Sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở An Giang

Đang vào mùa mưa, dịch sốt xuất huyết ở tỉnh An Giang diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục tăng tại các địa phương trong tỉnh.

Hiện nay, đang vào mùa mưa, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh An Giang có diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục tăng tại các địa phương trong tỉnh. Ngành Y tế và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc triển khai chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng, vệ sinh môi trường và phun hóa chất xử lý ổ dịch ngay khi có ca mắc, tuyên truyền tới từng người dân về cách phòng bệnh sốt xuất huyết.

Từ đầu năm đến nay, An Giang phát hiện 4.000 ca mắc sốt xuất huyết; tăng hơn 300% so cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, An Giang phát hiện 4.000 ca mắc sốt xuất huyết; tăng hơn 300% so cùng kỳ năm ngoái.

Tại thành phố Long Xuyên, những ngày qua, số ca sốt xuất huyết liên tục tăng. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có hơn 300 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái); Đây cũng là một trong những địa phương có ca mắc sốt xuất huyết cao trong tỉnh An Giang.

Hiện địa phương này cũng vừa phát hiện 3 ổ dịch mới, lực lượng y tế cơ sở đã phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khoanh vùng, xử lý nhanh để tránh dịch lây lan ra diện rộng. Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Thị Hân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Long Xuyên cho biết, hiện các Trạm y tế cũng đã nắm chắc các điểm nguy cơ phát sinh ổ dịch để thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện ổ dịch, không để ổ dịch bùng bùng phát, lan rộng. Đồng thời tuyên truyền cho các hộ dân về cách phòng bệnh sốt xuất huyết.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân thị xã Tân Châu diệt lăng quăng.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân thị xã Tân Châu diệt lăng quăng.

“Trung tâm Y tế thành phố Long Xuyên đã thực hiện 4 đợt vệ sinh môi trường; 4 đợt phun hóa chất trên diện rộng sau khi làm vệ sinh môi trường ở những nơi có nguy cơ cao, để hạn chế thấp nhất các ổ dịch nó diện rộng. Song song với đó, tham mưu cho UBND thành phố Long Xuyên thực hiện các mô hình như: Giám sát tác động chuyển đổi hành vi của các hộ gia đình để phòng chống sốt xuất huyết, tạo cho người dân thói quen hàng tuần phải tổng vệ sinh các dụng cụ có chứa nước, có lăng quăng. Đồng thời thực các Tổ xung kích phòng, chống sốt xuất huyết ở các địa phương”, Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Thị Hân chia sẻ.

Theo cảnh báo của ngành Y tế, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành quanh năm, đối tượng mắc không chỉ ở trẻ nhỏ, mà cả ở người đã trưởng thành, thể hiện qua số ca mắc và nhập viện điều trị nội trú tại các bệnh viện tăng trong thời gian qua. Bệnh gây xuất huyết ngoài da, nóng, sốt… ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống; thậm chí là bị sốc nếu không kịp thời đưa đến bệnh viện. Mặt khác, do dịch Covid-19 vẫn còn còn tồn tại, nên nhiều gia đình, người bệnh dễ nhầm lẫn giữa nhiễm virus SARS-CoV-2 với sốt xuất huyết. Do đó, nếu có dấu hiệu như ho, sốt…giải pháp tối ưu là đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Tư vấn cho người dân về phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Tư vấn cho người dân về phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Bà Trần Thị Đúng, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu cho biết, cháu bà có biểu hiện ho, sốt nhưng không biết bị bệnh gì, chỉ khi đưa đến bệnh viện mới phát hiện bị sốt xuất huyết.

“Cháu tôi bị nóng, ho...; tôi cho uống thuốc nhưng không hết; tôi chở cháu đi thị xã Tân Châu nhập viện. Ở bệnh viện nói là cháu bị sốt xuất huyết, lên đó trị mới khỏi bệnh. Tôi về nhà, nghe theo Ngành Y tế, tôi quét dọn nhà cửa sạch sẽ... rồi súc rửa lu, 2 đến 3 ngày một lần để cho hết lăng quăng. Không còn lăng quăng, không còn sốt xuất huyết nữa”, bà Trần Thị Đúng cho hay.

Theo Sở Y tế An Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh số ca sốt xuất huyết liên tục tăng; tính đến đầu tháng 6 này, trên địa bàn toàn tỉnh đã đã phát hiện và điều trị cho gần 4.000 ca mắc sốt xuất huyết; tăng hơn 300% so cùng kỳ năm ngoái.

Thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất.

Thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất.

Hiện An Giang cũng là địa phương có ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực ĐBSCL. Tính riêng trong tuần vừa qua, từ ngày 30/5 đến ngày 5/6, đã phát hiện hơn 500 ca mắc sốt xuất huyết. Hiện nay, số ca mắc và số ổ dịch được dự báo tăng cao hơn trong thời gian tới.

Trước tình hình này, ngành y tế An Giang tập trung khống chế dịch sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát và lan rộng, hạn chế tối đa “dịch chồng dịch” xảy ra trên địa bàn tỉnh; hạn chế số trường hợp mắc, bệnh nặng, tử vong, giảm áp lực về phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh giám sát, phát hiện và xử trí triệt để ổ dịch sốt xuất huyết và tay – chân – miệng; tăng cường giám sát và kiểm soát Vectơ gây bệnh Chikungunya, Dengue, Zika…, cũng như truyền thông để người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng.

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết: “Để dập dịch sốt xuất, hiện nay, Sở Y tế tỉnh An Giang chiến dịch vệ sinh môi trường; thứ hai nữa là đang đẩy nhanh dập dịch diện rộng, xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết. Tăng cường truyền thông về giáo dục sức khỏe cho người dân; phải ngủ mùng trong mùa dịch sốt xuất huyết đang phát triển. Hướng tới là tăng cường cơ sở vật vật chất như: máy thở, máy truyền dịch…tập trung đầy đủ tại các tuyến y tế từ tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh... Tập trung triển khai phác đồ điều trị trong phòng, chống sốt xuất huyết của Bộ Y tế để ngăn ngừa các ca chuyển nặng, giảm tỷ lệ tử vong".

Từ ngày 30/5 đến ngày 5/6, đã phát hiện hơn 500 ca mắc sốt xuất huyết.

Từ ngày 30/5 đến ngày 5/6, đã phát hiện hơn 500 ca mắc sốt xuất huyết.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đã và đang được ngành y tế và các địa phương ở tỉnh An Giang chủ động phòng, chống tích cực, từ chuyên môn đến công tác tuyên truyền, ý thức người dân cũng đã được nâng lên./.

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/sot-xuat-huyet-bung-phat-manh-o-an-giang-post948756.vov