 2021. Ảnh: Reuters

Người dân Sri Lanka lũ lượt kéo về thủ đô Colombo để làm hộ chiếu. Số lượng hộ chiếu cấp mới trong sáu tháng đầu năm nay đã vượt con số của cả năm 2021. Ảnh: Reuters

Velu Chandrakumari đã đi 140 cây số từ vùng quê Bandarawela đến thủ đô Colombo bằng phương tiện công cộng nêm cứng người. Cô đã ngủ dưới gầm cầu trong hai đêm, bỏ qua hai bữa ăn mỗi ngày, xếp hàng tổng cộng 60 tiếng. Tất cả vì hộ chiếu. Mức lương giúp việc ở Arab Saudi được hứa hẹn là 1.200 riyal (320 đô la) mỗi tháng tốt hơn rất nhiều so với số tiền 14 đô la một tháng khi làm ở đồn điền trà. Hơn nữa đồng rupee đang tiếp tục xuống giá.

Với hy vọng đi Trung Đông phụ giúp việc nhà, Velu Chandrakumari (phải) đã kiên nhẫn xếp hàng 60 tiếng để gia hạn hộ chiếu. Ảnh: Nikkei Asia

Với hy vọng đi Trung Đông phụ giúp việc nhà, Velu Chandrakumari (phải) đã kiên nhẫn xếp hàng 60 tiếng để gia hạn hộ chiếu. Ảnh: Nikkei Asia

Velu không phải là trường hợp duy nhất. Hàng trăm ngàn người dân Sri Lanka, tầng lớp nghèo hay trung lưu, đã tập trung tại văn phòng Bộ Nhập cư và Di dân để xếp hàng xin cấp hộ chiếu mới hay gia hạn. Một việc làm ở nước ngoài dù không có lương cao ngất ngưỡng cũng rất có giá trị so với chuyện họ phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh khó nhọc, khan hiếm xăng dầu và thực phẩm tại Sri Lanka do lạm phát đã vượt ngưỡng 50% hồi tháng 6 rồi.

Ngân hàng Trung ương Sri Lanka (CBS) gọi kiều hối là “trụ cột chính trong thu nhập ngoại tệ của Sri Lanka”, và nhấn mạnh rằng đây là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất trong thập niên qua. Năm 2020, tổng số kiều hối do người lao động ở nước ngoài gửi về Sri Lanka đã chạm mốc 7 tỉ đô la. Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm 2022, lượng kiều hối tụt đáy còn 1,6 tỉ đô la.

Lượng ngoại tệ người dân Sri Lanka gửi về nước theo con đường chính thức từ 2015 – 2022. Nguồn: Ngân hàng Trung ương Sri Lanka

Lượng ngoại tệ người dân Sri Lanka gửi về nước theo con đường chính thức từ 2015 – 2022. Nguồn: Ngân hàng Trung ương Sri Lanka

Các chuyên gia chỉ ra nhiều lý do cho sự sụt giảm này, gồm cả việc sử dụng các kênh chuyển tiền không chính thức – một phần do chính sách tiền tệ và cả sự không tin tưởng vào chính phủ.

“Ngay từ đầu, CBS đã mắc sai lầm khi tìm cách bảo vệ đồng rupee. Đồng đô la đã được cố định ở mức 200 rupee ăn 1 đô la vào tháng 12 năm ngoái, trong khi tỷ giá thị trường lại là 230 – 240 rupee. Vì thế, người dân đã chọn các kênh không chính thức để chuyển tiền để có tỷ giá tốt hơn. Hiện tỷ giá xoay quanh 360 rupee ăn 1 đô la” – theo nhà nghiên cứu về di cư Leelananda Kumara Ruhunage. Ông cũng từng giữ vị trí cấp cao tại Cục Việc làm nước ngoài của Sri Lanka.

Nhà nghiên cứu này nói rằng nguyên nhân phần lớn là làn sóng chống đối cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, gồm cả các chiến dịch truyền thông xã hội kêu gọi mọi người không gửi tiền qua các kênh chính thức cho đến khi ông Rajapaksa từ chức. Người dân Sri Lanka đang làm việc ở nước ngoài đã kêu gọi nối lại dòng kiều hối sau khi ông Rajapaksa chính thức từ chức hôm 15-7.

Tuy nhiên, nhà chức trách Sri Lanka đã thực hiện nhiều bước trong sáu tháng qua để cố gắng thúc đẩy dòng người ra nước ngoài lao động và gửi tiền về. Chính phủ đã giảm độ tuổi tối thiểu đối với phụ nữ đi làm ở nước ngoài xuống còn 21 và bỏ quy định người phụ giúp việc nhà phải nộp lý lịch gia đình. Cũng có thời điểm, chính phủ đã chấp thuận đề xuất tặng thêm 2 rupee cho mỗi đồng kiều hối gửi về. Tuy vậy, CBS đã hủy bỏ chính sách này vào tháng 3. Đầu tháng 7, Bộ Lao động Sri Lanka thông báo đã thảo luận với CBS để “đưa ra một sản phẩm chung nhằm khuyến khích chuyển tiền qua các kênh chính thức.”

Lao động có tay nghề đi làm việc ở châu Âu hoặc không có kỹ năng thì đi Trung Đông đã phổ biến hơn trước nhiều. Nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay đang đẩy ngay cả lực lượng lao động có tay nghề cao – từ các chuyên gia công nghệ thông tin đến các chuyên gia tiếp thị và khách sạn – vào cảnh khó khăn bởi đồng nội tệ mất giá gần phân nửa.

Shachil Perera, 26 tuổi, một huấn luyện viên bơi lội từng 4 lần đại diện cho Sri Lanka thi đấu quốc tế, đã chuyển đến Abu Dhabi vào cuối năm ngoái. Anh hiện kiếm được gấp 6 lần số tiền kiếm được ở Sri Lanka vào năm ngoái. Dù lương khá cao, nhưng số tiền gửi về đang bị teo tóp. “Đều đặn mỗi tháng tôi đều gửi tiền cho gia đình ở Sri Lanka. Nhưng với việc rupee rớt giá mạnh, gia đình tôi đã chi tiêu gấp đôi so với sáu tháng trước”.

Chảy máu chất xám

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng những người Sri Lanka theo đuổi giấc mơ ở nước ngoài có nguy cơ trở thành con mồi cho những kẻ buôn người. Một vấn đề đáng lo ngại khác là tình trạng chảy máu chất xám.

Khảo sát của một số nhà nghiên cứu độc lập tại Viện Chính sách Y tế của Sri Lanka vào tháng 11-2021 cho thấy 27% người Sri Lanka muốn di cư ra nước ngoài khi có cơ hội. Giới trẻ và những người có học thức là nhóm mong mỏi sớm rời bỏ đất nước càng nhanh càng tốt.

Ravi Rannan-Eliya, giám đốc điều hành của viện, cho biết tỷ lệ này đã tăng lên khi cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng hơn. Ông cho biết hồi tháng 11 năm ngoái, cứ 4 người được khảo sát thì có 1 người nói rằng họ muốn di cư. Nhưng hiện tại tỷ lệ này là 3 – 1, trong đó 20% đã có kế hoạch ra đi trong 12 tháng tới. Ông nói thêm, có khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp tham gia cuộc khảo sát muốn ra nước ngoài sau khi tốt nghiệp.

Ông cảnh báo rằng chảy máu chất xám sẽ gây ra những hệ quả đáng tiếc.

“Khi nói đến vấn đề di cư, chúng tôi là Philippines của Nam Á. Xã hội của chúng tôi đã bị bó rọ trong nhiều năm vì chúng ta đã mất đi lớp trí thức có thể làm giàu cho xã hội dân sự. Họ chính là những người duy trì sự gắn kết xã hội”, ông Rannan-Eliya nhận định.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/sri-lanka-vo-no-nguoi-dan-lu-luot-keo-ra-nuoc-ngoai-lam-viec/